Đề xuất BHYT hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn

07/09/2024 - 18:35

PNO - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, vô sinh, hiếm muộn tác động tới mức sinh thay thế ở Việt Nam nhưng chưa có chính sách BHYT hỗ trợ.

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - ảnh: L.N
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: N.Lê

Chiều 7/9, tại hội nghị quốc tế “Nâng cao tỉ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản: Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công” do Merck Healthcare Việt Nam phối hợp với Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) tổ chức, các chuyên gia chỉ ra, tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng tăng.

Thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thực tế, hiện nay, do xu hướng kết hôn muộn, áp lực cuộc sống... tỉ lệ vô sinh hiếm muộn còn tăng hơn, ở mức trên 7,7%.

Ông khẳng định, xu hướng kết hôn muộn làm giảm khả năng có thai. Nhiều người muốn có điều kiện đầy đủ như có nhà, có xe mới sinh con nên khi đó, người phụ nữ đã có tuổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh con... Những yếu tố này có tác động lớn, gây ra hệ lụy tới tỉ lệ sinh thay thế.

“Muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất hơn 2 con. Nhưng đến nay, một số tỉnh ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, TP Hà Nội, tỉ suất sinh không đạt 2,0 con/bà mẹ. Vì vậy, nguy cơ suy giảm dân số rất hiện hữu”, giáo sư Nguyễn Viết Tiến lo ngại.

Ông cũng dẫn chứng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với mức sinh thay thế giảm như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Theo đó, nếu Việt Nam không sớm nhìn nhận thì sẽ gặp hệ lụy, bởi khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già, việc nâng mức sinh thay thế rất khó khăn.

Hiện nay, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam, theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tương đương với các nước trên khu vực. Việt Nam có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh ống nghiệm, có thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Viết Tiến lưu ý, nhiều cặp vợ chồng tại Việt Nam không đủ kinh phí để làm các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn. Các cặp vợ chồng phải gánh toàn bộ chi phí và không được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Trong khi đó, trên thế giới, một số nước đã có chính sách chi trả BHYT cho làm kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Ví dụ ở Pháp, quốc gia này cho phép làm 4 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm miễn phí.

“Tôi gặp rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nhưng không đủ kinh phí để điều trị. Thậm chí, có những bệnh lý phải mổ xẻ, liên quan tới vô sinh hiếm muộn nhưng không được thanh toán BHYT. Điều này không chỉ gây khó khăn với các cặp vợ chồng mà còn chính với bác sĩ.

Nếu chúng ta có chính sách để thay đổi phù hợp, các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sẽ được hưởng lợi, góp phần duy trì, đóng góp việc duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số”, vị chuyên gia nói.

Ông nêu thực tế, quỹ BHYT hiện nay có hạn, do đó, để thực hiện được việc hỗ trợ trong điều trị vô sinh, hiếm muộn không thể đòi hỏi “ngày một, ngày hai” mà phải làm từng bước.

Ví dụ, các cặp vô sinh, hiếm muộn có những bệnh liên quan như mổ u xơ bất thường, không cần làm thụ tinh ống nghiệm thì nên được thanh toán. Khi quỹ bảo hiểm tốt hơn có thể thanh toán cả những kỹ thuật điều trị vô sinh như một số quốc gia trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, vấn đề là Nhà nước có sự quan tâm, thấy được những điểm cần sửa đổi và vào cuộc.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI