Để trẻ mầm non không "sốc" khi vào lớp Một

26/04/2024 - 17:39

PNO - Ngày 26/4, Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) tổ chức ngày hội "Giới thiệu ngôi trường tiểu học của em" cho 120 học sinh lớp Lá, Trường mầm non Hoàng Anh (quận Tân Phú).

Từ 8 giờ sáng, 120 học sinh dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cô giáo đã có mặt tại Trường tiểu học Hiệp Tân.

Học sinh lớp Lá háo hức khi lần đầu tiên được bước chân vào trường tiểu học
Học sinh lớp Lá háo hức khi lần đầu tiên được bước chân vào trường tiểu học

Bà Ngô Thị Ngọc Hân - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Anh chia sẻ, mỗi năm, trường đều lên kế hoạch để học sinh lớp Lá được tham quan các trường tiểu học xung quanh.

Bởi lẽ, hoạt động chủ đạo của bậc mầm non là vui chơi, còn ở bậc tiểu học là học tập. Sự thay đổi này dẫn đến rất nhiều thay đổi tâm sinh lý, thể chất của trẻ, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng có thể gây "sốc".

Tò mò về sách giáo khoa của năm học mới
Tò mò về sách giáo khoa của năm học mới

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân cho biết, hoạt động nhằm giới thiệu đến học sinh cơ sở vật chất, các hoạt động học tập, vui chơi bên trong trường. Hoạt động cũng giúp các cô giáo mầm non nắm được thông tin về nhà trường và chương trình lớp Một, kịp thời giải đáp các thắc mắc của phụ huynh học sinh.

Riêng đối với phụ huynh, khi chính thức có danh sách học sinh lớp Một, nhà trường sẽ tổ họp riêng để giới thiệu các vấn đề liên quan như: giải pháp hỗ trợ học sinh học tập, chăm sóc tâm lý, sách giáo khoa, đồng phục, ăn uống… cho con em.

Ánh mắt chờ đợi được sắm vai học sinh lớp Một
Ánh mắt chờ đợi được sắm vai "học sinh lớp Một"

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết, việc cho trẻ lớp Lá làm quen và chuẩn bị tâm thế vào lớp Một là chuyên đề của ngành mầm non TPHCM. Học sinh lớp Lá háo hức trước hoạt động làm quen lớp Một là tín hiệu đáng mừng.

Hoạt động này có thể được thực hiện bằng cách cho trẻ đi thực tế đến các trường tiểu học lân cận trên địa bàn, ngồi học cùng anh chị lớp Một và giáo viên tiểu học để biết cách học ở bậc tiểu học khác bậc mầm non như thế nào.

Trong trường hợp trường tiểu học xa trường mầm non, phương tiện di chuyển khó khăn hoặc không có điều kiện đến, trường mầm non sẽ thực hiện phương án giả định tại một phòng học bất kỳ. Trong tiết học này, giáo viên sẽ quay các kệ đồ chơi vào góc, để bàn ghế, bảng, phấn và đóng vai giáo viên tiểu học để dạy học sinh. Qua đó, học sinh được làm quen với toán, chữ viết bằng cách giơ tay phát biểu, chứ không chỉ học bằng cách chơi như khi các em còn ở trường mầm non.

Lộ trình làm quen cho trẻ được thực hiện từ sau tết và do lãnh đạo các trường mầm non tự xây dựng, dựa trên độ tuổi (từ 64-72 tháng) và khả năng tiếp nhận việc học của trẻ.

"Sở chỉ nghiêm cấm việc giáo viên bê nguyên sách giáo khoa lớp Một vào dạy học cho trẻ, chứ không cấm bất cứ điều gì. Điều gì trẻ tiếp nhận được, có giá trị cho trẻ thì giáo viên đều có thể dạy để trẻ sẵn sàng bước chân vào môi trường mới", bà nhấn mạnh.

Riêng đối với phụ huynh, khi có danh sách chính thức học sinh lớp Một, nhà trường sẽ tiếp tục họp riêng để giới thiệu các vấn đề liên quan như: cách hỗ trợ học sinh học tập, chăm sóc tâm lý, sách giáo khoa, đầm phục, ăn uống… Trong ảnh: Học cùng các anh chị lớp Một
Học sinh lớp Lá học cùng các anh chị lớp Một

Trước thời điểm kết thúc năm học, bà Ngọc Hân cũng khuyên phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp Một nên chủ động nâng cao ý thức của mình, không quá chiều chuộng con; tập cho con thói quen thức dậy, đi học và tan học đúng giờ; trang phục chỉnh tề; chế độ dinh dưỡng cũng cần thay đổi phù hợp hơn.

Lương Kim Linh (ở giữa) cười tít mắt, nói: “Hôm nay em rất vui khi được đi đến đây, các anh chị rất dễ thương, còn tặng vương miện cho con. Anh hai con đang học ở đây nên con cũng muốn học ở đây”.
Lương Kim Linh (giữa) cười tít mắt, nói: “Hôm nay con rất vui khi được đi đến đây, các anh chị rất dễ thương, còn tặng vương miện cho con. Anh hai con đang học ở đây nên con cũng muốn học ở đây”.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI