Để trọn chữ thương

03/02/2025 - 13:23

PNO - Cố gắng tạo không gian tiện nghi cho mấy đứa cháu vốn đã quen với nếp nhà phố thị khiến bà Hai nhiều khi lóng ngóng ngay trong căn nhà của mình.

Trời tờ mờ, bà Hai đã tất bật đi chợ. Cái chợ nhỏ tự phát, người bán kẻ mua đều quen biết nhau.

- Nay mua gì bác Hai?

- Tao lấy hết 8 con cá lóc đồng với mớ tôm sông!

- Ăn tết lớn vậy bác!

- Mua cho mấy đứa nhỏ. Về quê mới có cá đồng tôm sông nhiều. Ở trển năm thì mười họa mầy ơi!

Bà mua nhiều, rồi gửi lại, đem một mớ về trước rồi quay lại lấy. Chợ cách nhà tầm 500m nên bà chỉ đi bộ vì cũng chẳng biết đi xe.

Bà Hai có 4 người con. Khi cả 4 tụ lại, gian nhà yên vắng của bà nhộn nhịp hẳn lên. Xuân về tết đến, bà có những ngày sống khác với nhịp bình thường.

Nhịp bình thường là khi gà gáy sáng, bà lục đục mở cửa đi bộ ra chợ mua vài con bống, mấy con tép bạc. Nhịp bình thường là bà chèo ghe đi thăm ruộng, gặp thím Tư, chú Bảy khoe cái mái nhà mới sửa hoặc mớ trứng gà vừa nở con. Nhịp bình thường là bà trồng cây, trồng hoa để việc bắt sâu, tưới rau trở thành công việc.

Nếp nhà đơn sơ
Nếp nhà đơn sơ thường ngày trở nên bất tiện mỗi dịp con cháu về tề tựu - Ảnh minh họa

Các con của bà đều được học hành, có sự nghiệp, có gia đình riêng và là niềm tự hào của bà. Chúng xác định sớm muộn gì bà cũng sẽ về ở với một trong bốn đứa nên căn nhà quê cứ để vậy theo năm tháng. Mỗi năm, thấy bất tiện chỗ nào thì cải tạo chỗ đó mà thôi.

Căn nhà nhỏ được xây từ khi ông Hai mất, làm nơi trú nắng trú mưa cho riêng bà và thỉnh thoảng các con về chơi. Khoảng không gian bình thường dành cho một người thì mỗi dịp tết có trên mười người sinh hoạt. Cả 4 đứa con đều thương bà theo cách của chúng, phải tề tụ đông đủ để bà có tết sum vầy. Chúng dùng không khí đông vui mấy ngày tết bù đắp cho cả năm trời bà sống lặng lẽ.

Cuộc sum vầy tạo ra những ngày khác thường trong cuộc sống của bà Hai. Nhà quê nếp cũ đơn sơ, các vật dụng trong nhà cũ kỹ bám bụi thời gian. Vậy mà con cháu về, bà mua thêm nào quạt, nào nệm, nào gối. Năm trước mua thêm tủ lạnh, năm nay thì lắp thêm máy lạnh, mong tạo ra một không gian tiện nghi cho mấy đứa cháu vốn đã quen với nếp nhà phố thị. Cố gắng tạo không gian tiện nghi cho mấy đứa cháu vốn quen nếp nhà phố thị khiến bà lóng ngóng ngay trong chính căn nhà của mình.

Chuyện ăn không còn đơn giản. Tụi nhỏ có nhu cầu riêng nằm ngoài khả năng nấu nướng của bà. Có những điệp khúc trở đi trở lại thành quen thuộc trong những ngày tết: “Hôm nay ăn gì tụi bây?”

Câu hỏi của bà khởi động ý tưởng nấu nướng cho 4 bà mẹ trẻ. Câu trả lời của họ tất nhiên khác nhau. Rồi bà nói bâng quơ: “Cá tôm sẵn trong tủ lạnh, bây ăn gì thì tự làm nghe!”.

Vậy là cái bếp được dịp đỏ lửa. Chị Hai vào xong thì đến chị Ba, chị Ba xong thì em Tư, em Tư rồi thì dâu Út. Cứ vậy, mọi thứ chung nhưng không cùng.

Bất tiện nhiều thứ, nhưng những đứa con, dâu bà Hai vẫn cố gắng tề tựu sum vầy trong ngày tết để bù đắp cho bà cả 1 năm dài sống lặng lẽ - Ảnh minh họa
Những đứa con bà cố gắng tề tựu sum vầy trong ngày tết để bù đắp cho bà cả 1 năm dài sống lặng lẽ - Ảnh minh họa

Các con dâu của bà Hai không sẵn sàng lắm cho mỗi chuyến về. Ngoài những khó khăn trong sinh hoạt như ăn uống, giặt giũ, ngủ nghỉ ra, chúng còn phải gặp những người vốn xa lạ nhưng nắm giữ cả quãng đời tuổi thơ của chồng.

Họ hỏi đủ mọi chuyện, từ lương cao không, thưởng tết nhiều không, sao không đẻ thêm đứa nữa cho xong nhiệm vụ... Tụi dâu thường ngày thích quảng giao, nhưng mỗi lần về quê chồng thì ít nói. Chúng hiểu chốn quê, hiểu những vướng víu với nguồn cội của người thương nhưng không thuộc về nơi này. Chúng mong được trở lại nhịp bình thường.

Vậy là dịp tết, những người phụ nữ trong căn nhà nhỏ đều nỗ lực với những bất thường để trọn chữ thương trong đời. Cũng không biết đến bao giờ thì quen? Chỉ biết là sau nhiều năm, mỗi lần về quê, nếu không nhìn thấy được hình ảnh bà Hai tới lui đi chợ thì những đứa con liền nhắc: “Đi chợ mẹ ơi!”

Hoàng Song

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI