Để vợ giữ tiền, chúng tôi giống ăn cắp tiền của chính mình

11/12/2022 - 21:07

PNO - Đưa vợ giữ hết tiền, mỗi ngày chỉ cầm có một trăm ngàn để chi tiêu. Việc này liệu có đáng tự hào hay không?

Hiếu chạy quanh văn phòng cầu cứu mấy anh em “chí cốt” để vay nóng mấy triệu. Nghe đâu Hiếu muốn giúp đỡ anh trai mới thua nợ do cờ bạc hay cá độ gì đó.

Ngặt một nỗi, khoản tiền thường có trong ví của Hiếu chỉ chưa đến một triệu. Hiếu lúc nào cũng tự nhận mình là “dân vô sản, đi làm được đồng nào đều đưa vợ giữ hết”. Hiếu lấy làm tự hào về điều đó lắm.

Ở trên công ty, ít khi thấy Hiếu chủ động tham dự cuộc vui nào cùng anh em. Thường là khi được mời, hoặc các buổi liên quan sử dụng quỹ phòng, Hiếu mới tham gia.

Hiếu cũng hay lấy lý do rằng “em ở tầng lớp vô sản, đâu có được như các anh, lúc nào cũng rủng rỉnh, muốn tiêu thế nào mà chả được” để từ chối các khoản chi phí được kêu gọi đóng góp.

Khi không có tiền trong tay, đàn ông không thể tự tin bước ra ngoài.
Khi không có tiền trong tay, đàn ông không thể tự tin bước ra ngoài.

Cứ hễ thiếu đâu dù chỉ vài trăm ngàn, Hiếu lại tá hỏa chạy khắp văn phòng vay mượn cho bằng được. Dần dà, chẳng ai mấy mặn mà với việc giúp đỡ Hiếu dù là việc vặt vãnh hay nguy cấp.

Trước đó, Hiếu cũng nổi tiếng về sự hào hoa phong nhã. Đã từng không tiếc tiền chi mạnh tay để lấy lòng chị em. Quần áo, đồng hồ, điện thoại thay mới liên tục. Nghe Hiếu từng kể từng tán tỉnh một lúc 2, 3 em. Em nào cũng “chết mê chết mệt” vì sự ga lăng của Hiếu. Ít ai hình dung được tình cảnh hiện giờ của Hiếu lại “bi đát” như thế.

Hiểu chẳng phải là trường hợp duy nhất đưa toàn bộ thu nhập của mình cho vợ giữ. Ngay cả nhiều ngôi sao nổi tiếng cũng hay tự hào khoe về việc để vợ giữ tất cả tiền, và “cho tôi hai trăm ngàn đồng mỗi ngày”. Chẳng hiểu thế nào mà việc người vợ trở thành thủ quỹ của gia đình là một điều rất hiển nhiên. Cứ như thể là nó là một điều khoản được viết đằng sau tờ giấy kết hôn.

Không biết thu nhập tự nhiên đi đâu mất, các ông chồng đôi khi rơi vào trạng thái mất phương hướng, mất động lực. Chẳng hiểu hằng ngày mình đi làm vì lý do gì? Chẳng biết thành quả lao động của mình ở đâu? Cần đến tiền tiêu lại phải ngửa tay “xin xỏ”. Khi chẳng thể thuyết phục được thủ quỹ bằng một lý do chính đáng, các ông chồng lại tất tưởi nhờ đến các chiến hữu.

Thế là để đỡ phải giải trình, các quỹ đen bắt đầu hình thành. Quỹ đen càng to thì tự do càng đến gần. Không chỉ dùng cho các công việc “chính nghĩa”, các quy đen còn đưa các ông chồng đến phòng hát, quán nhậu, tiệm massage. Các ông chồng cứ thế quay sang nói dối về lương, dấu nhẹm đi các khoản thưởng. Thậm trí không muốn vợ mình tiếp xúc với đồng nghiệp vì sợ bị bại lộ.

Cũng vì việc đã chuyển giao hết lương cho vợ, nên các ông chồng cũng đồng thời chuyển giao trách nhiệm. Từ việc chi tiêu hàng ngày, lo cho con cái học hành, cho đến việc mua sắm to nhỏ trong nhà, đối đãi nội ngoại. Chỉ cần gắn mác “đưa hết tiền cho vợ” rồi thì chỉ việc khoanh chân ngồi nhìn. Nếu rủi có gì không vừa ý thì cũng là “tại em”.

Nhiều ông chồng tự hình thành quỹ đen để đối phó với việc bị vợ giữ hết thu nhập
Nhiều ông chồng tự hình thành "quỹ đen" để đối phó với việc bị vợ giữ hết thu nhập

Thế nên, tôi thấy không đưa tiền cho vợ giữ lại nhiều lợi ích hơn.

Đầu tiên là đàn ông không cần phải "ăn cắp" thu nhập của chính mình. Tự kiểm soát việc chi tiêu giúp đàn ông có động lực hơn để tự gia tăng thu nhập.

Thứ 2 là, tự do đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, thay vì “đổ thừa” cho việc “đưa vợ giữ tiền”.

Và thứ 3 là, vì không giữ tiền của chồng, nên chị em có thể trút bớt đi gánh nặng trên vai mình, trở nên bình đẳng hơn với chồng. Vợ không phải là người nhận tiền để làm tất cả thay cho chồng.

C.A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI