Để vỉa hè lưu giữ bản sắc phố thị - Giữ hồn cốt vỉa hè, khai thác hết tiềm năng

24/08/2022 - 06:30

PNO - Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, vỉa hè TPHCM có nhiều tiềm năng để khai thác nhưng chưa được quản lý, sử dụng đúng cách.

Phóng viên: Khi nhắc đến vỉa hè ở TPHCM, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là gì?

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi nhớ lúc còn là học sinh, khi đi bộ trên vỉa hè để đến trường, tôi thấy những người buôn gánh bán bưng, đẩy xe hàng rong mưu sinh. Nhưng lúc bấy giờ, họ buôn bán trên vỉa hè có trách nhiệm, biết nhường lối cho người đi bộ. Họ trân trọng nơi họ ngồi bán, luôn dọn dẹp vệ sinh xung quanh.

Tôi thấy vỉa hè TPHCM hiện nay chưa thân thiện. Việc sinh hoạt, buôn bán nơi hè phố có sự hấp dẫn riêng, mang tính đặc thù nhưng do thiếu quy hoạch và tổ chức bài bản nên khá lộn xộn. Người đi bộ thiếu không gian để đi lại trên chính phần đường dành cho mình. Vỉa hè của TPHCM đang có nhiều tiềm năng, bản sắc nhưng vướng nhiều bất cập.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

* Vậy theo ông, có giải pháp nào để phát triển hợp lý, hài hòa?

- Ở TPHCM, cần lưu ý là, vỉa hè ở những khu đô thị mới thường khang trang hơn, còn vỉa hè ở những khu đô thị cũ được sử dụng một cách tự phát nên không dễ để thay đổi thói quen xấu đó. 

Tôi từng góp ý với UBND thành phố nhiều lần, ý kiến được ghi nhận nhưng chưa thấy thực hiện hoặc có nhưng chưa đồng bộ, chưa đủ sức tạo ra bộ mặt mới cho thành phố. Tôi lấy ví dụ, đối với hoạt động mua bán trên đường phố, chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn bởi nó góp phần hình thành bản sắc, nhưng lợi ích riêng phải đặt trong mục đích chung, nghĩa là việc dừng xe, buôn bán phải đảm bảo chừa lối đi dành cho người đi bộ. 

Tôi từng đề xuất dùng những vạch sơn hoặc gạch khác màu để đánh dấu. Đối với từng khu vực khác nhau, tùy thực tế, các đơn vị có thể linh động dành phần vỉa hè cho người đi bộ rộng bao nhiêu, dành cho hoạt động buôn bán, giữ xe bao nhiêu. Tôi nghĩ, UBND thành phố nên đưa điều này vào nền tảng pháp lý, ban hành các chế tài phù hợp để tổ chức lại vỉa hè. 

Ở đây, chúng ta không nên đi từ cực đoan này sang cực đoan khác, nghĩa là từ chỗ người đi bộ không có vỉa hè mà cấm buôn bán. Chúng ta nên linh động để vừa trả lại nguyên trạng, vừa giữ được bản sắc. Tuy nhiên, trên các tuyến đường quá nhỏ, nên quyết liệt cấm buôn bán.

 

* Ông thấy hướng quy hoạch, khai thác, quản lý ở những đô thị lớn của các quốc gia phát triển như thế nào và chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ họ?

- Ở Việt Nam, chúng ta để thói quen xấu diễn ra quá lâu, như lấn chiếm vỉa hè, xả rác, đậu xe bừa bãi. Muốn chấn chỉnh, phải bắt đầu từ những điều luật, những thay đổi nhỏ như vạch sơn để dễ quản lý. Ở Singapore những năm 1950, 1960 cũng từng lộn xộn như ở TPHCM hiện tại. Người dân cũng lấn chiếm vỉa hè, xả rác, khạc nhổ và Singapore đã đưa ra những điều luật với chế tài rất nặng cho các hành vi vi phạm.

Ở một số quốc gia Bắc Mỹ, họ có nhiều vỉa hè lộn xộn nhưng ý thức người dân rất cao. Trẻ em được giáo dục không vứt rác bừa bãi nên nếu thấy cha mẹ làm sai, chúng nhắc nhở. Mỗi xã hội đều có những đặc thù khác nhau. Ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM hay Hà Nội, trước kia hành vi lấn chiếm vỉa hè không nhiều nhưng khi kinh tế thị trường phát triển người dân bung ra làm ăn, buôn bán nên vỉa hè lộn xộn hơn nhiều.

* Liệu chúng ta sẽ mất bao lâu để biến vỉa hè tương xứng với đô thị văn minh?

- Chúng ta có hơn 40 năm bỏ ngỏ vỉa hè cho người dân tự ý buôn bán, lấn chiếm nên muốn thay đổi, đương nhiên không dễ. Tôi cho rằng, chỉ nhắc nhở là không ăn thua. Cần có những chế tài đủ nghiêm khắc, có biện pháp vừa khích lệ, vừa xử phạt để người dân chấp hành tốt, lâu dần sẽ tạo được sự thay đổi toàn diện. 

Nếu nghĩ về kết quả ngay khi chưa thực hiện quyết liệt, có lẽ quá trình đạt được thành quả sẽ xa và khó. Tuy nhiên, trong dự án chỉnh trang đô thị sắp tới, nếu chúng ta nhận định đúng vai trò, tầm quan trọng của vỉa hè đối với cảnh quan tổng thể của một đô thị văn minh, hiện đại thì chắc chắn, mọi kế hoạch sẽ được triển khai nhanh chóng, cụ thể hơn. 
* Xin cảm ơn ông. 

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI