Đề xuất bổ sung gói chính sách hỗ trợ cho ngành giáo dục

19/10/2021 - 11:27

PNO - Đảng đoàn Quốc hội vừa đề xuất bổ sung gói chính sách hỗ trợ đối với các loại hình cơ sở giáo dục, người dạy, người học chịu tác động của COVID-19.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa có báo cáo chuyên đề về một số tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên, trẻ em gửi các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV - diễn ra từ ngày mai, 20/10.

Ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục tư thục có nguy cơ phải đóng cửa
Báo cáo đề xuất tiêm sớm vắc xin cho học sinh để các em quay trở lại trường học sớm nhất (ảnh minh họa)

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19.

Thống kê cho thấy, có khoảng 4 triệu trẻ em ở độ tuổi mầm non bị ảnh hưởng nề nếp, thói quen, sinh hoạt... do nghỉ dịch, đặc biệt ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động, một số cơ sở có nguy cơ bị đóng cửa. Nhiều giáo viên mầm non bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn.

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, mặc dù việc học được triển khai theo hình thức online, qua truyền hình song chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các cấp học này cũng bị ảnh hưởng lớn. Một số cơ sở giáo dục tổ chức dạy trực tuyến nhưng nguồn thu từ học phí không đủ trang trải chi phí. Nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học phải đóng cửa hoặc giải thể. Số lượt người tham gia học tập các chương trình giáo dục thường xuyên giảm...

Báo cáo cũng phản ánh có tình trạng lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập.

Từ thực tế nêu trên, Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để quay trở lại trường học sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, cần tổng kểt, đánh giá mô hình, phương thức dạy học ứng phó với đại dịch COVID-19 để có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục để đáp ứng xu hướng phát triển của cách mạng 4.0.

Báo cáo cũng đề nghị xem xét bổ sung nội dung hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dùng trong học trực tuyến đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình triển khai.

Trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài, Đảng đoàn Quốc hội đề xuất bổ sung gói chính sách hỗ trợ đối với các loại hình cơ sở giáo dục, đối với người dạy, người học chịu tác động của đại dịch để tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục và giáo viên mầm non tư thục.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI