Để tình yêu áo dài lan tỏa

10/03/2023 - 15:00

PNO - Tại TP.Thủ Đức, TPHCM hiện có nhiều tủ “Áo dài 0 đồng” hoạt động quanh năm. Không chỉ là những bộ áo dài đã qua sử dụng, chủ những tủ này luôn sẵn sàng tặng vải, may áo dài mới trao cho chị em.

Một ngày cuối tuần, chị Đỗ Thị Ngọc Bích (57 tuổi) - ở khu phố 6, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM - đưa con gái Nguyễn Hoàng Ngọc Khôi (26 tuổi) đến nhà may áo dài Hải Triều ở 155 Đặng Văn Bi. Tiệm nằm trên lầu 1 của tòa nhà sang trọng với một bên là xưởng may và bên kia là những giá treo áo dài với đủ sắc màu. Trong lúc mẹ con chị Bích bối rối, chưa biết phải làm sao, thì chị Đoàn Thị Nguyệt (46 tuổi) - chủ nhà may - chạy ra nắm tay mẹ con họ. “Nghe các cô dưới chi hội chỉ chỗ này cho áo dài, tôi đến xin 1 bộ để con gái mặc được không cô? Nó thích lắm” - chị Bích rụt rè. Thế là mẹ con chị được khuyến khích tự chọn cho mình 1 bộ ưng ý nhất. Cuối cùng, chị Bích chọn bộ áo dài hoa màu xanh nhạt mà tiệm vừa may xong, còn Ngọc Khôi thì cười tít mắt khi mặc bộ áo dài cách tân màu đỏ nổi bật. Chị Bích xúc động: “Vì mắc hội chứng Down nên đã 26 tuổi mà Khôi vẫn như đứa trẻ. Mỗi lần đi trên đường thấy các cô, các chị mặc áo dài là con bé lại mè nheo, mà tôi thì chưa thể mua cho con. Tôi giúp việc nhà theo giờ và nhận gia công thú nhồi bông, thu nhập không bao nhiêu mà vừa lo cho con, vừa chăm mẹ già 85 tuổi. Cơm rau mỗi ngày đã chật vật. Đây là lần đầu tiên trong đời mẹ con tôi có bộ áo dài”. 

Chị Bích (bìa trái) xúc động khi được chị Đoàn Thị Nguyệt - chủ nhà may Hải Triều - tặng bộ áo dài mới
Chị Bích (bìa trái) xúc động khi được chị Đoàn Thị Nguyệt - chủ nhà may Hải Triều - tặng bộ áo dài mới

Mẹ con chị Đỗ Thị Ngọc Bích là một trong hàng ngàn lượt người đã tìm đến nhà may Hải Triều kể từ khi tiệm mở tủ “Áo dài 0 đồng” vào tháng 3/2022. Từng làm nhân viên Bưu điện TPHCM nhiều năm, nhưng chiếc áo dài đã kéo chị Nguyệt rẽ sang hướng đi mới. Chị kể: “Từ khi còn học cấp III tôi đã mê áo dài và bắt đầu học may. Đến năm 1999, tôi cùng em gái mở nhà may Hải Triều. Trong hơn 20 năm theo nghề, lúc nào tôi cũng đau đáu 2 chữ “thừa” và “thiếu”. Nhiều khách may áo dài thường xuyên nhưng mỗi bộ chỉ mặc 1-2 lần rồi xếp tủ, nhiều chị em khác lại không có bộ nào, thậm chí cưới hỏi cho con cũng phải đi thuê, đi mượn. Chúng tôi đặt nền móng cho tủ “Áo dài 0 đồng” bằng việc may áo dài tặng các dì là thành viên trung đội nữ du kích Củ Chi năm xưa và các em học sinh khiếm thị ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, sau đó nhắn cho từng khách hàng xin ý kiến về việc ủng hộ áo dài để mở tủ. Thật vui khi chị em ủng hộ rất nhiệt tình”.

Tính đến nay, tủ “Áo dài 0 đồng” của nhà may Hải Triều đã trao hơn 6.000 bộ, một số đã qua sử dụng, số khác do tiệm may mới từ nguồn vải của các nhà hảo tâm gửi tặng. Không chỉ tặng áo dài, nhiều chị em ở khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc còn gửi giày, túi xách và các loại phụ kiện kèm theo cho tiệm đưa vào tủ. Hiện, nhà may có 8 thợ đang làm việc và tất cả đều đồng lòng cùng chị chủ. Mỗi khi có áo dài được gửi tới, mọi người sẽ cùng ngồi lại sắp xếp, kiểm tra từng đường kim mũi chỉ, kích cỡ, giặt ủi cẩn thận rồi treo lên. Trường hợp may mới để tặng cũng không ai nhận tiền công dù lương tháng của thợ tính theo sản phẩm. Chị em ghé đây không chỉ được thoải mái chọn cho mình bộ áo dài phù hợp mà nếu có nhu cầu học cắt, may cũng được hướng dẫn tận tình và hoàn toàn miễn phí. Chị Nguyệt kể: “Vừa rồi, có chú Phong ở tận Mộc Hóa, Long An tìm đến xin cho vợ 1 bộ áo dài vì tháng sau cô chú cưới vợ cho con. Nhìn chú bươn bả đường xa, tôi thương quá bèn bàn với các bạn thợ may tặng cô 2 bộ. Với “Áo dài 0 đồng”, tôi hy vọng tình yêu áo dài sẽ lan tỏa và không bao giờ ngừng lại”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI