Dễ vỡ nợ khi vay tiền bằng cách mua khống hàng trả góp

25/01/2025 - 07:55

PNO - Người không có thu nhập ổn định vẫn có thể vay được tiền từ công ty tài chính thông qua hình thức mua khống hàng trả góp. Đây là cách vay tiền được chính nhân viên công ty tài chính tư vấn cho khách hàng.

Lãi, phí vay "cắt cổ"

Sinh viên T.M.H. cho biết mình đã vay được tiền qua “kênh” mua hàng trả góp theo lời tư vấn của nhân viên một công ty tài chính ở TPHCM. Theo đó, cô được hướng dẫn ký vào hồ sơ mua trả góp chiếc máy tính trị giá 19,5 triệu đồng tại một cửa hàng điện tử ở quận 3. Thay vì nhận máy tính, cô được công ty tài chính giải ngân tiền mặt với thủ tục nhanh chóng.

Thế nhưng, với khoản vay 19,5 triệu đồng, cô phải trả góp trong 24 tháng, mỗi tháng hơn 1,46 triệu đồng (tổng tiền lãi là 15,54 triệu đồng). Cô còn bị trừ 20% phí “thu đổi” để lấy tiền mặt. Do cô là sinh viên nên còn bị nhân viên công ty tài chính trừ trước 3 tháng tiền gốc và lãi “cho chắc ăn”. Kết cục, số tiền thực nhận của T.M.H. chỉ 11,21 triệu đồng.

Nhờ bắt tay với công ty tài chính, nhiều cửa hàng điện tử không ngại quảng cáo: “Cần tiền gấp? Cứ đến đây, chúng tôi có cách”. Và cách mà họ làm là cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh dưới hình thức mua bán khống hàng trả góp rồi quy đổi thành tiền mặt.

Dịch vụ vay tiền nhanh thông qua mua hàng trả góp khống được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Dịch vụ vay tiền nhanh thông qua mua hàng trả góp khống được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Chủ một cửa hàng điện tử trên đường Minh Phụng, quận 11, TPHCM nêu quy trình: khách hàng chỉ cần chọn 1 sản phẩm, cửa hàng sẽ làm việc với công ty tài chính để hỗ trợ trả góp đến 90% trị giá mặt hàng, nếu thiếu 10% tiền trả trước, cửa hàng sẽ cho mượn. Ông ta nói: “Nếu em được duyệt mua máy tính 30 triệu đồng, anh sẽ mua lại với giá 24 triệu đồng”. Như vậy, chủ cửa hàng dễ dàng thu được khoản chênh lệch 6 triệu đồng, tương đương 20% trị giá sản phẩm.

Một cửa hàng điện tử trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM hỗ trợ khách hàng vay mức tiền khác nhau hỗ trợ tùy loại giấy tờ được cung cấp. Nếu người vay chỉ cung cấp căn cước công dân hoặc bằng lái xe, cửa hàng chỉ hỗ trợ vay để mua sản phẩm trị giá 10 triệu đồng; nếu cung cấp thêm hình chụp hộ khẩu thì được hỗ trợ mua sản phẩm trị giá 20 triệu đồng; nếu có thêm hóa đơn điện, nước thì được hỗ trợ mua sản phẩm trị giá 30 triệu đồng. Thời gian trả góp từ 6-18 tháng, được giải ngân trong vòng 1 giờ. Mức phí thu đổi để lấy tiền mặt lên tới 30%, trong đó 15% là phí dành cho nhân viên công ty tài chính.

Chủ cửa hàng này nói: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn, hình thức này giúp cửa hàng có thêm chi phí vận hành. Trước đây, lượng người vay tiền mặt qua hình thức mua hàng trả góp ít, nay tăng 2-3 lần”.

Người vay có thể bị vỡ nợ

Thông qua hình thức vay tiền nhanh chóng này, nhiều người đã vay để có tiền “tươi”, sau đó vừa phải trả góp cho công ty tài chính, vừa chịu lỗ 30% số tiền vay cho dịch vụ nên rất dễ đuối sức, vỡ nợ.

Đại diện một công ty tài chính cho rằng, việc cho vay tiền mặt thông qua hình thức mua bán hàng trả góp tiềm ẩn rủi ro cho công ty tài chính, khiến tỉ lệ nợ xấu tăng cao. Do đó, công ty không có các chương trình này hay khuyến khích nhân viên thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cũng xác nhận, nhiều công ty tài chính đang ôm khoản nợ xấu lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bão Yagi, tình trạng mất việc, trốn nợ… Không ít công ty tài chính thua lỗ do khoản trích lập quỹ dự phòng rủi ro quá lớn. Đặc biệt, khách hàng của các công ty tài chính chủ yếu là người có thu nhập thấp. Điều này buộc các công ty thắt chặt quy trình xét duyệt cho vay, dẫn đến hiện tượng một bộ phận nhỏ nhân viên tín dụng tìm cách lách để đạt chỉ tiêu duyệt vay, giải ngân.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng phản đối hình thức vay lẫn cho vay tiền mặt thông qua mua bán hàng trả góp. Theo ông, việc này khiến người mua gánh thêm chi phí (lãi suất vay, phí chuyển đổi, chênh lệch giá mua và bán) mà không thực sự sở hữu sản phẩm. Ông cho rằng những người bán hàng đang trục lợi từ sự thiếu hiểu biết của người dân. Các tổ chức tín dụng không mong muốn tình trạng này xảy ra, nhưng do kẽ hở trong quy trình, một số cá nhân đã lợi dụng để trục lợi, do đó cần siết chặt quy trình thẩm định khách hàng, xác minh mục đích vay vốn và kiểm tra kỹ lưỡng giá trị sản phẩm được mua trả góp.

“Các công ty tài chính có thể hợp tác với các cửa hàng bán lẻ để theo dõi sản phẩm sau khi bán, hạn chế việc khách hàng bán lại sản phẩm ngay sau khi mua. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về vay tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi vay, tránh bị dụ dỗ, mất tiền oan” - tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nói.

Cần ngăn chặn ngay kiểu cho vay trá hình này

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính - cho rằng, tình trạng nhân viên tín dụng hướng dẫn khách hàng vay tiền theo hình thức mua hàng trả góp khiến người tiêu dùng bị rủi ro về lãi suất, các khoản phí, có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Việc cho vay đối với những khách hàng không đủ điều kiện vay góp phần làm gia tăng nợ xấu tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính. Hành vi cho vay trá hình này làm méo mó thị trường tài chính, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty tài chính, bởi sẽ có những công ty sẵn sàng lách luật để mở rộng hoạt động cho vay. Ông đề nghị các công ty tài chính cần ngăn chặn ngay hình thức cho vay trá hình này.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI