Đề xuất Bộ Y tế có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả trên mạng xã hội

22/10/2024 - 11:47

PNO - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra, nhiều bác sĩ bị sử dụng hình ảnh trái phép, quảng cáo không đúng sự thật nhưng không biết "kêu ai".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tán thành cho phép bán thuốc online xong có các điều kiện, yêu cầu chặt chẽ
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tán thành cho phép bán thuốc online song có các điều kiện, yêu cầu chặt chẽ - Ảnh: Q.H.

Mua bán thuốc online - cấm cũng không được!

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, sáng 22/10, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc lớn trong dư luận.

Vì vậy, ĐBQH tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. “Chúng ta biết, chỉ cần gửi tin nhắn Zalo tới nhà thuốc, thuốc ship tới tận nhà. Chúng ta cấm cũng không được”.

Tuy nhiên, ông nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử.

Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép. Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, nên bắt đầu thử nghiệm từ các nhà thuốc bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, ông tin các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay.

Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội. Bộ phận này tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo. Ông nêu thực tế, nhiều bác sĩ bị dùng hình ảnh trái phép, quảng cáo không đúng sự thật trên mạng nhưng không biết báo cho ai. Việc ra đời bộ phận này sẽ góp phần giảm tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Một vấn đề khác được ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu lưu ý là khi thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, “cần biết vị trí của mình ở đâu”. Bởi nếu làm các biện pháp để hạn chế các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước không thể so sánh thì dẫn tới hậu quả, người dân muốn dùng thuốc tốt phải chịu giá cao. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện đã không nhập khẩu về một số loại thuốc vì không cạnh tranh được về giá khi đưa các sản phẩm nội tương đương vào đấu thầu tập trung.

Về thuốc hiếm, dù đã có nhiều ý kiến ĐBQH nêu nhưng tới nay, dự thảo luật vẫn chưa quy định cụ thể. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị có quy định cụ thể về thuốc giải độc, dị nguyên, thuốc chuyên khoa đặc thù để các bệnh viện có thể mua trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài hoặc Bộ Y tế đưa vào đấu thầu tập trung.

Phải quản lý giá tất cả các loại thuốc

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà đề nghị phải quản lý giá tất cả các loại thuốc - ảnh: QH
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà đề nghị phải quản lý giá tất cả các loại thuốc - Ảnh: QH

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: dự thảo quy định công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, nhưng với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá như thế nào? Nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Dự thảo Luật cũng quy định, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.

“Nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau” - bà nêu thực tế.

Ngoài ra, theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, với các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, số lượng nhà thuốc bán lẻ rất lớn. Thống kê tại Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó, từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật Giá.

Do đó, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất dự thảo có tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện.

“Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, tôi đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc, và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia” - nữ ĐBQH nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) quan tâm tới vấn đề số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành trên thị trường. Hiện trên thị trường có hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng trên 800 hoạt chất. ĐBQH cho rằng, như vậy sẽ có một số loại thuốc giống nhau, trùng lặp, cấp phép với nhiều loại giấy đăng ký lưu hành, điều này làm gia tăng gánh nặng giải quyết hồ sơ cấp phép và tăng gánh nặng giám sát quản lý thị trường của cơ quan nhà nước. Do vậy, ông đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp hạn chế cấp mới số đăng ký thuốc để tránh việc trùng lặp.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI