Để tuổi teen không còn là tuổi chướng

19/11/2024 - 10:22

PNO - Một khảo sát mới đây của Trường đại học Sư phạm TPHCM cho thấy, trong số 3.400 trẻ vị thành niên, có khoảng 37% trẻ ở các đô thị phía Nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Trong đó, có đến 53% trẻ vị thành niên thực hiện hành vi tự hại từ 8-11 lần/năm và 6% tự hại trên 12 lần/năm.

Vừa qua, tại quận 3, TPHCM, Wekan - Tổ chức Đào tạo kỹ năng và phát triển bản thân - đã tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Tuổi teen - Tuổi chướng?”. Chương trình thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên.

Con không muốn nói chuyện với mẹ

Chị Ngọc Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) có 2 con (12 tuổi và 7 tuổi). Do hoàn cảnh gia đình, vợ chồng bận đi làm nên chị cho 2 bé học bán trú. Khoảng thời gian tiếp xúc giữa ba mẹ và các con thường chỉ vỏn vẹn vài giờ vào buổi tối. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chị muốn nghỉ ngơi, vì cả ngày đầu tắt mặt tối với việc cơ quan.

Chị Liên bày tỏ: "Những ngày đầu tuần, tôi bị rút hết năng lượng cho công việc nên tối về, các con réo bên tai khiến mình dễ bực bội. Có lần tôi quát con chỉ vì con chưa hiểu một bài toán cần mẹ giải thích".

Con lớn của chị Liên đang ở độ tuổi vị thành niên nên khi bị những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ “rơi xuống” đầu, em cảm thấy vô lý khi phải chịu đựng. Từ cảm giác không phục, bé dần mất đi sự kết nối với mẹ. “Có lần tôi sốc khi nghe con nói con không muốn nói chuyện với mẹ. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình đã sai và phải học cách thấu hiểu con” - chị Liên kể.

Nhiều cha mẹ tìm đến buổi chia sẻ để mong học được cách thấu hiểu con trẻ ở tuổi vị thành niên
Nhiều cha mẹ tìm đến buổi chia sẻ để mong học được cách thấu hiểu con trẻ ở tuổi vị thành niên

Cùng tâm trạng với chị Liên, chị Ngọc Ly (ngụ quận 8, TPHCM) cũng đau đầu khi càng ngày càng khó giao tiếp với con. Nhà có phòng riêng, trong phòng lại có phòng vệ sinh khép kín nên hễ đi học về là 2 con của chị lập tức chui vào phòng cố thủ. Các con chỉ ra khỏi phòng khi ăn cơm, mà có khi cũng chỉ chạy ra bới tô cơm đem vô phòng ăn với lý do phải họp nhóm online, làm bài tập online trên máy tính… “Nhiều khi ở chung nhà mà muốn nói gì với con tôi phải nhắn tin Messenger hay Zalo” - chị Ly than thở.

Anh Minh Chính (ngụ quận 3, TPHCM) có cậu con trai lớn học lớp Sáu. Con anh bắt đầu có xu hướng thích không gian riêng tư, mỗi lần vào phòng là khóa trái cửa. “Có lần, trước khi đi học, tôi thấy con… ngửi nách xem có mùi không, rồi ngắm nghía mình trong gương khá lâu mới lấy tập sách đi học. Tôi biết con đang trong giai đoạn tò mò về thân thể, nhưng không biết nên bắt đầu dạy con từ đâu để không khiếm nhã, thiếu tế nhị” - anh Chính bày tỏ.

Không chỉ có sự thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, nhiều trẻ vị thành niên còn có hành vi tự hủy hoại bản thân. Tại buổi trò chuyện, chuyên gia Nguyễn Thị Kim Khánh - nhà sáng lập Wekan - cho biết, theo thống kê khoa học thực chứng, tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ có tỉ lệ tự hại, tự tử cao nhất trong đời người. Đây cũng là giai đoạn có thể để lại những chấn thương, những vết hằn trong tâm lý, ảnh hưởng đến hành vi và quá trình phát triển sau này.

Một khảo sát mới đây của Trường đại học Sư phạm TPHCM cho thấy, trong số 3.400 trẻ vị thành niên, có khoảng 37% trẻ ở các đô thị phía Nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Trong đó, có đến 53% trẻ vị thành niên thực hiện hành vi tự hại từ 8-11 lần/năm và 6% tự hại trên 12 lần/năm. Đây chính là những con số báo động mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm trong việc đồng hành, dạy dỗ con trẻ tuổi vị thành niên.

Bình tĩnh khi con nổi loạn

Cũng theo chuyên gia Kim Khánh, vị thành niên, trong đó, từ 12-17 tuổi là giai đoạn vỏ não trước trán về suy nghĩ lý trí, lập kế hoạch và kiểm soát xung động bắt đầu hình thành và phát triển. Vì đang trong giai đoạn chưa hoàn chỉnh nên trẻ gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát cảm xúc và dễ đưa ra những quyết định liều lĩnh.

Trẻ cũng hay trả treo, hay hỏi những câu ngớ ngẩn. Khả năng lập luận, trình bày của trẻ cũng không tốt nên không diễn đạt được ý mình muốn, từ đó khiến cha mẹ khó chịu rồi dẫn đến xung đột. Chính những xung đột này dẫn đến con ngỗ nghịch, cha mẹ stress, cảm thấy áp lực, bế tắc.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vị thành niên cũng là giai đoạn biến đổi sinh lý và sản sinh hoóc môn rất mạnh, khiến trẻ thay đổi ngoại hình, trở nên nhạy cảm, thậm chí có trẻ bị sốc vì không chấp nhận được sự thay đổi quá nhanh của bản thân, từ đó không cảm thấy yêu thương bản thân.

“Có một nghịch lý rằng, ở giai đoạn vị thành niên, sự phát triển của não trẻ không bắt kịp sự phát triển thể chất. Chính vì vậy, các con lóng nga lóng ngóng, lơ đễnh, không chú tâm. Thật ra, những điều này không phải bản thân chúng muốn, không phải do bạn bè, xã hội tác động, mà do tạo hóa buộc chúng phải như vậy, nên cha mẹ cần có sự cảm thông, chia sẻ với con” - chuyên gia Kim Khánh nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh nào đó, thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương, vì vậy cha mẹ phải chủ động trang bị kiến thức, phải quan sát sự phát triển của con, kịp thời nhận ra những thay đổi để cung cấp thông tin một cách vừa phải, tế nhị và những lời khuyên phù hợp. “Tôi hay nói vui với các bậc cha mẹ là khi con “điên”, cha mẹ phải bình tĩnh chứ đừng để con dẫn dắt cảm xúc. Vì nếu mình điên theo con thì rất dễ rơi vào thế thù địch và không thể nói chuyện với nhau. Có con ở tuổi vị thành niên, cha mẹ phải luôn giữ bình tĩnh” - bà Khánh nói.

Cũng theo bà Khánh, cha mẹ cần chấp nhận sự thay đổi của con và bản thân cũng phải thay đổi cách giao tiếp, quan tâm và tham gia vào tiến trình thay đổi của con. Cha mẹ hãy xem quá trình dạy con tuổi vị thành niên như chúng ta đang cùng hòa vào một vũ điệu: có người bước tới thì phải có người bước lui, có nhịp điệu rõ ràng, có sự hợp tác, có sự giao tiếp nhẹ nhàng vừa phải… để đạt tới sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cần thiết.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI