Mong thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp đường sá
Nhìn lại thành phố sau 47 năm giải phóng, tôi thấy sự đổi mới và phát triển rất rõ rệt. TPHCM văn minh, hiện đại nhưng cũng rất nghĩa tình, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn đó những hạn chế như kẹt xe, đường bị ngập nước khi trời mưa. Điều này làm chúng ta vất vả và mất nhiều thời gian cho việc đi lại, mệt mỏi tinh thần dẫn tới giảm hiệu quả công việc.
Tôi kỳ vọng và mong đợi thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp đường sá, xây dựng hạ tầng kết nối với các tuyến metro và tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân.
Tôi cũng mong thành phố sẽ đầu tư hơn nữa cho các chiến lược xanh sạch, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các vấn đề về môi trường, phát triển các khu công nghệ cao tập trung nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, giảm ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm nguồn nước.
Vì nông sản là thế mạnh của Việt Nam nói chung và các quận vùng ven của thành phố nói riêng, nên tôi đặt niềm tin và kỳ vọng thành phố sẽ đầu tư phát triển các khu nông nghiệp tự động hóa chất lượng cao, bảo quản hàng nông sản chất lượng cao. Việc đầu tư này sẽ là giải pháp lâu dài và bền vững để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng cơ hội xuất khẩu nông sản, hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế, làm giàu, tham gia góp phần phát triển kinh tế TPHCM.
Tiến sĩ Lê Ngọc Liễu - giảng viên Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM
Kỳ vọng về chính sách giúp nông dân phát triển
Thuộc thế hệ 8X, tôi quý trọng và biết ơn những thế hệ đi trước đã giúp chúng tôi hôm nay được thừa hưởng những thành tựu của sự phát triển. Vì trân quý những giá trị truyền thống thiêng liêng ấy nên tôi thấy rằng mình phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong công việc để có thể đóng góp công sức cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước.
Trong những năm tới tôi mong thành phố vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước và ngày một phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tôi mong đất nước nói chung, thành phố nói riêng, tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để nông dân trên cả nước tiếp cận được nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị, giúp chúng tôi phát triển ngành nghề, làm giàu cho bản thân, địa phương và đất nước một cách chính đáng.
Anh Bùi Ngọc Đức - Giám đốc Công ty TNHH Mai vàng tết
Sẽ là thế hệ tiếp nối đầy tin cậy
Thế hệ trẻ chúng tôi chỉ được biết về ngày 30/4 qua những trang sử. Đối với chúng tôi, đó là ngày để tri ân về sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ đi trước. Từ cảm xúc đó, chúng tôi tự dặn mình phải sống, học tập và lao động để góp sức xây dựng thành phố ngày một phát triển.
Thành phố đang từng ngày phát triển, không chỉ năng động, hiện đại, văn minh hơn mà còn là một thành phố nghĩa tình. Nghĩa tình ở cách nhìn lại quá khứ, ở ứng xử giữa người với người trong hiện tại và cả hướng phát triển trong tương lai.
Được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên giữa mạch nguồn thành phố, tôi nhận thấy suy nghĩ, tầm nhìn của thế hệ trẻ cũng hứa hẹn vượt ra khỏi giới hạn địa phương, của quốc gia để tiếp cận sự phát triển của nhân loại, nhưng vẫn mang trong mình nghĩa tình dân tộc. Tôi tin rằng, đó sẽ là thế hệ nối tiếp đầy tin cậy để những trang sử đẹp của thành phố tiếp tục dày lên.
Chị Nguyễn Đoàn Thanh Mai (sinh viên Trường đại học Tài chính Mảketing)
Thêm các chính sách chăm lo nữ công nhân, lao động nhập cư
Đối với nhiều người, ký ức của ngày 30/4/1975 chắc hẳn sẽ không bao giờ phai. Thế hệ trẻ như chúng tôi chỉ biết về sư kiện hào hùng ấy qua phim ảnh, những bài học lịch sử hay lời kể của các chứng nhân. Cá nhân tôi xin được tri ân sâu sắc đến hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, đã hiến dâng tuổi xuân và xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã vượt qua năm 2021 đầy cam go và thu được rất nhiều kinh nghiệm, bài học quý trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19. Tôi nhận thấy rằng, trong nhịp sống cùng sự phát triển của thành phố thì trình độ, tay nghề của đại bộ phận nữ công nhân, lao động nhập cư còn nhiều hạn chế. Phần lớn các chị em còn thụ động trong vai trò là người làm công ăn lương, chưa chủ động nắm bắt và tự tạo cơ hội để vươn lên. Các chị em chưa có giải pháp, điều kiện để cân bằng được cuộc sống giữa những bộn bề lo toan với việc giữ gìn gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở xã hội giá rẻ là rất lớn nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Hầu hết lao động nhập cư chỉ có thể ở tại các nhà trọ chất lượng thấp không đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Tôi cho rằng cần phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp và tận dụng mọi nguồn lực xã hội để cùng chung tay chăm lo, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm và giải quyết nhu cầu nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống cho nữ công nhân lao động nhập cư.
Từ đó, chúng ta sẽ có những giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo cơ hội để các chị phát triển bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói chung.
Chị Huỳnh Đặng Hà Tuyên (Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân)
Mong thực phẩm đến tay người tiêu dùng luôn đảm bảo chất lượng
Là một người nội trợ, tôi rất quan tâm đến chất lượng từng bữa ăn trong gia đình. Có thể thấy, sự phát triển của TPHCM trong những năm qua tạo điều kiện thuận lợi cho các bà nội trợ trong việc đi chợ, đi mua sắm với nhiều kênh bán hàng uy tín như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được quan tâm, quản lý nghiêm ngặt. Người kinh doanh, cũng có ý thức hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thực phẩm kém chất lượng, hàng gian, hàng giả có hại cho sức khỏe người tiêu dùng… tạo tâm lý bất an cho chúng ta. Bởi vậy, tôi mong thành phố tiếp tục có những biện pháp quản lý tốt hơn nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải siết chặt từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đến đầu ra. Nếu chủ nông trại, chủ nhà máy đến người buôn bán đều có ý thức trách nhiệm thì sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ đảm bảo chất lượng, sạch và tươi ngon.
Bà Nguyễn Thị Đào (nội trợ, P.4, Q.Gò Vấp)
Chăm lo nhiều hơn đến trẻ em khó khăn
26 năm gắn bó với lớp học tình thương, tôi nhận ra một điều: xã hội dù phát triển đến đâu vẫn có những đối tượng thiệt thòi, đặc biệt là trẻ em.
Học trò của tôi là những em nhỏ, vì nhiều lý do, không được đến trường như bao trẻ khác. Nhưng điểm chung lớn nhất ở các em là cái nghèo bủa vây, là sự thiếu quan tâm từ người lớn, do phần đông cha mẹ các em hằng ngày phải đầu tắt mặt tối với chuyện mưu sinh...
Tôi mong thành phố sẽ có nhiều hơn những chính sách cho các nhóm đối tượng trẻ em thiệt thòi này. Ở các lớp học tình thương, dù thầy cô có nhiệt tình, tận tụy đến mấy thì học trò vẫn… thiếu đủ thứ! Cái các em cần không chỉ là kiến thức giáo khoa mà còn là những hoạt động thể chất, những bài học về đạo đức, giao tiếp - ứng xử, giới tính, tâm sinh lý, làm việc nhóm… Tôi mong các trung tâm học tập cộng đồng sẽ được đầu tư nâng chất, mong có nhiều trí thức cùng tình nguyện chia sẻ và hỗ trợ các em.
Cô Võ Thị Bích Vân (giáo viên Trung tâm học tập cộng đồng P.15, Q.Tân Bình)
Nhóm phóng viên