Để tuổi già không chật vật với lương hưu

07/06/2023 - 05:58

PNO - Sau hàng chục năm làm việc, đến khi về hưu, nhiều người chỉ nhận được mức lương hưu khoảng 100.000 đồng/ngày. Lương hưu thấp khiến người già khó bề xoay xở chuyện cơm nước, thuốc men, sinh hoạt và không thể có chất lượng sống tốt.

Nghỉ hưu, vẫn phải đi làm

18g, ông Nguyễn Văn Ca (68 tuổi) lại lặng lẽ ngồi vào chiếc bàn trực ngay sảnh một chung cư ở quận Bình Tân, TPHCM. Ca trực của ông kéo dài cho đến 6g sáng hôm sau. Mỗi tháng, ông được công ty bảo vệ trả lương gần 7 triệu đồng, giúp ông lo tiền thuốc thang cho vợ và chi tiêu hằng ngày.

Hiện nay, mức lương hưu thấp khiến nhiều người già phải chật vật xoay xở mới đủ sống (trong ảnh: Ông Đặng Minh Hoàng nhận lương hưu tại Bưu điện huyện Bình Chánh) ẢNH: PHAN TUYỀN
Hiện nay, mức lương hưu thấp khiến nhiều người già phải chật vật xoay xở mới đủ sống (trong ảnh: Ông Đặng Minh Hoàng nhận lương hưu tại Bưu điện huyện Bình Chánh) - Ảnh: Phan Tuyền

Ông Ca cho biết, trước đây, ông làm nhân viên lái xe trong một công ty quốc doanh, được khoảng 14 năm thì nghỉ việc. Ông tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho đủ số năm để nhận lương hưu. Nhận tháng lương hưu đầu tiên, ông Ca có phần hụt hẫng khi chỉ được hơn 1,6 triệu đồng. 

Ông nói: “Ở TPHCM, chừng này tiền thì chỉ xài mấy ngày là hết. Tôi còn phải nuôi người vợ bị bệnh tai biến nữa nên phải đi làm thêm để có tiền trang trải. Mình đóng BHXH để về già, được bảo hiểm chi trả tiền chữa bệnh khi đau ốm chứ lương hưu chẳng được mấy đồng”.

Về hưu từ năm 2020 nhưng 3 năm qua, bà Phùng Thị Hoàng Yến (quận Bình Tân) vẫn ngày ngày vượt 7km đến trường để làm giáo viên thỉnh giảng. Theo bà, việc đi dạy khi đã về hưu giúp bà đỡ nhớ nghề, đồng thời có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Bà Hoàng Yến công tác trong ngành giáo dục suốt 33 năm. Khi về hưu, bà nhận lương hưu 7,9 triệu đồng/tháng. Theo bà, mức lương này khá cao so với mặt bằng lương chung của giáo viên do có thêm phụ cấp chức vụ, nhưng cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân, không thể nuôi thêm cha mẹ già hay con cái nếu có và không tích lũy được để phòng khi có biến cố, bệnh tật.

“Tôi vẫn đi dạy bởi mình còn khỏe mạnh, còn yêu nghề và cũng muốn kiếm thêm một khoản để tích lũy cho tuổi già. Một số đồng nghiệp của tôi chỉ nhận được lương hưu 3 triệu đồng/tháng, rất chật vật” - bà Hoàng Yến nói.

Về hưu năm 2009, bà Nguyễn Thị Thái - 70 tuổi, cựu giáo viên Trường tiểu học Đông Hưng Thuận 1, quận 12, TPHCM - chỉ nhận được lương hưu hơn 3,1 triệu đồng/tháng. 14 năm qua, bà phải dạy kèm học sinh để có thêm thu nhập. Bà cho biết, lương hưu thấp là do từ năm 1988-1990, bà xin nghỉ dạy để chăm cha bị bệnh; khi trở lại trường, bà không được tính khoảng thời gian tham gia BHXH trước đó. Khi đủ 55 tuổi, bà vẫn còn thiếu 8 tháng đóng BHXH để nhận chế độ lương hưu nên phải đóng thêm 8 tháng BHXH tự nguyện. Tháng đầu tiên, bà chỉ nhận được lương hưu hơn 1 triệu đồng.

Ông Đặng Minh Hoàng - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Bình Tân - cho biết, ông đang nhận lương hưu là 7 triệu đồng/tháng, là mức cao so với mặt bằng chung, nhưng cũng rất chật vật trong chi tiêu. Ông kể, một người bạn hưu trí của ông ngoài 60 tuổi vẫn phải đi giữ xe cho quán ăn gần nhà để có thêm 5 triệu đồng/tháng. Một người bạn khác 68 tuổi nhưng trước đây nghỉ hưu sớm nên chỉ nhận được lương hưu 2,7 triệu đồng/tháng. “Vừa rồi, ảnh bị bệnh, được bảo hiểm chi trả 95% viện phí nhưng anh cũng rất chật vật khi đóng 5% còn lại” - ông kể.

Không đủ tiền chữa bệnh 

Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (quận 4, TPHCM) kể, mẹ chị là bà Đinh Thu, từng là cán bộ nhà nước ở tỉnh Bến Tre. Bà được hưởng lương hưu từ tháng 10/1988, mức tiền lương làm căn cứ tính lương hưu là 333 đồng, thời gian được tính để hưởng BHXH là 25 năm 9 tháng. Đến nay, qua nhiều đợt tăng lương hưu, bà cũng chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. “Từ khi về hưu đến khi gần 70 tuổi, mẹ tôi vẫn phải làm đủ thứ nghề để nuôi các con ăn học và chăm chồng bệnh” - chị Diệu Hiền kể.

Bà Đinh Thu đang nhận mức lương hưu chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, không đủ để lo viện phí, thuốc men điều trị bệnh - Ảnh: Hoài Nhân
Bà Đinh Thu đang nhận mức lương hưu chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, không đủ để lo viện phí, thuốc men điều trị bệnh - Ảnh: Hoài Nhân

Tháng 3/2023, bà Đinh Thu bị tai biến, phải từ tỉnh Bến Tre đến TPHCM chữa trị. Do đăng ký bảo hiểm y tế ở tỉnh Bến Tre nên bà không được bảo hiểm thanh toán chi phí thuốc men, tập vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu… ngoại trú. Do lương hưu quá thấp, không có tích lũy nên bà không thể lo đủ chi phí điều trị bệnh.

Nhiều năm qua, bà Trần Ngọc Nương - 71 tuổi, ở quận 12 - cũng chống chọi với nhiều căn bệnh mạn tính dựa vào khoản lương hưu chưa tới 3,2 triệu đồng/tháng. Bà từng là kế toán của một công ty thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1995, do sức khỏe kém, bà xin nghỉ hưu sớm sau 20 năm công tác. Ban đầu, bà nhận được lương hưu 280.000 đồng/tháng. Dù có bảo hiểm y tế nhưng bà phải tự mua nhiều loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, trả tiền xe ôm, taxi đi khám bệnh nên lương hưu không thể kham nổi. 

Từng là hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12, ông Đ.V.C. nhận được lương hưu hơn 7 triệu đồng/tháng. Cách đây 2 năm, ông đi khám bệnh, mới biết mình bị ung thư gan. “7 triệu đồng lương hưu mỗi tháng chưa đủ trả cho 1 toa thuốc hóa trị, nói gì đến chuyện chi tiêu, sinh hoạt” - ông C. ngậm ngùi.

Nâng mức đóng bảo hiểm xã hội để nâng lương hưu

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, vấn đề lương hưu và cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, đến nay, đã qua 4 lần cải cách tiền lương nhưng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thu nhập của người lao động Việt Nam vẫn quá thấp. 

Người dân đến nhận lương hưu tại Bưu điện huyện Bình Chánh. Hiện nay, vẫn còn nhiều người nhận mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng - Ảnh: Phan Tuyền
Người dân đến nhận lương hưu tại Bưu điện huyện Bình Chánh. Hiện nay, vẫn còn nhiều người nhận mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng - Ảnh: Phan Tuyền

Bà thông tin, thu nhập của sinh viên mới ra trường ở Việt Nam là 3.480.000 đồng/tháng, mức lương trung bình của công chức trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì công chức của Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng/tháng, của Malaysia là 29 triệu đồng/tháng và của Campuchia là 17 triệu đồng/tháng.

Theo bà, Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách tiền lương rất cụ thể nhưng Việt Nam đã 3 lần lỡ hẹn. Trong 3 năm liên tiếp, Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích: “Cử tri quan tâm rằng, tới đây, nếu cải cách tiền lương thì mức tăng là bao nhiêu. Có đại biểu đề xuất tăng 21 - 22% nhưng nếu vậy, mức lương 10 triệu đồng/tháng cũng chỉ tăng thêm 2,1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng: tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế”. 

“Cách tính lương phải đảm bảo nguyên tắc 1 người đi làm có thể nuôi được 1 người nữa, là con cái hoặc cha mẹ họ”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân

Theo bà, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 27, trong đó có nêu: hằng năm, dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách của ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nói, qua tiếp xúc cử tri là công nhân ở TPHCM, nhiều người cho biết, họ làm việc 30 năm, đóng đủ BHXH nhưng khi về hưu, chỉ nhận lương hưu từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, không thể đủ sống. Theo ông, phải xem lại cách xác định mức lương tối thiểu để khi về hưu, công nhân phải sống được. Khi xây dựng kế hoạch cải cách tiền lương, phải xác định mức tiền lương tối thiểu đảm bảo được mức sống tối thiểu. Nếu không, đời sống công chức, người lao động sẽ gặp khó khăn lúc đang làm việc lẫn khi về hưu. 

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - nhận định, lương hưu của người lao động thấp do 2 nguyên nhân chính: thu nhập thấp, người lao động “bắt tay” cùng doanh nghiệp giảm số tiền phải đóng BHXH. Theo quy định về mức lương tối thiểu vùng, người mới đi làm, sau khi nhân theo hệ số, mức lương được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, không thể đủ sống. Nhiều người phải làm thêm ngoài giờ và mức thu nhập tăng thêm này không được tính vào lương tháng đóng BHXH.

Theo bà, cần có các biện pháp, chính sách để nâng mức tiền lương tháng đóng BHXH, đảm bảo nguyên tắc “đóng nhiều, hưởng nhiều”. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức để người lao động nhận thấy được quyền và lợi ích của mình. Bên cạnh sửa đổi Luật BHXH, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như cải cách tiền lương, quy định lương tối thiểu vùng, chính sách BHXH… 

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nói: “Thời gian qua, có hiện tượng đua nhau rút BHXH 1 lần, trong đó có nguyên nhân người lao động chưa an tâm với chính sách hiện nay. Các quy định về BHXH thường xuyên thay đổi, có khi khiến người lao động bị bất lợi hơn nên họ thà rút 1 lần hơn là thấp thỏm không biết tới khi mình nghỉ hưu, mức hưởng thụ sẽ như thế nào. Đó cũng là vấn đề mà Quốc hội cần nhìn nhận thẳng thắn để tạo được niềm tin cho người dân”. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI