Để "về nguồn" không chỉ là những chuyến tham quan

29/08/2024 - 06:49

PNO - Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt trong cán bộ hội “Mỗi ngày một sáng kiến” giai đoạn 2023-2025 chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 2 năm qua, Hội LHPN phường 18, quận 4 đã thực hiện sáng kiến “Mỗi quý một chuyến hành trình lịch sử”.

“Gần hết đời người tôi mới biết…”

Khi chúng tôi hỏi về cảm xúc trong chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn) diễn ra cách đây gần 1 năm, bà Phùng Thị Giao Chi - 62 tuổi, khu phố 3, phường 18 - xúc động cho biết, mặc dù là dân Sài Gòn chính hiệu, nhưng rất nhiều điều về thành phố này bà chưa từng được biết. Như di tích Ngã Ba Giồng chẳng hạn. Trước khi đến với Ngã Ba Giồng, bà không hề biết đây là nơi ghi dấu một giai đoạn lịch sử oai hùng của vùng đất Sài Gòn - TPHCM.

Các hội viên, phụ nữ phường 18, quận 4 xem kỷ vật tại các điểm di tích mà họ đã tham gia
Các hội viên, phụ nữ phường 18, quận 4 xem kỷ vật tại các điểm di tích mà họ đã tham gia

Lục lọi trí nhớ, bà Chi chậm rãi kể chúng tôi nghe những điều bà ấn tượng về chuyến đi. Đó là Ngã Ba Giồng không chỉ là nơi phát khởi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với trận đánh chiếm dinh quận Hóc Môn đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, mà còn là địa danh gợi nhắc đến sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng như Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu,...

Đọng lại sau chuyến đi của bà còn là huyền thoại về những người mẹ, những nữ chiến sĩ anh hùng của vùng đất quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ vườn trầu.

“Thiệt tình, sống ở TPHCM gần hết đời người, tôi mới biết Hóc Môn có 18 thôn vườn trầu hay như vậy. Cũng nhờ đi, trải nghiệm thực tế mới được cập nhật thêm kiến thức và sống lại trong thời khắc lịch sử ấy, để cảm nhận sâu sắc hơn những hy sinh anh dũng”, bà Chi giãi bày.

Cùng với Ngã Ba Giồng, từ cuối năm 2023 đến nay, bà Chi đã “rủ rê” các hội viên, phụ nữ của khu phố tham gia nhiều chuyến về nguồn khác do Hội LHPN phường 18 tổ chức, như “Hành trình hướng về nguồn cội” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác huyện Cần Giờ”; “Hành trình tiếp bước truyền thống anh hùng Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định” tại các di tích lịch sử trên địa bàn TPHCM và bảo tàng Áo dài Việt Nam; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bia Mậu Thân (phường 3, quận 4); tìm hiểu các cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập – năm 1968 và tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác và Cơ sở Gió Lộng - Biệt động Sài Gòn huyện Cần Giờ.

Với bà Chi, những chuyến về nguồn không chỉ giúp những cán bộ, hội viên phụ nữ như bà hiểu và thêm yêu truyền thống, nhận thức rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ mình đối với lịch sử để sống xứng đáng hơn, mà còn là cơ hội để các chi, tổ hội giao lưu, gắn bó với nhau trong việc tổ chức phong trào và hoạt động hội.

Đi để hiểu và hành động

Chị Trần Thị Huỳnh Nga – Chủ tịch Hội LHPN phường 18, quận 4 – chia sẻ, lấy chủ đề “Tiếp bước truyền thống anh hùng Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định” để thực hiện sáng kiến “Mỗi quý một chuyến hành trình lịch sử”, Hội LHPN phường sẽ lựa chọn những địa điểm gắn liền với vai trò của các thế hệ phụ nữ thành phố, để qua đó giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ hơn về truyền thống phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ TPHCM nói riêng.

Tuy nhiên, không để những chuyến về nguồn chỉ mang ý nghĩa tham quan, hiểu thêm truyền thống, Hội LHPN phường 18 còn xem đó là cầu nối để hướng đến việc thực hiện tốt phong trào và hoạt động hội địa phương, như công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn vào mỗi quý trong năm.

Kết hợp những chuyến đi, Hội LHPN phường 18 đã tổ chức hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của Ban phụ vận Sài Gòn - Gia định; thăm hỏi, trao tặng quà, kinh phí hỗ trợ các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tổ chức cuộc thi trực tuyến Vẻ vang trang sử vàngtìm hiểu ý nghĩa các chiến thắng của dân tộc chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2024), 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024).

Một chuyến về nguồn ở khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)
Một chuyến về nguồn ở khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Chị Nga cảm nhận: “Sau gần 2 năm thực hiện, sáng kiến “Mỗi quý một chuyến hành trình lịch sử” đã mang lại cho hội viên rất nhiều kiến thức lịch sử, mà dù cho có đọc trong sách báo, các dì vẫn không thể hình dung và cảm nhận sống động như trong những chuyến đi thực tế.

Những hoạt động lồng ghép trong chuyến đi cũng giúp các dì hiểu rõ hơn, sâu hơn về các phong trào, hoạt động hội của TPHCM. Do đó, với nhiều chuyến đi, các dì, chị ở chi hội đã chủ động đề xuất đóng góp thêm khi Hội LHPN phường không có kinh phí.

Ở một số điểm gần phường, họ sẵn sàng đi bằng xe máy để tiết kiệm chi phí. Nhiều dì trong số đó dù lớn tuổi nhưng vẫn rất hào hứng tham gia”.

Chị chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất khi thực hiện sáng kiến này là làm sao lựa chọn thời gian phù hợp cho những chuyến đi, tạo cơ hội để nhiều chị em hội viên, phụ nữ cùng tham gia, bởi còn rất nhiều hội viên vì bận mưu sinh mà chưa có cơ hội tham gia cùng hội.

Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI