Để xe điện phát triển phải hoàn thiện hạ tầng

22/07/2022 - 06:51

PNO - Được đánh giá là phương tiện của tương lai vì thân thiện môi trường, xe điện đang bắt đầu trở thành sự lựa chọn của không ít người dân ở TPHCM. Tuy vậy, việc sử dụng loại phương tiện này vẫn chưa thực sự thuận tiện.

Còn nhiều bất tiện

Anh Hồng Danh, cư dân chung cư La Astoria (TP.Thủ Đức), cho biết rất thích xe máy điện vì chạy êm, không khói bụi, thân thiện môi trường và lại không phải “đau đầu” trước thông tin giá xăng tăng liên tục. Tuy nhiên, do ở chung cư nên anh gặp nhiều khó khăn về chỗ sạc điện.

Khu vực sạc pin cho xe đạp điện tại chung cư Hà Đô, Q.Gò Vấp, TP.HCM
Khu vực sạc pin cho xe đạp điện tại chung cư Hà Đô, Q.Gò Vấp, TPHCM

“Hầm chung cư không có ổ cắm để sạc xe nên hằng ngày, tôi phải mang xe lên căn hộ tầng 11 để sạc, rất bất tiện. Nhà cũng không rộng mà tối nào cũng phải “chứa” thêm một chiếc xe, chưa kể cứ mang lên mang xuống, mỗi khi cần đi gấp phải nói là “mướt mồ hôi”.

Chưa kể, có hôm sáng dậy phát hiện dây cắm sạc bị lỏng chưa vào điện, thế là lại cuống cuồng bắt grab đi làm. Riết một thời gian, tôi lại phải quay về xe xăng, còn xe điện để thỉnh thoảng hôm nào thư thả đi chơi loanh quanh mới lấy ra sạc để chạy. Tôi cho rằng xe điện chỉ phù hợp với người ở nhà phố, nhà riêng, còn với cư dân chung cư thì chưa tiện”, anh Danh nói. 

Chị Minh Hoa, ở chung cư Hà Đô (Q.Gò Vấp), cho biết đã mua cho con xe đạp điện để đi lại, tuy tầng hầm chung cư có ổ điện để sạc nhưng thỉnh thoảng cũng xảy ra một số trục trặc. Chẳng hạn, có hôm con chị đi về quên cắm sạc, hay có hôm vị trí ổ cắm điện bị nhiều xe khác “chiếm dụng” nên cũng không sạc được. Do đó, cứ cách vài bữa lại khệ nệ vác xe lên căn hộ để sạc. Có hôm con đi học mãi chưa thấy về, lo lắng gọi điện mới biết xe hết điện dọc đường nên người nhà phải ra “giải cứu”.

Theo chị Hoa, từ đợt chung cư Masteri Thảo Điền (TP.Thủ Đức) xảy ra hỏa hoạn từ xe máy điện sạc tại tầng hầm, chị cũng khá lo lắng mỗi khi sạc xe điện ở trong nhà.

Bắt đầu sử dụng ô tô điện vài tháng trở lại đây, anh Hoài Nhân, ngụ Q.Tân Bình, cho biết việc dùng xe điện nếu so sánh với xe xăng sẽ kinh tế hơn về chi phí nhiên liệu. Tuy vậy, đi xe điện khá “nhức đầu” vì đòi hỏi người sử dụng phải tính toán rất kỹ lộ trình đi lại, và luôn để ý đến lượng điện của xe để không rơi vào cảnh chết máy dọc đường.

Anh nhận xét: “Do lượng trạm sạc tại TPHCM còn ít, chưa phủ khắp, nên tôi luôn phải căng đầu tính toán xe còn chạy được bao xa, khi nào phải sạc. Mỗi khi sạc cũng phải tính kỹ vì thời gian sạc lâu (trung bình 2-5 tiếng). Đồng thời, trạm sạc yêu cầu sạc đầy phải lấy xe ra ngay, nếu để lâu sẽ tính phí phạt chiếm dụng chỗ, và phí này khá cao.

Do đó, khi lượng điện xuống khoảng 20-30% là phải lo tìm trạm gần nhất để sạc, sau đó, phải tìm chỗ ngồi đợi xe sạc xong là lấy ngay. Mỗi lần sạc đầy đi được khoảng 200km là phải mất thời gian tìm trạm sạc và chờ đợi. Cho nên, tôi nghĩ xe điện chỉ phù hợp với người nào rảnh rỗi và có tính toán lộ trình kỹ lưỡng. Chưa kể, nếu đi đường trường, đi các tỉnh thì vấn đề sạc điện thế nào cũng rất nan giải”.  

Hạ tầng phải phủ khắp như xe chạy xăng

Giáo sư Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm Tư vấn đề án Phát triển giao thông điện tại TPHCM, đánh giá TPHCM đang có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển phương tiện giao thông điện. Lãnh đạo thành phố đã đặt mục tiêu tiến đến nền kinh tế phát thải carbon thấp và phát triển bền vững vào năm 2030, đồng thời các chính sách hỗ trợ xe điện cũng được xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện.

Điểm sạc pin xe máy điện tại trung tâm thương mại Vincom Quang Trung  (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Điểm sạc pin xe máy điện tại trung tâm thương mại Vincom Quang Trung (Q.Gò Vấp, TPHCM )

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của doanh nghiệp trong nước sản xuất xe điện và nhận thức của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng là những tín hiệu đáng mừng. Thành phố đã có bước khởi đầu trong việc điện hóa xe buýt với tuyến xe buýt điện đầu tiên, sắp tới là các tuyến metro sử dụng điện. Đồng thời, TPHCM cũng rất có tiềm năng trong việc điện hóa vận tải đường thủy.

Đối với giao thông cá nhân, thời gian qua, các loại hình xe điện đã xâm nhập vào đời sống người dân như một xu thế tất yếu. Vấn đề là với số lượng còn ít ỏi và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện đã phần nào gây ra sự bất tiện cho người sử dụng. Tại TPHCM mới có 29 trạm sạc ô tô và một số trạm sạc xe máy đi vào hoạt động. Đồng thời, thành phố chưa có tiêu chuẩn thống nhất về hệ thống các trạm sạc. Người dân quan tâm nhất là tính an toàn khi sử dụng, hạ tầng trạm sạc thuận lợi và cự ly di chuyển dài cho một lần sạc đầy. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, góp ý để hướng đến mở rộng phát triển xe điện là một việc làm dài hơi, trong đó cần xây dựng một mô hình hiệu quả để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, vận hành.

TPHCM nên bắt đầu từ việc xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia để mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến đa dạng sản phẩm, giá thành phù hợp, cạnh tranh và người dân có nhiều sự lựa chọn. 

Với người dân, để tạo điều kiện thuận lợi sử dụng xe điện thì phải xây dựng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện, phủ khắp như với xe sử dụng xăng. Hiện nay, người dân ở nhà phố thì có thể sạc tại nhà, nhưng với chung cư cao tầng thì khá nan giải. Do đó, cần tiến tới phủ trạm sạc điện ở các khu chung cư hiện hữu. Đối với chung cư mới, cơ quan chức năng nên tính đến việc xây dựng quy chuẩn bắt buộc bố trí trạm sạc điện.

Ông Quân lấy ví dụ Singapore có diện tích chỉ nhỉnh hơn H.Cần Giờ (TPHCM ) nhưng hiện có hơn 1.900 điểm sạc điện và phấn đấu tăng 60.000 điểm sạc điện vào năm 2030. Hiện nay, một doanh nghiệp trong nước cũng đang phối hợp với các cây xăng để lắp đặt các trạm sạc điện cũng là một cách làm hay, tuy nhiên cần lưu ý đến an toàn cháy nổ.

Song song đó, phải mở rộng hệ thống trang thiết bị, bảo trì, bảo dưỡng cho xe điện. Với xe điện, hiện nay nhiều người dân vẫn băn khoăn nếu xe bị hư hỏng, đến hạn bảo dưỡng thì sửa chữa, thay thế ở đâu. Điều này phải đi đôi với việc đào tạo một lực lượng lao động phục vụ sản xuất, sửa chữa, vận hành, bảo trì xe điện.

Vấn đề nguồn điện và hạ tầng lưới điện cũng rất quan trọng, trước đây chúng ta tính toán năng lượng điện cho sinh hoạt và sản xuất thì nay phải tính đến năng lượng điện cho giao thông đảm bảo thông suốt, không gián đoạn. Đồng thời, giá điện cũng phải ổn định. 

TPHCM: Hoàn toàn có thể tiến tới loại bỏ xe xăng vào năm 2050

Giáo sư Lê Anh Tuấn cho rằng, với đặc thù và điều kiện hiện nay, TPHCM hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu dừng cấp đăng ký mới tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong vào năm 2050.

Cụ thể, thành phố có thể cắt giảm theo từng giai đoạn: Đến năm 2030, thành phố có thể đặt mục tiêu tỷ lệ xe điện đạt 20% với xe máy, ô tô con; 10% với taxi, xe buýt. Đến năm 2040, tỷ lệ xe điện có thể đạt 50% với xe máy, 60% với ô tô con, 20% với taxi và 100% với xe buýt. Đến năm 2050 đạt 90% với xe máy và ô tô con, 60% với taxi.

Để đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn, cần có các giải pháp từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm theo từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Đến năm 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc.

Đến năm 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Đến năm 2040 dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, ngừng hoàn toàn đăng ký xe động cơ đốt trong.

Tính toán kỹ việc xử lý pin xe và xác xe sau khi hết niên hạn
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, đối với xe điện, nếu không tính toán kỹ việc xử lý pin xe và xác xe sau khi hết niên hạn thì còn có nguy cơ ô nhiễm hơn. Nếu để tình trạng người dân xài xong thải pin ra môi trường thì rất nguy hại.

Mô hình cho thuê pin, sau khi hỏng có thể đổi pin mới, cũng là một giải pháp hay. Tuy nhiên phải đảm bảo các điểm đổi pin thuận lợi và mở rộng dần trên cả nước. Phải xây dựng chính sách thu hồi pin và tập trung xử lý thì mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và môi trường. Bởi người dân sẽ được hưởng giá xe rẻ hơn nếu không phải mua kèm pin, doanh nghiệp sau khi thu hồi pin có thể tận dụng được nhiều chất trong pin cũ và tái chế pin với giá thành rẻ hơn.

Đồng thời, lượng pin cũ không bị trôi nổi ra ngoài gây ô nhiễm và nguy hại kéo dài cho môi trường.

 Phương Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI