Đề xuất 80% đào tạo ĐH bằng tiếng Anh: Các trường than khó

07/04/2016 - 07:39

PNO - Trước đề xuất trong năm đầu tiên ở bậc ĐH sẽ có khoảng 80% chương trình được dạy bằng tiếng Anh nhiều trường bày tỏ lo ngại về tính khả thi.

Mới đây, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam vừa đề xuất thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hiện nay.
Cụ thể, theo dự kiến của đề xuất trong năm đầu tiên ở bậc ĐH sẽ có khoảng 80% chương trình được dạy bằng tiếng Anh, còn lại 20% là các kiến thức cơ bản khác.

Đề xuất này còn hướng đến việc sau năm thứ nhất, một số môn học phải được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Ngoại ngữ là công cụ để hội nhập

Chiều 5/4, trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM cụ thể về đề xuất này, GS.TS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam đưa ra nhận định, ngoại ngữ là công cụ hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập, nó cũng là một kỹ năng lớn, năng lực làm việc trong bối cảnh hiện nay, đó là điều hết sức quan trọng để người ta đánh giá chất lượng.

Cũng theo GS, ngoại ngữ không giống như các môn khác, được coi là kỹ năng quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay cần phải bổ sung. Ông Quân lập luận rằng: "Sinh viên hiện nay rất nhiều em nhận thấy điều đó nên các em cũng tìm cách học thêm ở ngoài, còn nếu sau năm học ở ĐH mà thấy hiệu quả thấp thì nhiều em sẽ tiếp tục thời gian học ngoài đại học. Chính vì vậy mà Hiệp hội nghĩ là hiện nay nên có cái đổi mới".

De xuat 80% dao tao DH bang tieng Anh: Cac truong than kho
Tiếng anh rất quan trọng trong thời buổi hội nhập. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Trước thực tế nhiều cử nhân sau khi ra trường không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, GS Quân cho rằng: "Nếu đánh giá rằng chất lượng giáo dục của Việt Nam kém thì nói chung cũng đúng. Nhưng mà kém thì cần phải khắc phục.

Thực ra mà nói thì đây cũng không phải là phương án hoàn toàn mới, thực ra một số trường cũng đã làm rồi và thực sự là có hiệu quả. Tôi chắc rằng cứ tiếp tục làm thì sẽ có hiệu quả thôi".

GS Trần Hồng Quân cũng thẳng thắn thừa nhận: "Khó khăn thì nhiều, đương nhiên là nhiều. Nó đảo lộn học tập và đội ngũ giáo viên cũng khó vì trước kia mình học ngoại ngữ giải đều hơn, số lượng giảng viên không phải là quá nhiều".

Ông đưa ra ví dụ, năm thứ nhất thì học đều, rải đến những năm sau, còn nếu hiện tại học tập trung học để có hiệu quả thì số lượng thầy giáo cũng phải tập trung. "Cũng không phải là dễ giải quyết nhưng sẽ có cách giải quyết", ông Quân khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam đánh giá: "Thực ra trình độ tiếng anh đầu vào là rất không đều nhau, cũng có những em tiếng anh tại phổ thông rất khá còn có những em thì không bằng thì sau khi phân loại ra, bồi dưỡng thêm như thế nào.

Cái thứ 2 đó là, chủ trương của Hiệp hội là đào tạo tiếng anh tập trung, tạo ra môi trường sử dụng tiếng anh thì ở đó kỹ năng mới nâng cao hơn được, còn nếu không thì cũng khó".

"Trong trường hợp hiện nay thì cũng còn rất nhiều khó khăn nhưng Hiệp hội phấn đấu là sau năm thứ nhất, bắt đầu năm thứ 2 thì một số môn ít ngôn ngữ như toán, công nghệ thông tin, có thể học trực tiếp bằng tiếng anh, rồi dần dần là những môn khác, thì đó là cái cách làm, bước đi", GS Trần Hồng Quân nhận định.

Trường lo trò không hiểu, thầy không đủ khả năng

Trước thông tin về đề xuất của Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam, cũng chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM, theo PGS.TS Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông: "Nếu giảng bằng tiếng anh thì không biết là các trường công lập, các trường khác như thế nào chứ các trường ngoài công lập làm sao mà giảng được 80% bằng tiếng anh được".

Trình độ ngoại ngữ của mình như thế, các ngành chuyên ngành như công nghệ sinh học, kế toán,... thì trường chúng tôi không thể đảm nhận như vậy trong hiện nay".

De xuat 80% dao tao DH bang tieng Anh: Cac truong than kho
Sở GD-ĐT Nam Định đã có công văn gửi các trường THPT trong tỉnh để triển khai thực hiện giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ngay trong học kỳ 2 năm học 2013-2014.

PGS Vũ Phán cũng thông tin: "Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu là đến năm thứ tư thì những môn chuyên ngành, sẽ chọn 1 vài môn thực nghiệm giảng bằng tiếng anh nhưng mà cũng đang rất khó".

"Trường tôi năm thứ nhất học kinh tế chính trị, triết học, khóa học cơ bản,... hiện nay không có giáo viên để giảng cái đó (tiếng Anh) chứ còn chưa nói là học sinh có trình độ để nghe", ông bày tỏ lo ngại.

"Môi trường hiện nay là hội nhập, đào tạo không chỉ cho Việt Nam mà là cho các nước, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Trung,... rất rất quan trọng, nhưng điều kiện bây giờ mà năm thứ nhất phải giảng bằng tiếng anh như thế thì trường tôi chưa thể thực hiện được, ông Vũ Phán tái khẳng định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI