PNO - Hôm qua, 6/6, hơn 98.600 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp Mười tại TPHCM đã hoàn thành bài thi môn ngữ văn và tiếng Anh. Đề thi được phần lớn học sinh và giáo viên nhận định là vừa sức. Với môn ngữ văn, tình yêu biển đảo quê hương, gia đình được đề cao.
Với môn ngữ văn, thí sinh có 3 câu, trong đó câu số 3 được chọn 1 trong 2 đề. Ở câu đầu tiên (3 điểm), đề thi lấy ngữ liệu trên báo chí, viết về hành trình “Tuổi trẻ, vì biển đảo quê hương”. Đề thi yêu cầu thí sinh viết về những người lính ở quần đảo Trường Sa, hướng các em tìm hiểu về các hoạt động, “khơi lên nhịp trái tim” với biển đảo, quê hương. Câu số 2 (3 điểm) yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm về việc “Biết suy nghĩ bằng con tim”. Câu số 3 (đề lựa chọn 2) nói về tình cảm gia đình thông qua tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Đề văn năm nay đề cao tình yêu biển đảo quê hương, gia đình (ảnh chụp tại điểm thi Trường THCS Phan Bội Châu, quận 12) - Ảnh: Nguyễn Loan
Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh cho biết phần nghị luận xã hội (câu 2) được xem là thách thức. Đề thi viết: “Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc - suy nghĩ, nhận thức, đánh giá về con người, cuộc sống bằng lý trí, trí tuệ, kiến thức... Nhưng trong cuốn sách Một nghệ thuật sống (tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần) lại khuyên: Biết suy nghĩ bằng con tim”. Đề thi yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Theo Tú Vân - thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận 12) - em và nhiều thí sinh khá bối rối, bởi chưa có nhiều trải nghiệm, nên các em khó đưa ra luận chứng về việc suy nghĩ bằng con tim. Đề thi này cũng khá lạ với quan điểm về việc suy nghĩ bằng con tim.
Thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho rằng, đây là câu hỏi mang tính phân hóa cao. Với đề “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này. Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2,5/3,0 trở lên) thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lý giải của mình: “nghĩ bằng con tim” là như thế nào? Lý giải hợp lý các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao.
Theo thầy Võ Kim Bảo, ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ. Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này.
Còn phần nghị luận văn học, đề bài không gây bất ngờ vì gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kỹ lưỡng. “Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ đề này vì thi tuyển sinh lớp Mười năm ngoái (câu 3, đề 2) đã ra chủ đề “tình cảm gia đình”. Trong đề này có gợi ý tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kỹ. Đây là một sai lầm rất đáng tiếc” - thầy Bảo chia sẻ thêm.
Tiếng Anh: Không gài bẫy, đánh đố học sinh
Sau khi hoàn thành bài thi môn tiếng Anh, nhiều thí sinh tại TPHCM nhận định đề thi có phần “dễ thở” hơn so với năm trước. Tại điểm thi Trường THCS-THPT Diên Hồng (quận 10), em Nguyễn Ánh Thúy cho biết, thí sinh có thể dễ đạt 7-8 điểm nếu học kỹ chương trình. Với phần trắc nghiệm, cấu trúc đề tương tự học sinh đã được làm nhiều lần trên lớp nên Thúy tự tin mình làm đúng hết. Một số câu em không làm được do không nhớ hết từ vựng, còn đề thi không mang tính đánh đố, gài bẫy thí sinh.
Tương tự, thí sinh Anh Thư cũng cho biết các câu hỏi đầu đều tập trung vào kiến thức cơ bản, có một số câu ở cuối đề thi mang tính phân hóa với mức độ khó hơn, nhất là phần yêu cầu thí sinh viết lại câu.
Nhận xét về đề thi năm nay, cô Phạm Thị Xuân Oanh - Tổ trưởng môn tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - cho biết, đề thi đảm bảo đúng ma trận mà Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra lúc đầu, gồm phần nhận biết và thấu hiểu. Trong đó có khoảng 70% kiến thức cơ bản, chỉ cần nắm vững chương trình học lớp Chín là thí sinh hoàn toàn làm được hết phần này. 30% còn lại dù có vận dụng cao nhưng không ở mức quá khó. Trong đó phần phân hóa tập trung vào kỹ năng đọc, phần viết lại từ loại, chia từ loại và phần đọc hiểu - dù là chủ đề quen thuộc nhưng nếu làm không kỹ vẫn dễ bị sai.
“Đề rất hay, bám sát chương trình học lớp Chín và tiêu chí không đặt nặng ngữ pháp. Đề thi không phải là loại đề “trúng tủ” hay bẫy thí sinh mà vẫn yêu cầu các em phải biết vận dụng, phân tích lựa chọn đáp án” - cô Phạm Thị Xuân Oanh phân tích.
Về phần đọc hiểu, giáo viên này cũng đánh giá cao đoạn văn trong bài thi môn tiếng Anh khi mở rộng ngoài sách giáo khoa, giới thiệu về một điểm du lịch ở Đà Nẵng - vừa quảng bá du lịch quê hương vừa vận dụng được tư duy của học sinh. Cô nói thêm, với đề thi này, phổ điểm chung của thí sinh có thể đạt từ 7-8 điểm, những em khá giỏi hoàn toàn có thể đạt từ 8-10 điểm.
Điểm mới trong đề văn giúp học sinh tiếp cận với sách, báo nhiều hơn
Cô Đoàn Xuân Nhung - giáo viên ngữ văn Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) - nhận xét: đề thi văn phù hợp với lứa tuổi học sinh, cả về tâm lý trẻ con và tình cảm dành cho cha - tình cảm cao đẹp mà bất kỳ học sinh nào cũng đang nuôi dưỡng. Khi phân tích tác phẩm xong, các em có thể liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc tác phẩm khác, nhất là đề tài gia đình như: Nói với con của tác giả Y Phương, Bếp lửa của Bằng Việt. Từ đó rút ra được bài học rằng tình cảm của gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý.
“Tôi tâm đắc đề thứ hai của phần nghị luận văn học về câu lạc bộ bạn yêu thơ. Đây là năm thứ hai, Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng đề từ hoạt động sinh hoạt của câu lạc bộ. Năm ngoái là câu lạc bộ đọc sách, năm nay là câu lạc bộ bạn yêu thơ. Đây là đề mở cho học sinh về thể loại thơ, thí sinh có thể thỏa sức sáng tạo trong đề 2 nghị luận văn học hơn” - cô Nhung nói.
Còn phần nghị luận xã hội không khó nhưng điểm mới là giúp học sinh tiếp cận với sách, báo nhiều hơn. Để làm bài tốt, đòi hỏi các bạn đọc thật nhiều sách, cập nhật thông tin trên báo chí thường xuyên để hình thành cách viết, lối hành văn, bám sát các đề tài nghị luận xã hội.
Hôm nay, 7/6, thí sinh thi môn cuối
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ngày 6/6, có 96.418/98.681 thí sinh dự thi môn ngữ văn và buổi chiều có 98.375/98.681 thí sinh dự thi môn ngoại ngữ. Như vậy, có 263 thí sinh vắng thi môn ngữ văn (tổng số thí sinh dự thi đạt tỉ lệ 97,71%) và 306 thí sinh vắng thi môn ngoại ngữ (99,68%).
Trong ngày thi đầu tiên có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi. Thí sinh này đem điện thoại vào phòng thi dù cán bộ coi thi đã nhắc nhở trước khi mở túi đề nhưng thí sinh vẫn để trong váy. Khi có cuộc gọi tới thì cán bộ đã phát hiện, lập biên bản và xử lý.
Kỳ thi năm nay có 6 thí sinh cần sự trợ giúp đặc biệt. Trong đó, 1 thí sinh bị tai nạn giao thông gãy đốt sống ngực và lưng, phải nằm viết. Thí sinh được bố trí thi tại phòng riêng ở tầng trệt của điểm thi Trường THCS Phan Bội Châu (quận 12). Ngoài ra, còn có 5 trường hợp thí sinh bị gãy tay phải, được giáo viên không dạy cùng môn thi của trường khác ngoài quận viết hộ. Các trường hợp này đều phải thi ở phòng thi riêng, có camera giám sát và ghi âm. 1 thí sinh là học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12) bị tai nạn giao thông trên đường đến điểm thi. Sau khi được bác sĩ xử lý vết thương, em được đưa lên taxi và được 2 cảnh sát giao thông dùng mô tô đặc chủng dẫn đường đến điểm thi tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10).
Sáng nay, 7/6, thí sinh tiếp tục bước vào môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp Mười là môn toán (120 phút). Riêng những thí sinh thi chuyên/tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên/tích hợp (150 phút) vào buổi chiều.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.