PNO - Phần lớn vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua xảy ra ở các khu nhà trọ, đặt ra vấn đề an toàn cho trẻ em sống trong môi trường này.
Môi trường sống bất an
Đêm 24/3 và rạng sáng 25/3, trên mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại cảnh bé trai 3 tuổi bị chồng hờ của mẹ hành hạ, ép hút ma túy. Ngay sau đó, công an đã tìm ra nơi ở của đôi vợ chồng hờ trong clip, đưa bé A.T. đi giám định sức khỏe. May mắn là bé âm tính với ma túy, sức khỏe ổn định.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết, bà đã vào cuộc ngay từ đầu để giữ an toàn cho bé: “Hiện bé A.T. vẫn chưa được làm giấy khai sinh nên anh Trần Minh Tài - người nhận là cha đứa bé - không đủ cơ sở pháp lý để nhận con về chăm sóc. Hiện bé đang được làng trẻ SOS chăm sóc. Tôi theo dõi tình trạng sức khỏe của bé hằng ngày, nhận thấy bé vui vẻ và không có dấu hiệu bất thường”.
Những đứa trẻ vui chơi an toàn trong một khu nhà trọ ở phường Phú Trung, quận Tân Phú - Ảnh: Thiên Ân |
Trước đó, ở quận Bình Tân, TPHCM, xảy ra vụ bảo mẫu bạo hành khiến bé N.Đ.H.A. - 6 tháng tuổi - bị tổn thương não. Đầu năm 2023, bé N.Đ.H.A. được gửi cho Võ Thị Mỹ Linh - ở chung cư Lê Thành, quận Bình Tân. Qua điều tra, Mỹ Linh khai, khi ngủ dậy, bé H.A. liên tục quấy khóc và tiêu tiểu trong tã. Khi thay tã, bé khóc và giãy giụa khiến cô ta không thay tã được. Cô ta đã dùng lòng bàn tay đánh vào vùng đầu của bé và sau đó tiếp tục đánh khi bé quấy khóc, không chịu uống sữa. Thấy bé H.A. có biểu hiện mệt, tím tái mặt và ngất đi, quá hoảng sợ, cô ta gọi cho mẹ bé, nói dối là bé bị té võng. Đến nay, bé H.A. vẫn đang được Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố chăm sóc trong tình trạng phù não sau phẫu thuật.
Trong khu nhà trọ ở ấp Giữa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, chị Trần Thị Thúy Hoa cùng cô con gái đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Căn phòng trọ nóng hầm hập dù đã bật 2 chiếc quạt máy. Cô con gái 16 tuổi có vẻ rụt rè, ngồi nép sau lưng mẹ. Chị Hoa nói: “Ở khu trọ nào cũng vậy, người thuê trọ thay đổi thường xuyên, mình biết mặt chứ không biết rõ tính nết, hoàn cảnh sống của họ nên phải đề phòng”.
Góc đọc sách cho trẻ em ở nhà trọ bà Nguyễn Thị Huệ, đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân Ảnh: Mẫn Nhi |
Vợ chồng chị Hoa đã thuê trọ nhiều chỗ. Ngoài việc mưu sinh, anh chị còn vất vả lo bảo vệ con. Họ chia nhau chăm sóc con bởi không thể tin tưởng người ngoài. Lúc nhỏ, anh thường chở con gái đến công trình nơi anh làm phụ hồ, mắc võng cho con ngủ. Khi con lớn hơn một chút, anh hoặc chị phải làm công việc thời vụ để sắp xếp thời gian đưa đón con. Hiện tại, anh chị đều làm công nhân dạng thời vụ, có lúc phải dẫn con đến chỗ làm bởi không yên tâm khi để con ở nhà trọ một mình. Chị Hoa cũng thường xuyên nói chuyện với con về giới tính, tuổi dậy thì.
Chị Hy Hân - ở cùng khu nhà trọ với chị Hoa - cho biết, chị vừa đi làm về, tiện đường ghé nhà trẻ đón con trai. Gia đình chị có 4 người, gồm 3 người lớn và 1 trẻ nhỏ. Cha chị lớn tuổi nên khó xin việc làm, ngày ngày đi lưới cá về bán lại cho những người sống cùng khu trọ. Chị và mẹ đi làm công nhân nhưng riêng chị xin không tăng ca để lo cho con nhỏ. Chị nói: “Tôi muốn tự tay chăm sóc con để con được an toàn”.
Theo chị, khi sống ở khu nhà trọ này, chị được tham gia sinh hoạt mỗi năm 1-2 lần để nghe phổ biến về tình hình an ninh trật tự, được chủ khu trọ đưa vào nhóm Zalo và cho đọc các thông tin về an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Những mô hình giúp trẻ an toàn
Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM - cho hay, khi biết thông tin về vụ bé trai 3 tuổi bị ép hút ma túy, hội đã chỉ đạo các chi hội, tổ hội phụ nữ rà soát các khu nhà trọ.
Hội LHPN quận Bình Tân tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tự vệ cho trẻ em ở khu nhà trọ |
Bà Điểm là xã có đông người lao động nhập cư nên tình hình an ninh cũng phức tạp. Cán bộ hội phụ nữ cố gắng nắm bắt các trường hợp có biểu hiện sử dụng ma túy, các đối tượng hoàn lương trong cộng đồng dân cư cũng như các trường hợp khó khăn, neo đơn, cơ nhỡ, đồng thời phối hợp với cảnh sát khu vực, bác sĩ, chuyên gia tâm lý đẩy mạnh tuyên truyền trong các khu dân cư, khu nhà trọ.
Từ năm 2022, Hội LHPN xã Bà Điểm đã thành lập được 2 khu trọ tình thương và 1 chi hội nữ công nhân nhà trọ ở các ấp Nam Lân, Đông Lân 1, Tiền Lân 1 để qua đó tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ở các khu nhà trọ. Bà Thanh Thủy nói: “Trong tháng Tư này, hội dự kiến thành lập thêm 2 điểm nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở ấp Tây Lân, Trung Lân”.
Bà Trịnh Tam Mai - Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Trung, quận Tân Phú, TPHCM - đang phối hợp với công an xác minh trường hợp 6 đứa trẻ đang sống cùng 1 cụ già ngoài 70 tuổi. 2 ngày trước, bà Tam Mai nhận được tin báo có 1 gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ nên đến nhà trọ xác minh thông tin. Bước vào nhà trọ, bà bất ngờ bởi nhà trọ đầy đủ tiện nghi, trẻ nhỏ có điện thoại thông minh để dùng.
Các bé vui chơi ở khu nhà trọ an toàn trên địa bàn phường Phú Trung, quận Tân Phú - ảnh: Diễm Trang |
Bà Tam Mai bước đầu xác định, bà D. vừa chuyển đến thuê trọ ở đây đầu tháng 3/2023. Bà D. có con gái nhưng hiện không ở chung nhà. Bà đang chăm sóc 6 đứa cháu ngoại, đứa lớn 14 tuổi, nhỏ nhất 3 tháng tuổi. Hiện các cháu đều không được đi học nhưng một vài bé vẫn biết đọc do nhiều năm trước, mẹ các bé có mướn gia sư về nhà dạy kèm. Bà D. không giữ giấy khai sinh của các cháu. Tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt hằng tháng do cha mẹ các bé gửi về. Hội LHPN phường đang phối hợp cùng công an để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Bà Tam Mai là thành viên tổ công tác hỗ trợ nhóm trẻ em, người lang thang ăn xin và nhóm đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp của phường. Tổ này được thành lập đầu năm 2023 với các thành viên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, MTTQ và các đoàn thể, cán bộ dân số, chi hội khuyến học, đại diện khu phố.
Trước đó, năm 2019, Hội LHPN phường Phú Trung đã thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình, thành viên nòng cốt là hội phụ nữ, công an, cán bộ các khu phố. Khi tiếp nhận thông tin, các thành viên của tổ sẽ xác minh, có biện pháp hỗ trợ hoặc can thiệp kịp thời.
Nhà trọ an toàn cho phụ nữ, trẻ em Cuối tháng 12/2021, Hội LHPN quận Bình Tân, TPHCM ra mắt “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” ở khu nhà trọ 125 phòng của bà Nguyễn Thị Huệ, trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo. Khu trọ có 169 nữ và 15 trẻ em. Ngay từ khi thành lập mô hình, Hội LHPN đã phối hợp cùng công an và Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao quận mở các lớp hướng dẫn thực hành kỹ năng sử dụng điện, gas an toàn, dập lửa bằng bình chữa cháy cầm tay, tự vệ với các động tác căn bản của môn võ Vovinam… cho phụ nữ, trẻ em. Đến tháng 1/2023, hội mở thêm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với góc sách ảnh tư liệu về chủ đề “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam”, góc đọc sách, góc học tập và tổ hỗ trợ học tập cho các bé. Tổ này gồm 8 thành viên tình nguyện, trong đó có 2 giáo viên. Các cô trực tiếp dạy kèm môn toán, ngữ văn, Anh văn và rèn chữ cho trẻ vào mỗi tối thứ Ba, thứ Năm hằng tuần. Góc học tập đặt ngay trước sân nhà bà Nguyễn Thị Huệ nên rất tiện cho phụ huynh đưa con đến học. Không chỉ những người thuê trọ chỗ bà Huệ mà phụ huynh các khu trọ lân cận cũng dẫn con tới đây học võ tự vệ, ôn bài. Hội LHPN quận Bình Tân còn vận động kinh phí lắp đặt 3 bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời và thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quần áo, dụng cụ học tập, túi đựng sách vở cho các bé. Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân - thông tin, tính đến tháng 3/2023, toàn quận có 8.334 hộ kinh doanh nhà trọ với 89.312 phòng, 138.622 người thuê. Hội LHPN từ quận đến phường đã vận động được 887 thành viên tham gia 31 câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ. Hiện, các chị có tổng cộng 10.789 phòng với 25.826 người thuê, chủ yếu là công nhân và lao động tự do. Bà nói: “Chúng tôi mong mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” sẽ ngày càng được nhiều chủ trọ hưởng ứng, từ đó lan tỏa ra nhiều nơi. Sắp tới, Hội LHPN quận sẽ phối hợp với các chủ nhà trọ mở các phiên tòa giả định, tổ chức hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm, bệnh theo mùa”. Mẫn Nhi |
Câu lạc bộ, tổ, nhóm là kênh tuyên truyền hiệu quả Hiện nay, hệ thống Hội LHPN các cấp ở TPHCM đã thành lập được 168 câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ với 3.997 thành viên, 130 câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ công nhân nhà trọ với 2.536 thành viên, xây dựng 141 chi, tổ hội phụ nữ công nhân, lao động với 3.842 hội viên, thành lập 10 chi, tổ hội phụ nữ tại các doanh nghiệp với 246 hội viên. Đây là kênh để các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, đồng thời trang bị kiến thức và kỹ năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giới thiệu việc làm cho người lao động. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM |
Tuyên truyền đến từng gia đình, từng người Trong 7 tháng qua, ở TPHCM, không xảy ra trường hợp xâm hại tình dục trẻ nhưng lại xảy ra một số trường hợp bạo hành trẻ và người bạo hành là người thân của trẻ. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cần nhất vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền, gặp đâu tuyên truyền đó, tuyên truyền đến từng cụm dân cư, chung cư, khu nhà trọ, từng gia đình, từng người. Các khu nhà trọ cần được lắp đặt camera quan sát. Mặt khác, rất cần người dân mạnh dạn tố cáo khi phát hiện các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM |
Người lớn phải hiểu đúng về quyền trẻ em Nhà trọ là môi trường không đầy đủ về điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Thêm vào đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người lớn phải lo mưu sinh nên không có nhiều thời gian dành cho con trẻ. Trình độ thấp, tư tưởng giáo dục sai lệch là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ. Theo tôi, để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là trẻ em ở các khu nhà trọ, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền để người lớn hiểu được trách nhiệm của mình và hiểu đúng về quyền trẻ em. Tổ dân phố và các đoàn thể chính trị xã hội phải nắm bắt được đời sống của trẻ em ở các khu nhà trọ để có sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, tinh thần. Chính người lớn tạo nên môi trường sống an toàn cho trẻ. Luật sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh - nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao |
Gắn camera cho khu nhà trọ Khu nhà trọ của tôi có 30 phòng, khoảng 100 người thuê trọ, trong đó phân nửa là phụ nữ và trẻ em. Để tạo môi trường nhà trọ an toàn, tôi đặt ra nội quy khu trọ. Tôi xây cổng rào, gắn camera quan sát, cấp cho mỗi phòng ổ và chìa khóa riêng. Mỗi dãy trọ có lối đi riêng và sân chung để sinh hoạt. Chiều tối, trẻ nhỏ đi học về rộn ràng cả khu trọ. Nhiều năm quản lý nhà trọ, tôi cũng có kinh nghiệm nhìn người, lựa chọn người tử tế để cho thuê. Nhờ đảm bảo tốt an ninh, có nhiều gia đình thuê ở từ thời sinh viên đến khi có chồng, con. Tôi kết nối với Hội LHPN phường để họ giới thiệu việc làm, chỗ học nghề cho những phụ nữ mất việc, chưa được đào tạo nghề. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hương - chủ nhà trọ tại phường Phú Trung, quận Tân Phú |
Chủ nhà giúp người thuê trọ yên tâm Tôi đã ở trọ khu này được 10 năm. Điều khiến tôi yên tâm nhất chính là tấm lòng và trách nhiệm của bà chủ nhà. Bà là trung gian hòa giải mâu thuẫn của các cặp vợ chồng và hết mực chăm lo cho trẻ nhỏ. Khi mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” được thí điểm thành lập, người trong khu nhà trọ đoàn kết hơn, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, chăm chút không gian sống xanh và nhắc nhau giữ gìn an ninh trật tự. Giờ tôi đang mang thai nên rất mong hội phụ nữ địa phương có chương trình hướng dẫn kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, phòng tránh tai nạn cho trẻ. Chị Bùi Thị Hồng Nhi - công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, ở trọ trong khu nhà của bà Nguyễn Thị Huệ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) |
Khu nhà trọ chúng tôi không dám để con một mình trong phòng trọ Tôi may mắn ở trong khu nhà trọ yên tĩnh, giáp với vườn cây xanh mát của chủ nhà. Cả khu nhà trọ chỉ gồm 8 phòng, với 9 gia đình công nhân thuê. Tuy nhiên, con cái của chúng tôi không có chỗ chơi bởi vườn cây là của chủ nhà, còn khoảng sân trước phòng trọ chỉ rộng 3m, dài 30m, vừa để đi lại, phơi áo quần. Do không gian sinh hoạt chật hẹp, cha mẹ đều đi làm từ sáng tới tối nên không ai dám để con ở phòng trọ một mình. 7 gia đình có con đều gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại giữ, 2 cặp cưới nhau 4 năm rồi nhưng không dám sinh con, trong đó có vợ chồng tôi. Chúng tôi vẫn còn trẻ (mới 23 tuổi) và chồng tôi nói quá sợ các vụ bảo mẫu đánh trẻ nên thôi, từ từ rồi tính. Tôi nghĩ không gian nơi các khu nhà trọ, xóm trọ không tốt và không an toàn cho trẻ em. Chị Nguyễn Thị Phúc - công nhân Công ty Kim Thành, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi |
Quan tâm giải pháp cảnh báo an toàn cho trẻ Tôi là một người mẹ mất con, nỗi đau đã khiến cuộc sống gia đình tôi thay đổi hoàn toàn. Tháng 7/2019, con trai tôi khi đó mới 10 tuổi đã chết tức tưởi vì bị điện giật khi đang chơi trên ụ đất ở công trình đường Vành Đai 2. Người ta xây dựng mà không làm rào chắn, không có bảng cấm, còn vứt cáp điện trên ụ đất nữa. Chúng tôi có nhắc nhở con nhưng không thể canh cả ngày, mà việc thi công thì kéo dài, bọn trẻ lại hiếu động. Tôi mong đừng ai cẩu thả khi thi công dù công trình lớn hay nhỏ. Hãy lắp rào chắn cao kiên cố, có bảng chữ cảnh báo cỡ lớn để ai cũng đọc được và cẩn thận với đường dây điện. Ở trọ 13 năm, tôi đã làm qua nhiều việc, từ lặt rau muống thuê đến buôn bán, làm công nhân may. Người lao động suốt ngày quần quật như tôi khó mà đọc, hiểu hết những quy định của các luật. Tôi mong các ngành chức năng làm nhiều tờ rơi, bảng chỉ dẫn, phim ngắn về các quy định của luật, cách phòng tránh tai nạn thương tích cũng như kỹ năng cứu người khi bị giật điện, đuối nước. Chị Đặng Thị Thắm - ở trọ tại khu phố 2, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM |
Thiên Ân
Chia sẻ bài viết: |
Ngày 22/12, hơn 9.000 người đã hội tụ về Cần Thơ để tham gia giải Marathon Quốc tế Di sản Cần Thơ 2024.
Xương máu của cha ông đã đổ xuống suốt hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã trở nên lấp lánh tại đây: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Sáng 22/12, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức lăn bánh.
2024 là năm thứ mười Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Hiệp 1 Myanmar được cột dọc cứu thua 2 lần. Hiệp 2 Việt Nam ghi được 5 bàn thắng nhờ công của Xuân Son, Vĩ Hào, Quang Hải, Tiến Linh.
Chiều 21/12, lễ trao giải Cuộc thi “Lan tỏa năng lượng tích cực” lần 5 đã diễn ra tại TPHCM.
Ngày 21/12, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phá thành công chuyên án, bắt khẩn cấp một đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ban An toàn giao thông TPHCM vừa phát hành Cẩm nang hướng dẫn sử dụng metro số 1.
Ngày 21/12, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang.
Chiều 21/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đang điều tra vụ 2 thiếu niên 13 tuổi giết người trên địa bàn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tới thăm hỏi, động viên và chia buồn với 2 người tử vong, 12 người bị thương trong vụ hỏa hoạn ở quận Tân Bình.
Các đối tượng chế tạo khoang bí mật trên xe bán tải để vận chuyển vảy tê tê nhằm qua mặt công an.
Công an TP Hà Nội tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (tức Mr. Pips) cầm đầu.
Dù có theo binh nghiệp hay không, con cháu các gia đình từng tham gia kháng chiến luôn tự hào truyền thống đấu tranh vì tự do, độc lập của ông cha...
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát động cuộc thi tìm kiếm nhà sáng tạo nội dung với chủ đề "Chạm đến tương lai cùng metro".
Công an TP Hà Nội phối hợp với Interpol ra quyết định truy nã quốc tế Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ trong vụ án lừa đảo đầu tư chứng khoán.
Từ năm 2025, công an các đơn vị địa phương sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe lần đầu hoàn toàn trực tuyến...
Chiều 20/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội 5 dự án đầu tư ở TPHCM.