Đề xuất chi 3.500 tỷ đồng từ ngân sách mua sách giáo khoa: Cần cẩn trọng để tránh lãng phí

31/10/2022 - 06:14

PNO - Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai thận trọng.

Nhu cầu nơi có, nơi không

Tại TPHCM, ông Lương Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) - đánh giá cao chủ trương mua sách giáo khoa (SGK) cho học sinh mượn, vì phù hợp với những nơi có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như Cần Giờ. Đồng thời, nếu triển khai tốt, một bộ SGK sẽ được sử dụng qua nhiều thế hệ học sinh, không bị lãng phí.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh mượn phải trên cơ sở khảo sát nhu cầu, tránh lãng phí  (trong ảnh: Người dân mua sách tại nhà sách Phương Nam, Q.Gò Vấp, TP.HCM) - ẢNH: P.T
Nhiều ý kiến cho rằng việc chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh mượn phải trên cơ sở khảo sát nhu cầu, tránh lãng phí (trong ảnh: Người dân mua sách tại nhà sách Phương Nam, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: P.T

Tuy nhiên, riêng với trường, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tiến hành khảo sát nhu cầu mượn SGK khi đã bước vào năm học mới, các học sinh đều đã trang bị đầy đủ sách. Do đó, nhà trường phải báo cáo là không có nhu cầu mượn sách.

Theo ông Lương Văn Minh, nếu khảo sát từ thời điểm hoàn tất tuyển sinh lớp 10 và bắt đầu làm thủ tục nhập học thì rất thuận tiện trong việc lấy ý kiến phụ huynh. Hiện nay, trung bình một bộ SGK khoảng 400.000-500.000 đồng, khá cao so với mặt bằng thu nhập người dân ở đây. Hơn nữa, trường có khoảng 20% học sinh thuộc gia đình hộ nghèo và cận nghèo, rất nhiều học sinh khác cũng thuộc diện khó khăn. Do đó, nhu cầu mượn SGK ở trường là rất lớn.

“Nếu triển khai mua SGK cho học sinh mượn, trường sẽ lập bộ phận tiếp nhận, xây dựng nội quy mượn sách. Việc bố trí chỗ lưu trữ, bảo quản sách, triển khai cho mượn đầu năm và thu hồi cuối năm chắc chắn sẽ phát sinh công việc cho giáo viên, văn thư. Tuy nhiên, nhà trường sẵn sàng thực hiện để chia sẻ gánh nặng tài chính cho phụ huynh và hỗ trợ tốt cho việc học tập của học sinh” - ông Lương Văn Minh nói.

Cũng ở huyện Cần Giờ nhưng ông Đặng Thái Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Khánh - cho hay việc triển khai cho mượn SGK sẽ khó thực hiện hiệu quả tại trường. Bởi thời gian qua, đa phần phụ huynh đủ khả năng tự trang bị sách cho con. Mỗi năm học, chỉ có khoảng 25-30 em có hoàn cảnh khó khăn và nhà trường đều kêu gọi mạnh thường quân chung tay hỗ trợ các em mua đồng phục, SGK, dụng cụ học tập… Bên cạnh đó, học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi nên chưa có ý thức giữ gìn sách. Nếu triển khai cho mượn sách suốt một năm học rồi thu hồi thì khó đảm bảo sách còn nguyên vẹn. Mỗi dịp cuối năm, trường vẫn kêu gọi các em quyên góp sách cũ để phục vụ các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đa phần sách đã qua sử dụng đều bị vẽ viết, bôi bẩn, rách, không sử dụng được nữa. Cho nên, ông Đặng Thái Bình đánh giá nếu triển khai cho mượn SGK thì có thể khả thi với học sinh cấp II, cấp III chứ không phù hợp với lứa tuổi tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) - cũng cho rằng, ở trường hầu như không có nhu cầu mượn SGK. Đa phần phụ huynh đủ khả năng mua sách cho con, tâm lý học sinh cũng mong muốn chính thức sở hữu một bộ sách để chủ động học tập. Cho nên, chỉ những gia đình quá nghèo mới nghĩ đến chuyện mượn sách. Năm học này, trường chỉ có một học sinh quá khó khăn và đã chủ động hỗ trợ sách cho em này. Nếu triển khai cho mượn SGK, thì các trường phải tính toán mở rộng thư viện chứa sách, bố trí thêm nhân viên bảo quản, kiểm soát việc cho mượn và thu hồi, đánh giá mức độ hư hại của sách sau từng năm và có phương án xử lý… Như vậy, khối lượng công việc phát sinh là rất lớn trong khi nhu cầu mượn sách ít ỏi.

Làm thận trọng, không cào bằng

Ông Cao Huy Thảo - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - cho hay, chủ trương trang bị SGK trong thư viện và cho học sinh mượn đã được các nước trên thế giới thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ở các nước, SGK chỉ là một kênh tham khảo, giáo viên, học sinh không quá “bám” vào SGK như ở Việt Nam. Tại các trường quốc tế, học sinh không bắt buộc phải học một cuốn SGK cụ thể nào. Giáo viên chỉ yêu cầu học sinh phải nắm những nội dung kiến thức gì, và học sinh có nhiều lựa chọn sẽ đọc cuốn sách nào về nội dung đó. 

Nếu triển khai cho học sinh mượn SGK nguyên một năm học thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Thực tế, chỉ những học sinh lớn, có ý thức giữ gìn mới có thể trả lại cuốn sách sạch đẹp sau một năm. Còn đa phần sách sẽ bị cũ, hư hỏng. Chưa kể, đến những năm kế tiếp thì sẽ có cả sách mới và cũ, vậy nếu học sinh nào cũng muốn mượn sách mới, nhà trường xử lý thế nào? Cơ sở vật chất nhiều trường cũng hạn chế, thư viện nhỏ hẹp, nếu tiếp nhận hàng ngàn đầu sách một lúc thì việc lưu trữ ở đâu và bố trí nhân viên quản lý thế nào? Như vậy lại phát sinh chi phí và nhân sự. 

Hiện nay, mỗi trường chọn một bộ SGK trên cơ sở danh sách đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Như vậy, nếu trang bị sách cho mượn thì phải đúng bộ sách mà trường lựa chọn. Nếu trong trường hợp qua 1-2 năm học, trường nhận thấy bộ sách đã chọn chưa phù hợp với thực tế dạy học ở trường mình và muốn đổi sách thì dẫn đến toàn bộ sách cho mượn trong thư viện không còn phù hợp.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cũng góp ý, việc chi một số tiền lớn để mua SGK cần thực hiện hết sức thận trọng, đánh giá tác động nhiều mặt. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra con số 3.500 tỷ đồng để mua SGK, nhưng lại chưa có một khảo sát bài bản về nhu cầu mượn sách của học sinh, phụ huynh. Thực tế, ở những thành phố lớn, đa phần gia đình có điều kiện trang bị SGK cho con, nhưng nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua sách cũng khó khăn. Do đó, không nên cào bằng, dàn trải, mà cần khảo sát, tính toán để hỗ trợ đúng đối tượng. Tránh tình trạng chi một khoản tiền khổng lồ mua sách nhưng khi đưa về các trường thì “ế” vì không ai mượn.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, qua 3 năm triển khai, SGK chương trình mới đang bị đánh giá là còn nhiều “sạn”, giữa các bộ sách có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc… Do đó, cần phải có tổng kết, đánh giá lại hiệu quả của chủ trương nhiều bộ SGK hiện nay so với một bộ sách như trước kia. Đồng thời, yêu cầu các nhà xuất bản tiếp thu, khắc phục những sai sót, bất cập nếu có. Sau khi đã hoàn thiện SGK thì mới có thể nghĩ đến việc triển khai mua một số lượng lớn sách để cho mượn.

Quan trọng là kiểm soát giá sách giáo khoa

Ông Cao Huy Thảo cho rằng vấn đề cốt lõi để giải tỏa những bức xúc về SGK là phải kiểm soát giá sách để phù hợp với mặt bằng thu nhập, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân. Cụ thể, đối với SGK thì yếu tố quan trọng là bền và giá thành hợp lý.

Bên cạnh đó, các loại sách bài tập cần được thiết kế đơn giản, một màu, in giấy bình thường để kéo giảm giá thành. Bởi các sách này học sinh viết trực tiếp lên sách, không tái sử dụng được nên không cần đầu tư đẹp đẽ. Hiện nay, SGK mỗi môn được thiết kế thành nhiều tập, dẫn đến chi phí cao. Các nhà xuất bản phải có trách nhiệm trong việc thiết kế sách đơn giản, gọn nhẹ, để tiết kiệm và giảm giá thành.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đào Thái Lai - Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam - cho rằng Nhà nước cần kiểm soát, quản lý để giảm giá SGK. Thực tế hiện nay, chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định khống chế mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình làm SGK, từ chi phí biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành…

Ông Đào Thái Lai cũng nhấn mạnh việc phải minh bạch hóa chi phí thị trường, trong đó cần có giải pháp để triệt tiêu chi phí cho khâu trung gian được các đơn vị xuất bản chi để mở rộng thị phần một cách không lành mạnh. Nếu không thì giá sách sẽ khó giảm, làm tăng gánh nặng tài chính cho phụ huynh, học sinh. 

Minh Linh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI