Để tuổi già không còn đơn độc

28/05/2015 - 17:28

PNO - PN - Tuổi già khó tránh khỏi sự cô đơn nhưng thói quen âm thầm chịu đựng của họ đã khiến người xung quanh tưởng như đó là điều hết sức bình thường. Ở bất kỳ đâu, một thành phố phát triển hay một khu đô thị mới nổi thì vẫn có những người già ngày qua ngày bầu bạn với chính mình và khao khát được yêu thương.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam, hiện Việt Nam có hơn 6,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% dân số cả nước nhưng khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn rất yếu kém. Còn theo khảo sát, ở Nhật hiện có từ 4,5-5 triệu người già neo đơn, chiếm 1/4 tổng số người già (từ 65 tuổi trở lên) của nước này.

Có đến 420.000 người đang xếp hàng để chờ có giường nằm dưỡng bệnh tại các trung tâm y tế. Mỗi năm, có hàng ngàn người đón cái chết cô đơn tại nhà. Ở Nhật Bản, công việc được cho là buồn và lặng lẽ nhất là lo hậu sự cho những người già chết trong đơn độc vì không có con cái, người thân bên cạnh. Thông thường, thi thể của các khách hàng quá cố chỉ được hàng xóm phát hiện và báo cho nhóm lo hậu sự khi có mùi hôi thối bốc ra từ nhà của người đã mất.

De tuoi gia khong con don doc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn phòng Y tế công cộng và phúc lợi xã hội Tokyo đưa ra khuyến cáo, nếu không có sự thay đổi trong chính sách để hỗ trợ người già cũng như không có sự hợp tác từ người thân của họ thì đến năm 2030, tổng số người già chết trong hoàn cảnh lẻ loi ở quốc gia châu Á này sẽ đạt con số 470.000 người.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng đang đau đầu với thực trạng người già neo đơn. Có đến 15 triệu người già (3/4 là nữ giới) đang sống không có người thân bên cạnh. Cứ bảy người già thì có một người sống với những người toàn trên 60 tuổi. Ở các khu vực nông thôn thì có đến 12 triệu hộ gia đình chỉ toàn người cao tuổi. Số liệu này cho thấy những người già sẽ khó được chăm sóc chu đáo.

Các tổ chức từ thiện của Anh cho biết, 1/4 số người già trên 75 tuổi ở nước này mỗi ngày không có cơ hội trò chuyện, giao tiếp với bất kỳ ai, dù chỉ là qua điện thoại hay gặp trực diện. 1/10 số người trên 65 tuổi (khoảng một triệu người) thường xuyên phải sống trong cảnh đơn chiếc.

Nhà xã hội học người Mỹ Eric Klinenberg trong quyển Going Solo viết về thói quen trong cuộc sống hiện đại đã chỉ ra rằng, sống một mình tuổi về già rất có hại cho sức khỏe. Qua nhiều nghiên cứu, ông đưa ra kết luận với dẫn chứng cho thấy, điều gây lo lắng nhất ở người già ngoài sự cô đơn còn là sự hạn chế tiếp xúc với những chủ thể khác.

Điều này dẫn đến thiếu hụt sự hỗ trợ khi cấp bách hoặc trong những tình huống rủi ro mà một người gặp phải. Họ thiếu người quan tâm, thiếu người nhắc nhở mình nên đi đến bác sĩ, nên điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, những người cao tuổi sống một mình thường có khuynh hướng mặc kệ.

 ANH THÔNG

(Theo Japan Times, Reuters, Times of India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI