Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em đã ly hôn. Lý do thì nhiều nhưng nguyên nhân chính là em không thể làm dâu, sống trong nhà chồng em cảm thấy ngột ngạt không chịu nổi, mà gia đình chồng cũng không có tình cảm với em.
Em kết hôn chưa được một năm, chồng em đã có người khác. Cha mẹ chồng em biết chuyện cũng không ngăn cản, thậm chí còn dung túng cho cô gái kia đến tận nhà nhìn mặt em.
Em biết cô ta là con gái gia đình có quan hệ làm ăn chung với nhà chồng, họ đều giàu có, còn em chỉ có nghề giáo, từ hồi lấy chồng thì nghỉ ở nhà nội trợ. Chỉ có điều, hồi đó em đã mang bầu nên không biết tính sao, tự nhủ mình cố nhịn nhục cho đến khi con ra đời.
Con trai em được hai tháng tuổi thì mẹ chồng em đặt vấn đề. Bà nói đại khái bây giờ chồng em không ngó ngàng gì đến em nữa rồi, trước sau gì vợ chồng em cũng ly hôn, em nên quyết định dứt khoát sớm để còn cơ hội làm lại cuộc đời khi còn trẻ.
|
Ảnh minh họa |
Ông bà sẽ cho em một khoản tiền khá lớn để em có thể trang trải trong thời gian đầu khi ra sống riêng. Ông bà đề nghị em để con lại cho gia đình chồng nuôi, vì em không có điều kiện để nuôi con đầy đủ, hơn nữa còn có thể lập gia đình mới.
Em đã khóc rất nhiều, tính đủ mọi cách để giữ con nhưng rồi cuối cùng cũng chấp nhận như bà tính, trừ việc bà chấp nhận cho em hằng tháng đến thăm và chơi với con.
Năm đó em 27 tuổi. Mọi giấy tờ bên phía luật sư lo, em chỉ ký tên. Tám năm đã trôi qua, em dần ổn định được cuộc sống, tự lập về nghề nghiệp, kinh tế. Nhưng bây giờ em không được gặp con nữa.
Khi em đến thăm thì người trong nhà nói chồng em đã đưa con qua nhà khác, họ không biết. Em có cảm giác như mình là người đẻ thuê cho gia đình chồng cũ, họ trả tiền nên giờ họ bắt con em đi. Nhiều lúc em thầm trách bản thân lúc đó trẻ người non dạ, để bị lừa, giờ không biết làm sao…
Thu Yến (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thu Yến thân mến,
Em đang có hai tâm tư. Một là về chuyện không được gặp con, thăm con trong hiện tại. Hai là về câu chuyện quá khứ, khi ly hôn, bước ra khỏi gia đình chồng đã phải theo ý người ta, không lường trước được những diễn tiến sau này. Hai chuyện này phải giải quyết theo hai cách khác nhau, em ạ.
Chuyện đã qua khi mình còn trẻ, giờ không thể quay ngược thời gian, em đừng dằn vặt bản thân nữa. Dù sao thì em cũng đã ra khỏi cuộc hôn nhân đó, bây giờ đã có thể tự lập, vững vàng với nghề nghiệp của mình. Em nên coi đó là kết quả của em, thành công của em. Từ đây, em có thể tự tìm lấy hạnh phúc thực sự.
Ý nghĩ rằng mình “đẻ thuê” chỉ khiến ta thêm uất ức, sầu não, không giải quyết được gì nhiều. Trách móc gia đình chồng cũ đã dàn xếp theo ý họ cũng được thôi nhưng trách móc không mang lại năng lượng tích cực nào cho em cả.
Vậy nên, lúc này em cần xác định xem mình thực sự mong muốn điều gì và mình có đủ lực để làm điều đó hay không.
Em chỉ muốn tiếp tục được thăm con hay muốn đưa con về nuôi để mẹ con sống bên nhau? Em nên tìm hiểu những quy định pháp luật. Sau khi ly hôn, kể cả khi người cha được quyền nuôi con, người mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Nay nếu cha bé không tạo điều kiện cho em thăm con, em có quyền khởi kiện. Nếu thực sự đủ nguồn lực, đủ mong muốn, em cũng có thể kiện để thay đổi quyền nuôi con.
Tính ra thì giờ con em đã tám tuổi, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét thêm cả nguyện vọng của con em nữa.
Vẫn có cách giải quyết theo kiểu ôn hòa: em gặp ông bà nội của bé, nói chuyện với họ. Có lẽ ông bà cũng hiểu cháu mình cần cả cha và mẹ, chắc gì mẹ kế của cháu đã thay được vai trò của mẹ ruột, ông bà sẽ tìm cách thu xếp cho em được thăm con, chăm lo cho con phần nào.
Trong trường hợp không thể ôn hòa, mình mới phải cậy nhờ pháp luật. Chúc em bình tĩnh và chọn được cách làm tích cực nhất.
NẾU TÔI LÀ NGỪOI TRONG CUỘC:
Vũ Nghi (Q.1, TP.HCM): Pháp luật luôn đứng về phía những người mẹ
Đọc thư bạn mà xót lòng quá. Tôi cứ hình dung đến cảnh bạn cô đơn trong nhà chồng, cảnh bạn có chồng hờ hững cũng như không, cảnh bạn phải giao con cho gia đình người ta…
Thôi thì mọi việc đã rồi. Nên chăng giờ mình sống tốt, cố gắng khắc phục những gì đã sai trong quá khứ. Đừng quá dằn vặt bản thân mà tự làm khổ mình.
Thật ra bây giờ bạn muốn giành lại quyền nuôi con hay chỉ là đến thăm con như trước kia? Tôi thắc mắc vì trong thư bạn không nói rõ.
Tôi nghĩ rằng nếu muốn thăm con, bạn cứ đường hoàng ghé căn nhà ấy và nói rõ rằng muốn thăm con. Nếu họ cản trở, bạn cũng không nên quá buồn lo bởi pháp luật vẫn luôn đứng về phía những người mẹ.
Hãy mạnh mẽ lên, bởi bạn chỉ đi thăm con mình chứ không làm gì sai trái. Đứa bé đã lớn, rất cần sự ổn định nên bạn hãy cân nhắc kỹ mọi thứ.
Võ Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM): Thăm con, gặp con là quyền chính đáng của mọi bà mẹ
Tôi tự hỏi điều gì khiến bạn chọn người đàn ông đó làm chồng để giờ khó khăn thế này. Mà thôi, chuyện đã qua lâu rồi. Nhưng có điều, thời gian sau, kể từ lúc người ta mang con đi không cho bạn thăm nữa, bạn đã làm gì; đã có những yêu cầu thế nào về quyền lợi được tới lui thăm con như thỏa thuận lúc ly hôn…? Tôi không nghe bạn nói.
Khoảng thời gian bạn không tới thăm con thì bé thế nào. Biết bao nhiêu thứ đã thay đổi trong suy nghĩ một đứa trẻ tám tuổi, bạn biết không? Thăm con, gặp con là quyền chính đáng của mọi bà mẹ. Bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, kể cả tinh thần vững vàng và đi thăm con thôi nào!
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.