Đề tuyển sinh không nằm ngoài chương trình để trò không cần học thêm vẫn vượt qua

18/02/2025 - 14:09

PNO - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định như vậy khi nói Thông tư 29 về học thêm, dạy thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - ảnh: Bộ GD-ĐT
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Sáng 18/2, tại Hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin về quản lý dạy thêm, học thêm gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Kêu gọi phụ huynh tham gia giám sát học thêm, dạy thêm

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đã tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của người dân sau khi Thông tư 29 ban hành. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định lại, thông tư được xây dựng trên 5 quan điểm và nguyên tắc:

Thứ nhất, thông tư nhằm thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và các quy định khác có liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Thứ hai, ban hành thông tư nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không siết hoạt động này.

Thứ ba, tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, chương trình môn học của giáo viên.

Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo lợi ích của học sinh, không ép buộc, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, học sinh phát huy được tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học, giáo viên đóng vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.

Sau khi ban hành thông tư, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn 545 (ngày 11/2) về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT thực hiện đúng quy định về quản lý dạy thêm.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình thực hiện của các địa phương để có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo, qua đó, giúp các Sở GD-ĐT có căn cứ tham mưu và chỉ đạo thực hiện tại địa phương.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan nhằm thống nhất trong việc triển khai, thực hiện đúng quy định.

“Trách nhiệm của nhà trường và giáo viên là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Không ra đề tuyển sinh ngoài chương trình

Bên cạnh Thông tư 29, cần nhiều
Bên cạnh Thông tư 29, cần nhiều giải pháp khác để có thể xử lý tận gốc vấn đề dạy thêm - học thêm - Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng kêu gọi phụ huynh học sinh và xã hội cần đồng hành cùng nhà trường để thực hiện việc giáo dục, bảo đảm kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục là nhà trường – gia đình – xã hội; tham gia giám sát thực hiện Thông tư 29.

Để thực sự giải quyết câu chuyện học thêm – dạy thêm, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng còn cần phối hợp nhiều giải pháp khác. Trong đó, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực tự học của học sinh... là một trong những vấn đề quan trọng.

“Kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018, không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học đúng theo chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh”, Thứ trưởng nói.

Cùng với đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết phải tăng cường cơ sở vật chất và trường học. Số trường học phải có đủ, đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI