Dễ thở như ở Sài Gòn

10/10/2024 - 17:43

PNO - Sài Gòn - TPHCM như dòng chảy ngàn năm dưới cây cầu. Dòng sông mang tên thành phố cứ biến thiên, chuyên chở bao phận người.

Hồ Con Rùa (Ảnh: Thái Tôn Hạo)
Mảng xanh Hồ Con Rùa nhìn từ trên cao (Ảnh: Thái Tôn Hạo)

Tôi nghe nhiều người nói sống được ở Sài Gòn thì nơi đâu cũng ở được. Nhận định này có vẻ chí lý. Song để hiểu tận tường và đa chiều thì bạn không nên nghe suông, càng không thể đọc vài tích sử mà hiểu hết. Chỉ khi ở lại đủ lâu với Sài Gòn, bạn mới thấm thía tại sao người ta lại nhớ Sài Gòn dai dẳng, lại thương Sài Gòn bằng thứ tình yêu đặc biệt như thế...

Năm 2018, tôi từ miền Trung vào Sài Gòn - TPHCM. Trên chuyến xe năm ấy, tôi thấy mình như có mặt trong đoàn lưu dân thuở xưa. Dĩ nhiên, tôi không như ông bà mình phải làm ruộng cỏ. Sài Gòn lúc này đã là đô thị triệu dân, “kẻ chợ” nhưng vô cùng “quốc tế”.

Tôi sống giữa Sài Gòn, tự hỏi bao nhiêu người xứ khác như mình, ban đầu xem thành phố là chỗ mưu sinh, rồi thít chặt với đất, đất hóa thành xứ sở. Người Sài Gòn lay lắt có, ấm êm có. Đất Sài Gòn đông đúc thì ai cũng rõ, nhưng chỗ thoáng đãng cũng không thiếu. Nếu ví Sài Gòn như cánh rừng thì hẳn đây là thảm nhiệt đới đa dạng bậc nhất về hệ thực vật. Đất nuôi cây, cây giữ đất - là cách hình ảnh hóa nôm na nhất về mối quan hệ cộng sinh giữa người và đất nơi này. Sài Gòn như một thực thể sống không ngừng thay đổi, có khi dồi dào dinh dưỡng nhưng không ít thời đoạn hiểm cảnh.

Nhưng nếu chỉ bấy nhiêu thì Sài Gòn - TPHCM có gì hay hơn những nơi khác mà được tán tụng là thành phố bao dung, đủ sức mạnh khiến người ra đi phải quay về, trở thành nỗi nhớ niềm thương của biết bao thế hệ?

Tôi cho rằng, Sài Gòn sâu sắc hơn những gì trong sách báo, trong những lời tán thán kiểu cách lẫn mộc mạc. Sự đặc biệt của Sài Gòn không chỉ ở việc đây là đô thị đa dạng dân cư, đa dạng văn hóa, đa dạng ngành nghề, dẫn tới việc ai cũng ôm ấp, cho cơ hội, để rồi Sài Gòn trở thành miền đất hứa của mọi giai tầng.

Với tôi, sức hút lớn nhất của Sài Gòn chính là việc đô thị này thúc đẩy hoàn thiện con người. Ở Sài Gòn, ai nấy đều phải "lớn lên". Mà, nhận thức đúng về ngoại cảnh và nội tại, biết cách hòa vào đời sống, phát triển trí lực, nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội. Sống ở một nơi đáp ứng hầu như mọi điều kiện để con người có thể phát triển, chẳng trách thành phố này hấp dẫn đến vậy!

Tại sao nói Sài Gòn giúp người ta nhanh chóng hoàn thiện?

Thứ nhất, bạn là ai ở Sài Gòn thật sự không quan trọng. Tiến trình lịch sử đã ghi nhận vùng đất này là nơi cư trú của người Chăm, người Khơ Me, người Việt, người Ấn, người Hoa... Ai cũng có thể trở thành người Sài Gòn, không phân biệt dân tỉnh lẻ hay người đã cư ngụ nhiều đời. Khi ra đường, bạn đi xe sang cũng được mà bần cùng cũng không bị cười chê. Sài Gòn trao cơ hội chứ không cho đặc quyền. Sài Gòn như một tấm gương để ta soi rõ vị trí, sức mạnh và giá trị của mỗi người. Có biết bao nhiêu người đã đạt thành tựu ở Sài Gòn - TPHCM, dĩ nhiên không đếm hết, nhưng ta có thể cảm nhận được thứ hào quang trẻ trung đó, toát ra từ một đô thị mang trên mình sự đa dạng bậc nhất về dân cư, kiến trúc, hệ thống thương mại, ẩm thực...

Tôi vụng nghĩ, sự chật chội của Sài Gòn đã và đang thúc đẩy phát triển khả năng tự thích nghi của mỗi người. Ai ở Sài Gòn cũng cần học nhẫn nại trước cảnh kẹt xe, học gói ghém mọi thứ trong căn phòng trọ nhỏ, học chia nhau hàng hiên giữa cơn mưa chiều chợt đến. Sự linh hoạt co duỗi đó trở thành bản năng của mỗi người. Càng sống lâu càng biết hạ mình hòa thuận, bao dung và sẵn lòng cho đi. Điều này thì ai ở Sài Gòn cũng rõ...

Vươn lớn ở Sài Gòn - TPHCM không chỉ là chấp nhận và chịu đựng. Nếu bạn định nghĩa trưởng thành là hiểu biết sâu và trải nghiệm nhiều thì Sài Gòn dư sức chiều chuộng bạn. Tôi đã nhiều lần đứng nhìn Nhà thờ Đức Bà bị quây giữa trùng trùng giàn giáo mà ánh đèn lễ vẫn sáng đều đặn. Đám trẻ chúng tôi ngồi quanh tượng Đức Mẹ ăn bánh tráng trộn, uống trà tắc trong lúc những người khác dạo đường sách Nguyễn Văn Bình và đứng thật lâu nhìn Bưu điện Thành phố. Giây phút đó, tôi thấy Sài Gòn như một con người chứ không chỉ là địa danh khô khan trên bản đồ. Sài Gòn lúc này tầng tầng quá khứ, là chứng nhân lịch sử, là một “cơ thể hữu cơ” đang tiếp nạp, tiêu hóa và sinh trưởng không ngừng.

So với nhiều địa phương khác, Sài Gòn không hấp dẫn bởi “sơn kỳ thủy tú”, nên ta không không thể nhìn Sài Gòn như lướt qua một bức tranh đẹp. Chỉ cần tới gần, sự động đậy không ngừng giữa các hằng số văn hóa, lịch sử của đô thị này sẽ hút lấy bạn. Ta có thể thưởng thức mĩ vị các quốc gia, có thể tìm hiểu đủ loại tín ngưỡng, tôn giáo, có thể học tiếng địa phương nhiều tỉnh thành khác... khi sống ở Sài Gòn.

Cùng với các phẩm chất thường được nhắc đến như hào hiệp, cởi mở, dũng cảm dấn thân, Sài Gòn còn dưỡng nuôi nên những “dân chơi thứ thiệt” hiểu mình, trải đời, biết yêu và giàu trải nghiệm sống...

Quả đúng khi nói ở Sài Gòn được thì sống nơi đâu cũng được. Ngược lại, có khi quen với Sài Gòn thì bạn không tài nào dung nạp gì thêm. Bởi có đô thị nào vừa ùn ứ mà lại thuận tiện, có nơi nào luôn va đập, nóng rẫy nhưng lại mát rượi tình người như Sài Gòn...

Đêm xuống. Tôi hạ cánh ở Tân Sơn Nhất khi đèn đã được bật lên. Sài Gòn vừa quen, vừa lạ dần nở ra như đóa hoa đêm trước mắt. Tôi chạy xe trên cầu Ba Son, ngắm nhìn dòng nước lấp lánh bên dưới, nhớ về Sài Gòn của tôi, của mọi người...

Tôi nhớ hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng. Vì tuyến Metro, vì cầu Ba Son, những thân cổ thụ phần đã không còn. Suốt một thời gian dài, người ta phản đối việc này. Tôi không dám lạm bàn, bởi hiểu biết của mình còn hạn hẹp. Thứ tôi thấy rõ là sự thay đổi, thậm chí liên tục thay đổi, là đặc tính cố hữu của Sài Gòn - TPHCM. Nếu 1 thời gian trở lại, tiệm ăn bạn hay ủng hộ đã dời vô hẻm, con đường thông thoáng bạn đi trước kia vì dòng chữ “Xin lỗi chúng tôi đã làm phiền các bạn” mà không còn thông thoáng thì đừng vội buồn. Cũng giống như bọn trẻ vẫn trải bạt ngồi ăn dưới chân Đức Mẹ trong lúc Nhà thờ Đức Bà đại trùng tu. Vì Sài Gòn là thế mà! Cả đô thị lớn tiến về trước. Chính sự biến chuyển đó mà mọi người và tôi buộc phải thích nghi và trưởng thành...

Dòng chảy Sài Gòn (ảnh: Nguyễn Quang)
Sài Gòn nhìn từ trên cao (ảnh: Nguyễn Quang)

Sài Gòn - TPHCM như dòng chảy ngàn năm bên dưới cây cầu mới nối đôi bờ 2 quận. Dòng sông Sài Gòn, mang tên thành phố cứ biến thiên, chuyên chở bao phận người ở một đô thị buồn vui lẫn lộn. Sài Gòn là nước để ta soi mình, ta gột rửa, ta thao thức vì danh vọng và là nơi chuyên chở cả những muộn phiền. Cốt lại, yêu đất này, bạn sẽ như tôi, mỗi lần hạ cánh, sẽ hít căng một ngực Sài Gòn...

Sài Gòn cho đến cuối cùng là sự dễ chịu, dễ thở mà, phải không! Bởi Sài Gòn đã thành đất. Thành nước. Thành tình yêu. Thành người...

Phạm Thị Hải Dương (Phú Yên)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI