Để trẻ tự kỷ sẵn sàng vào lớp Một

05/09/2024 - 06:12

PNO - "Có nên xin cho con ngồi đầu bàn hoặc đối diện cô giáo không? Cô giáo có ác cảm và cho rằng con mình là gánh nặng của lớp không? Các bạn có chủ động chơi với con không? Con vẫn chưa đủ kỹ năng để vào lớp Một thì học chương trình nào?..." là những băn khoăn của phụ huynh có con tự kỷ vào lớp Một.

“Con đã sẵn sàng vào lớp Một chưa?” là chủ đề buổi sinh hoạt nhóm Tương trợ phụ huynh trực tuyến vừa diễn ra vào cuối tháng 8/2024, do tổ chức phi lợi nhuận Sống cùng tự kỷ (TPHCM, SCTK, fanpage Sống cùng tự kỷ, số điện thoại: 0942177721) tổ chức.

Gian hàng bán sản phẩm của trẻ tự kỷ tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM vào tháng 8/2024
Gian hàng bán sản phẩm của trẻ tự kỷ tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM vào tháng 8/2024

Hoạt động sinh hoạt nhóm Tương trợ phụ huynh (Support Group) được SCTK khởi động từ tháng 7/2023 nhằm tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ tâm tình, học hỏi, nâng đỡ tinh thần cho các phụ huynh có con khó khăn về phát triển. Hoạt động được tổ chức trên nền tảng Zoom, hoàn toàn miễn phí tham dự, để các phụ huynh ở vùng sâu vùng xa cũng có thể tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ trong hành trình nuôi dạy con có nhu cầu đặc biệt.

Buổi sinh hoạt vừa qua là buổi sinh hoạt đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Thực hiện hoạt động nhóm nhằm phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ bằng tập huấn M-CHAT-R/F cho giáo viên mầm non, nâng đỡ tinh thần phụ huynh và nâng cao năng lực nhà chuyên môn: Ổn định và bền vững” do Chính phủ Úc tài trợ thông qua quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý.

Buổi sinh hoạt tập trung lắng nghe những chia sẻ băn khoăn giữa các phụ huynh có nguyện vọng cho con có nhu cầu đặc biệt vào lớp Một, tạo cơ hội cho phụ huynh bộc bạch những khó khăn mà cha mẹ cùng con đã và đang trải qua cũng như truyền đạt kinh nghiệm, thông tin và khích lệ lẫn nhau trên hành trình giúp con phát triển.

Trong buổi sinh hoạt, nhiều câu hỏi được đặt ra: Con có viết bài kịp không? Có nên xin cho con ngồi đầu bàn hoặc đối diện cô giáo không? Cô giáo có ác cảm và cho rằng con mình là gánh nặng của lớp không? Các bạn có chủ động chơi với con không? Nếu đến 9 tuổi mà con vẫn chưa đủ kỹ năng để vào lớp Một thì học chương trình nào?…

Phụ huynh N.K. (quận 6, TPHCM) lo ngại con vào lớp không chịu ngồi yên vì con mắc chứng tự kỷ và kèm một ít tăng động. Chị sợ con lăng xăng, gây rối trong lớp, chạy ra ngoài sân hoặc lấy thức ăn của bạn. Nếu bị bạn phản ứng, đánh lại, con có biết báo với cô giáo không?

Nửa tháng trước ngày khai giảng, chị H.L. (quận Thủ Đức, TPHCM) đã xin phép vào trường tiểu học con trai sắp vô học để khảo sát sân trường và... hệ thống nhà vệ sinh. Chị chia sẻ: “Con rất ngại đi vệ sinh dạng bồn cầu ngồi xổm. Đi vệ sinh “nhẹ” thì ổn nhưng đi vệ sinh “nặng” thì chưa quen. Vợ chồng tôi đang hướng dẫn con khâu này, hy vọng con tự xoay xở được ở trường. Tôi định để vào cặp con 1 bộ quần áo phòng khi con làm vấy bẩn hoặc ướt đồ”.

Dù con mới 5 tuổi nhưng anh M.V. (Bình Dương) vẫn tham gia chương trình để học hỏi kinh nghiệm và kiến thức. Từ bây giờ anh tìm hiểu chọn học chương trình tăng cường cho con để con đủ năng lực vào lớp Một năm sau.

 Anh T.T.H. luôn đồng hành với con trong việc học tập
Anh T.T.H. luôn đồng hành với con trong việc học tập

Anh T.T.H. - một thành viên nòng cốt của SCTK - chia sẻ: “Phụ huynh nên nói rõ cho thầy cô hiểu về khả năng và những điều còn khó khăn của con để thầy cô hỗ trợ. Trẻ tự kỷ thường giao tiếp bằng mắt kém. Nếu không hiểu, thầy cô có thể cho rằng con lo ra, không chú tâm nghe giảng hay chống đối. Không phải thầy cô nào cũng được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Với trẻ tự kỷ, giải thích bằng lời đôi khi khó nắm bắt, cần thêm màu sắc, hình ảnh, trực quan sinh động”.

Về chọn trường công hay tư, quan điểm của anh T.T.H. là nếu có điều kiện, nên ưu tiên chọn trường nào mỗi lớp không quá đông học sinh để thầy cô có thời gian quan sát con. Giờ tan trường, phụ huynh có thể tiếp cận để trao đổi với giáo viên về hoạt động của con ở lớp. Con học đúng tuổi là tốt nhưng phụ huynh không nên quá nôn nóng, có khi điều này khiến bé gặp nhiều khó khăn, căng thẳng. Điều quan trọng là tạo sự hứng thú, vui vẻ cho con mỗi khi đến trường.

Học theo tuổi phát triển - không theo tuổi đời của con

Trả lời thắc mắc của các phụ huynh, các nhà chuyên môn của SCTK nhấn mạnh: điều quan trọng nhất để giúp được con là hỗ trợ con đúng hướng. Để được hỗ trợ đúng hướng, con cần được thăm khám liên ngành với bác sĩ nhi phát triển hành vi và các nhà chuyên môn khác.

Từ kết quả thăm khám liên ngành, gia đình sẽ hiểu được con đang gặp khó khăn gì và gia đình cần làm gì để hỗ trợ con trong từng giai đoạn. Mỗi trẻ có những khó khăn riêng và cần can thiệp bằng nhiều phương pháp có chứng cớ khoa học khác nhau, cũng như cần sự hỗ trợ liên tục của gia đình.

Tiến trình can thiệp chỉ hiệu quả khi con được học các kỹ năng phù hợp với tuổi phát triển của con chứ không phải theo tuổi đời của con hay mức thường quy của các bạn. Các trẻ có tuổi phát triển thấp hơn so với tuổi đời cần được tiếp tục hỗ trợ giáo dục đặc biệt và âm ngữ trị liệu để đáp ứng các kỹ năng trước khi vào lớp Một.

Dù những kỹ năng của con còn thiếu hụt và con chưa sẵn sàng vào lớp Một, thì con vẫn sẽ có nhiều cơ hội khác để học tập và hòa nhập với cộng đồng.

Một số kỹ năng cơ bản trẻ cần có khi vào lớp Một

Dù vào học lớp Một trường công hay trường tư, trẻ cần đáp ứng những tiêu chí cơ bản. Khi vào lớp Một, trẻ phải thích ứng với sự thay đổi rất lớn. Trong một lớp học đông bạn hơn, chỉ có 1 giáo viên, trẻ cần có sự tự lập nhất định. Trẻ phải nhớ chỗ ngồi cố định của mình, biết chờ đợi, biết xếp hàng đầu giờ, chào cờ đầu tuần, quản lý đồ dùng học tập... Trong giờ học, trẻ cần tập trung lắng nghe và giữ trật tự. Về hành vi, trẻ cần biết kiểm soát cảm xúc, nghe và làm theo hướng dẫn, tuân thủ nội quy.

Ngoài những kiến thức theo lứa tuổi, trẻ cũng cần học kỹ năng giải quyết vấn đề trong một số tình huống, ví dụ tới giờ về mà ba mẹ chưa đón thì con phải làm gì. Biết và ghi nhớ thông tin bản thân như họ tên mình, địa chỉ nhà, số điện thoại ba mẹ… để người khác giúp đỡ khi gặp tình huống khó khăn.

Về diễn đạt, trẻ biết bày tỏ nhiều nhu cầu và cảm xúc - cảm giác khác nhau, có thể làm cho người khác hiểu được ý mình, và kể lại chuyện gì đã xảy ra.

Kỹ năng chơi đùa góp phần giúp trẻ có trải nghiệm phong phú ở trường học, hòa nhập tốt hơn và thích đi học. Trẻ cần biết bày tỏ với bạn ý muốn của mình, biết khởi xướng kết bạn và rủ rê, biết chơi nhóm, hiểu luật chơi, hiểu lượt luân phiên.

Về kỹ năng tự lực, trẻ cần tự ăn uống, tự mặc áo quần, tự gài nút, đi vệ sinh, tự tắm, tự chăm sóc... Tự lực giúp con ý thức về cơ thể của mình, giữ giới hạn, và tự tin vào bản thân.

Trước khi con vào lớp Một, con cần được đánh giá tuổi phát triển về các lĩnh vực: ngôn ngữ - giao tiếp, nhận thức, tự lực, vận động... Các nhà chuyên môn nhóm liên ngành sẽ tư vấn định hướng phù hợp với từng trẻ cho gia đình. Những trẻ còn gặp khó khăn ở nhiều kỹ năng thì cần tiếp tục chương trình giáo dục cá nhân, chương trình tiền học đường, với sự hỗ trợ của ba mẹ và giáo viên.

Một số trẻ khác có thể tham gia một phần chương trình lớp Một kết hợp với chương trình giáo dục cá nhân. Những trẻ có tuổi phát triển phù hợp để vào lớp Một nhưng vẫn còn gặp khó khăn về giao tiếp - ngôn ngữ thì cần tiếp tục can thiệp âm ngữ trị liệu.

Tất cả các trẻ có nhu cầu đặc biệt khi vào lớp Một đều nên có giấy chứng nhận y khoa của bác sĩ nhi phát triển hành vi để nhà trường hiểu những khó khăn của con và hỗ trợ con.

Nguồn: Sống cùng tự kỷ

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI