Đề xuất chi 1000 tỷ đồng đuổi chim ở sân bay: Chuyên gia phân tích 3 phương án

19/11/2016 - 09:42

PNO - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải xem các hãng bay có nhu cầu hay không, trong quá khứ đã có những vấn đề gì xảy ra trên đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay chưa?

Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Mức dự kiến đầu tư hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỷ đồng và tại Tân Sơn Nhất là gần 510 tỷ đồng. Tổng số vốn cho 2 cảng hàng không này là gần 1.000 tỷ đồng.

Trao đổi trước đề xuất này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, cần phải xem các hãng bay có nhu cầu hay không, trong quá khứ đã có những vấn đề gì xảy ra trên đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay chưa? và đã có sự cố nào xảy ra hậu quả thực sự nguy hiểm. "Tôi tin chắc chưa có sự cố nào", PGS đánh giá.

De xuat chi 1000 ty dong duoi chim o san bay: Chuyen gia phan tich 3 phuong an
Cục Hàng không đề xuất chi 1000 tỷ đồng đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ. Ảnh: Internet

Cũng theo ông: "Để có thể thực hiện đề xuất này còn cần phải xem nơi nào trên thế giới có vấn đề tương tự, họ đưa đã thực hiện giải pháp nào hợp lý, có đầu tư tốn kém không, trong khi tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn, vấn đề tiết kiệm ngân sách đặt lên hàng đầu, mà đầu tư như vậy là lãng phí".

Ngoài ra, trong đề xuất của mình Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 3 phương án đầu tư. Phương án 1 sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2 do người khai thác cảng (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hoá theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên phương án 2, nếu không được mới thực hiện phương án 3 vì theo ông Thanh “nên để ACV làm chủ đầu tư ngay từ đầu sẽ chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách,...

Trước 3 phương án được đưa ra, vị chuyên gia nhận định, với phương án 1 dùng tiền ngân sách, theo ông sẽ không hiệu quả, vì sẽ không thu lại được tiền. Trong khi còn rất nhiều vấn đề cần ưu tiên khác (trường học, y tế,...). Vấn đề tăng cường tín hiệu trên đường giao thông giữa đường sắt, đường bộ, làm sao hạn chế tai nạn chết người cũng đang cần ngân sách đầu tư.

Đối với phương án để ACV đầu tư, PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng chắc chắn họ sẽ thu lãi, thậm chí thu phí tất cả các chuyến bay cất, hạ cánh ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, kể cả không dùng dịch vụ, như vậy các hãng bay có chấp nhận không?

"Một điều lạ là vì sao không đầu tư cho tất cả các sân bay khác như Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, trong khi đều có nguy cơ như vậy, sao không đầu tư cho công bằng. Như vậy phương án 2 là vô lý.

Phương án 3 lại càng vô lý nữa, cái gì cũng nói xã hội hóa, như vậy ai đầu tư, ai thu tiền. Hình thức đối tác công tư PPP thực chất là một DN tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, rồi họ sẽ thu phí người sử dụng để hoàn vốn, người hưởng thụ trả tiền trực tiếp.

Và khi nói đến hình thức cho tư nhân đầu tư rồi thu hồi có khác nào BOT đường bộ, đến khi thu hồi xong thì hoàn trả lại cho nhà nước, không thu phí nữa. Nhưng đường bộ đang có quá nhiều tiêu cực, đầu tư ít nhưng lại nói nhiều, bắt buộc người dùng đường trả tiền đó là dân với mức phí quá đắt.

Với dự án trên cũng vậy, khi nhà đầu tư xong, họ sẽ yêu cầu các máy bay cất, hạ cánh tại sân bay đều phải nộp phí. Mà khi đó chủ yếu họ tăng mức giá vé thì người dùng máy bay là hành khách phải chịu thiệt thòi. Khi đó, đây chỉ là dự án phục vụ cho nhóm lợi ích", vị chuyên gia phân tích rõ.

PGS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ quan điểm: "Bộ GTVT hãy hỏi ý kiến tất cả các hãng bay sử dụng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xem họ đánh giá có thực sự cần thiết xây dựng dự án không, họ có trả tiền cho đầu tư đó hay không, khi đó hãy quyết định''.

Minh Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI