Đề xuất chỉ được thu cọc nhà ở hình thành trong tương lai không vượt quá 5%

01/11/2023 - 06:09

PNO - Quy định đặt cọc cho các công trình nhà ở hình thành trong tương lai tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến quan tâm của ĐBQH tại phiên thảo luận sáng 31/10.

Quy định đặt cọc cho các công trình nhà ở hình thành trong tương lai tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến quan tâm của ĐBQH tại phiên thảo luận sáng 31/10.

Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - dự thảo đưa ra 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo đó, phương án 1, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi công trình đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo quy định của luật. Phương án 2, chủ đầu tư được thu tiền cọc khi dự án có thiết kế cơ sở được thẩm định và có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Số tiền đặt cọc tối đa theo quy định của Chính phủ nhưng không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở. 

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) đồng tình với phương án 2, cho phép chủ đầu tư được thu tiền cọc khi có đủ một số điều kiện như quy định. Tuy nhiên, bà cho rằng, khoản tiền đặt cọc không vượt quá 5% là mức hợp lý theo thông lệ xã hội.

Ngoài ra, số tiền này đảm bảo tính chất của việc đặt cọc không nhằm mục đích huy động vốn nhưng có giá trị đủ lớn để cả bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc cùng có ý thức phải tuân thủ. Đây cũng là cơ hội để bên nhận đặt cọc là chủ đầu tư dự án thăm dò, nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách hàng, từ đó hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiện ích của dự án.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Quốc hội quan tâm có sửa đổi, bổ sung khoản 1 của điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, bổ sung thêm cụm từ “trường hợp pháp luật khác có quy định về đặt cọc thực hiện theo quy định của bộ luật này và pháp luật có liên quan”. Bởi nếu không bổ sung quy định này sẽ phát sinh kẽ hở pháp luật mà các đối tượng xấu có thể lợi dụng để nhận số tiền đặt cọc với giá trị lớn. 

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng thống nhất lựa chọn phương án 2 và đề nghị số tiền cọc tối đa không vượt quá 5%. “Tham khảo ý kiến của Hiệp hội Bất động sản và khảo sát thực tế của giao dịch bất động sản, tôi thấy 5% là mức đặt cọc hợp lý. Ở một chừng mực của giao dịch bất động sản, có thể xem đây là một trong những cơ sở để phòng tránh sự bội tín của các bên” - bà Huỳnh Thị Phúc nói.

Trong khi đó, ĐBQH Vũ Tuấn Anh (tỉnh Phú Thọ) lại đề xuất quy định tích hợp cả 2 phương án. Cụ thể, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã được thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này. Thỏa thuận đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Quy định này nhằm minh bạch và bảo vệ quyền lợi của bên thường “yếu thế” hơn là người mua nhà ở hình thành trong tương lai.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI