Giá sàn từ 400.000 - 1,4 triệu đồng/chặng
VNA vừa đề xuất áp giá trần và giá sàn máy bay. Cụ thể, hãng này đề xuất giá trần tăng 50.000 - 250.000 đồng/khách, giá sàn từ 414.000 đồng -1,4 triệu đồng/chặng. Giá sàn thì theo hai cách tính: cách 1 đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019; cách 2 giá sàn bằng 35% giá trần.
Giá sàn sẽ áp theo từng chặng cụ thể, với các chặng bay dưới 500km, giá trần hiện tại là 1,6 triệu đồng, hãng này đề xuất giữ nguyên với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội, tăng 100.000 đồng lên 1,7 triệu đồng/chặng với nhóm đường bay khác, đồng thời áp giá sàn 414.000 đồng/chặng.
|
Việc các hãng hà ng không cạnh tranh bằ ng giá vé giúp người dân có cơ hội đi máy bay, giú p ngành du lịch dần phục hồi ẢNH: D.Đ.MINH |
Với đường bay từ 500 - 850km, giá trần đề xuất tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/chặng, giá sàn 570.000 hoặc 787.000 đồng/chặng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, giá trần từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng, giá sàn 755.000 đồng hoặc 1,11 triệu đồng/chặng. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, giá trần hiện tại là 3,2 triệu đồng, đề xuất tăng lên 3,4 triệu đồng chặng, giá sàn 804.000 đồng hoặc 1,19 triệu đồng/chặng. Với đường bay trên 1.280km, giá trần hiện tại là 3,75 triệu đồng được đề xuất tăng lên 4 triệu đồng, giá sàn 917.000 đồng hoặc 1,4 triệu đồng/chặng.
Ngoài ra, VNA cũng đề xuất có thêm các hỗ trợ như được cấp hơn 50% lượng slot (số lượt cất/hạ cánh) và thương quyền được phân bổ; ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế, được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Hãng cũng xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội máy bay.
Đây là lần thứ 2 VNA đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Trước đó, vào tháng 3/2017, hãng đề xuất Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó nhận được nhiều quan điểm không đồng tình (Báo Phụ Nữ TPHCM đã có nhiều bài viết không ủng hộ đề xuất này) và không được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Hành khách và ngành du lịch thiệt thòi lớn
Được biết đây mới là đề xuất tại cuộc họp cấp cơ sở giữa VNA và Cục Hàng không và hiện Cục Hàng không chưa đưa ra ý kiến chính thức. Dù vậy, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu áp giá sàn vé máy bay, hành khách và ngành du lịch sẽ chịu thiệt thòi đầu tiên.
|
Các chuyên gia cho rằng đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay của VNA sẽ khiến thị trường mất cạnh tranh, người tiêu dùng bị thiệt hại - Ảnh: Đông Quân |
Dịch COVID-19 đã khiến thị trường hàng không đóng băng trong nửa đầu năm 2020. Từ tháng 5/2020, thị trường bắt đầu dần phục hồi, do thị trường quốc tế không thể hoạt động nên thị trường nội địa trở thành “sân đấu” chính của các hãng. Giá vé nhiều chặng bay của các hãng hàng không giảm mạnh để thu hút khách đồng thời đem lại lợi ích cho nhiều hành khách vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch. Việc áp giá sàn có thể giúp các hãng tăng doanh thu, song sẽ gây thiệt thòi lớn cho hành khách do sẽ không còn giá vé 0 đồng hoặc chỉ vài chục ngàn đồng như ở các chương trình khuyến mại trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, trước đây, trong bối cảnh thị trường hàng không chủ yếu bị chi phối bởi 1 - 2 hãng hàng không, chính sách giá trần là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của hành khách. Hiện thị trường đang rất cạnh tranh với nhiều hãng, khiến các hãng hàng không không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn phải cạnh tranh quyết liệt về giá. Nhờ vậy mới có vé máy bay rẻ, tạo cơ hội cho cả những người có thu nhập thấp có thể đi máy bay.
“Nếu áp giá sàn để cắt dòng cạnh tranh, cắt cơ hội đi máy bay giá rẻ của nhiều hành khách là quá vô lý. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, giá vé máy bay tăng sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch”, ông Trinh khuyến nghị.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) lữ hành tại TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng, đề xuất của VNA sẽ đẩy giá tour cao hơn. Nếu giữ nguyên giá tour thì dịch vụ bên trong gói tour sẽ bị cắt xuống, khách sẽ giảm nhu cầu đi tour. Đó là điều những người làm du lịch rất lo lắng. Ông Nguyễn Duy Tuấn - CEO của A Plus Travel - nhận định: các hãng hàng không cần cân nhắc vì hiện đang có nhiều phương tiện di chuyển có thể thay thế máy bay như tàu lửa, ô tô và nhiều tuyến đường cao tốc đã và sắp hoàn thành… để du khách cũng như các đơn vị lữ hành khai thác. Có thể du khách sẽ lựa chọn đi gần hơn, cân đối lựa chọn phương tiện, thời gian, chi phí hợp lý hơn khi các hãng bay không còn chính sách vé rẻ nữa.
Một số nước từng áp dụng giá sàn như Trung Quốc từ năm 2004 nhằm chấm dứt “cuộc chiến” về giá, hạn chế các hãng cạnh tranh bằng cách bán vé dưới giá thành. Tuy nhiên tới năm 2013, Trung Quốc đã bỏ quy định về giá sàn. Tại Đức, năm 2019, một số chính trị gia đưa ra ý tưởng áp dụng giá sàn do giá vé một số đường bay ngắn rẻ hơn cả giá vé tàu lửa tuy nhiên tới nay vẫn chưa chính thức được áp dụng.
Tại Đông Nam Á, hiện có Indonesia áp giá sàn nhằm hạn chế các hãng hàng không bán giảm giá, mức giá sàn bằng 35% mức giá trần.
Nhật Minh
Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính): Không đúng luật
Theo Luật Giá Việt Nam cũng như luật giá các nước, nếu bất kỳ thị trường nào còn có DN thống lĩnh thị trường (có nhiều DN và trong đó có DN chiếm thị phần quan trọng), thì sẽ không được phép định giá sàn. Với thị trường hàng không, hiện hai hãng VNA và Vietjet Air đang chiếm trên 70% thị phần, thống lĩnh thị trường, Luật Giá chỉ quy định giá trần. Cũng như thị trường xăng dầu hiện nay có 38 DN đầu mối nhưng Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro chiếm gần 70% thị phần, do vẫn còn những DN thống lĩnh thị trường nên Nhà nước quy định giá trần để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD).
Cơ quan quản lý không quy định giá sàn là để tạo điều kiện khuyến khích cạnh tranh giữa các DN, đảm bảo lợi ích cho NTD. Việc VNA đề xuất giá sàn vé máy bay là không đúng luật, sẽ không có ai dám ký duyệt đề xuất này.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TPHCM: Một hình thức
dẫn đến độc quyền
Kinh tế thị trường phải có sự canh tranh, giá vé máy bay càng rẻ, dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho NTD. Nếu áp giá sàn vé máy bay đồng nghĩa với việc bóp chẹt tính cạnh tranh, hãng hàng không nào cũng giống nhau, điều này không hợp lý trong nền kinh tế thị trường. Hơn thế, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ rất thiệt thòi cho NTD, đây được coi như một hình thức độc quyền của ngành hàng không, ai cần đi máy bay thì bắt buộc phải chấp nhận. Tôi cho rằng điều này không hợp lý và NTD sẽ không đồng tình, bất mãn. Nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, người dân đã hạn chế đi lại bằng máy bay vì lo ngại lây lan dịch bệnh, ngành hàng không cần phải có biện pháp khuyến khích để thu hút NTD chứ không phải áp giá sàn khiến họ càng hạn chế đi máy bay. Thực tế, có nhiều người không thường đi du lịch nhưng vì giá vé máy bay rẻ nên thúc đẩy họ đi du lịch. Trong tình hình ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 và vừa có dấu hiệu phục hồi, nếu ngành hàng không áp giá sàn, tăng giá vé, đẩy giá tour tăng cao thì càng tự làm cho cả ngành hàng không và du lịch đi vào bế tắc.
Giá sàn là một hình thức dẫn đến độc quyền. Các DN trong cùng một ngành sẽ liên kết với nhau độc quyền gây ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Luật Cạnh tranh cấm hình thức các DN liên kết với nhau bắt chẹt NTD.
Có thể do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành hàng không bị lỗ nên VNA muốn áp giá sàn, tăng giá vé máy bay để bù lỗ nhưng nghĩ như vậy là sai, vì trong hoàn cảnh dịch bệnh, tác động của xã hội thì DN phải chịu chứ không phải do tác động của thị trường. Tôi nghĩ kinh tế thị trường nên để tự nhiên theo Luật Cạnh tranh, phát triển kinh tế phải theo quy luật của kinh tế, việc áp đặt giá sàn sẽ gây phản ứng, tác dụng ngược.
Nguyễn Cẩm - Quốc Thái
|