Để tiền trường không bị kêu ca

27/09/2023 - 06:07

PNO - Để phụ huynh đồng lòng, điều trước tiên là họ phải hài lòng. Để họ hài lòng, cần giải thích rõ ràng mục đích, lợi ích của khoản thu và việc thu, chi phải minh bạch. Khi đã có sự hài lòng thì việc khó cũng thành dễ và sẽ không còn những lời ta thán về tiền trường mỗi đầu năm học.

Năm học này, bé Lê lên lớp Bốn, được mẹ chuyển sang học một trường ở quận 3. Bé ngạc nhiên khi được trường tặng quà dành cho học sinh mới, là những cuốn tập có in hình trường. Khi vào lớp, bé thấy có bục gỗ dài cuối phòng để ngồi trong giờ chơi, có kệ sách và bức tường của lớp được các bạn trang trí rất sinh động. Còn nhà vệ sinh thì sạch mát như ở nhà mình. 

Bé còn “ghiền” cô giáo dịu dàng nên chiều nào cũng ở lại thật trễ với cô. Thấy bé hòa nhập trường mới một cách vui vẻ, mẹ bé rất hài lòng. Chị cho biết, sắp tới, nếu giáo viên có đề nghị đóng góp quỹ lớp, quỹ trường để cuối năm mua tập cho các con, dọn nhà vệ sinh, đóng thêm giá sách trong lớp thì chị rất sẵn lòng.

Cuối tuần qua, dư luận lại xôn xao về các khoản tiền trường, như quỹ trường, quỹ lớp, tiền học 2 buổi, tiền học tiếng Anh với người nước ngoài, tiền học kỹ năng sống, tiền chuyển đổi số… Có sự “xôn xao” này là do phụ huynh chưa thấy “phục”.

Có phụ huynh thất vọng đến mức muốn chuyển trường cho con ngay ngày họp phụ huynh, bởi khi phụ huynh thắc mắc “quỹ trường dùng vào những việc gì” thì giáo viên chủ nhiệm nói: “Phụ huynh cứ đóng thôi. Năm ngoái, có phụ huynh đóng cả 10 triệu đồng”. Cuộc họp phụ huynh vì thế cứ xoay quanh tiền trường, còn chuyện giáo dục thế nào để học sinh học tốt hơn, hạnh phúc khi đến trường lại ít được nhắc tới.

Đây là năm học đầu tiên mà HĐND TPHCM có Nghị quyết số 04/2023 quy định cụ thể 26 khoản mà các trường công lập được phép thu. Sở GD-ĐT TPHCM cũng có công văn yêu cầu tất cả các khoản thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải đúng tên và nằm trong 26 nội dung khoản thu theo nghị quyết trên.

Một số lãnh đạo trường giải thích rằng, tất cả các khoản thu dự kiến đều là khoản “được phép thu”, trong đó có các khoản tự nguyện. Dù vậy, cách thông tin cho phụ huynh cũng như cách sắp xếp giờ học còn chưa phù hợp khiến phụ huynh vẫn chưa “thông”. Ví dụ, thời khóa biểu của học sinh lớp Một có các môn tự nguyện, đóng phí thêm như STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ đan xen cùng các môn bắt buộc trong giờ chính khóa. Mức thu được đưa ra trong buổi họp phụ huynh là: tiền học STEM 90.000 đồng/học sinh/tháng, học kỹ năng sống 92.000 đồng/học sinh/tháng, học ngoại ngữ với người nước ngoài 205.000 đồng/học sinh/tháng… 

Đây là những môn tự nguyện, phụ huynh có thể không cho con tham gia. Nhưng, các em học 2 buổi/ngày, nếu không tham gia, phụ huynh phải canh giờ để rước về mỗi khi đến giờ học môn tự nguyện, hoặc để con mình bơ vơ đâu đó trong trường chờ các bạn học xong tiết “tự nguyện”?

Theo nhiều phụ huynh, nếu nhà trường giải thích rõ lợi ích của các môn học kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ thì phụ huynh không tiếc gì vài trăm ngàn đồng để cho con theo học. Có nhiều phụ huynh của học sinh lớp Mười hai sẵn lòng đóng góp khoản quỹ lớp và quỹ trường 2,1 triệu đồng sau khi nghe giáo viên giải thích rõ: do là năm cuối cấp, nên số tiền này dùng để tặng ghế đá cho trường, tổ chức lễ tri ân cuối năm.

Phụ huynh luôn sẵn lòng cùng nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình học tập, sinh hoạt, vui chơi. Ở TPHCM, ngoài học phí, phụ huynh học sinh các trường đã tự nguyện đóng góp cho hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất trung bình khoảng 450 tỉ đồng/năm. Các khoản chi gồm khen thưởng học sinh, cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm và sửa chữa nhỏ cho trường, lớp…

Để phụ huynh đồng lòng, điều trước tiên là họ phải hài lòng. Để họ hài lòng, cần giải thích rõ ràng mục đích, lợi ích của khoản thu và việc thu, chi phải minh bạch. Khi đã có sự hài lòng thì việc khó cũng thành dễ và sẽ không còn những lời ta thán về tiền trường mỗi đầu năm học.

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI