Đề thi văn, đã đến lúc phải nghĩ xa hơn

17/07/2020 - 07:21

PNO - Thi cử không phải là khâu cốt lõi của quá trình đổi mới giáo dục nhưng nhìn vào cách thi cử, xã hội có thể đánh giá được việc đổi mới giáo dục có thực chất hay không.

Nhìn vào cách ra đề thi văn bậc phổ thông gần đây, tôi cho rằng giáo dục Việt Nam có những thay đổi tưởng nhỏ nhưng đáng ghi nhận. Đó là, người ra đề đã cố gắng biến đề thi văn không đơn giản như hình thức kiểm tra kiến thức mà còn như cơ hội để học sinh (HS) đưa ra quan điểm, lập luận và bảo vệ nó.

thi văn
Đề thi văn gần đây đã đưa ra nhiều vấn đề thời sự để học sinh nêu quan điểm - Ảnh Tam Nguyên

Đề thi ít yêu cầu HS chứng minh một ý kiến nào đó mà đề nghị bàn luận về nó. Đề đặt những câu hỏi bỏ ngỏ để HS nêu chính kiến. Ví dụ: “Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?”. Người ra đề cố gắng tìm những vấn đề, chủ điểm gần với mối quan tâm của HS hơn. Tôi cho rằng, đó là dấu hiệu dân chủ trong giáo dục, người ra đề không còn hiện ra như chủ thể quyền uy thách đố học trò mà trở thành chủ thể muốn lắng nghe.

Nhưng ra đề mới chỉ là một phần của vấn đề. Đề thi gợi mở mà đáp án rập khuôn, cách chấm cứng nhắc thì hiệu quả của việc đổi mới ra đề cũng vô nghĩa. Mà thay đổi đáp án, cách chấm thực ra đòi hỏi sự thay đổi trong cách dạy văn, trong cách giáo viên (GV) suy tư và trau dồi về chuyên môn. Ví dụ, đề thi lớp Mười gần đây đòi hỏi HS bằng trải nghiệm văn học của bản thân, bàn về việc văn chương có thể giúp con người kết nối với kẻ khác. Vấn đề đặt ra của đề bài rất hay. Nhưng liệu đây đã phải là đề bài mà người ra đề vẫn cứ là chủ thể quyền uy thách đố học trò?

Thứ nhất, để có trải nghiệm văn học, việc dạy văn trong nhà trường cần chuẩn bị để HS có được nó. HS cần phải được kích thích để gia tăng vốn đọc, mà muốn như thế, GV cũng phải không ngừng mở rộng vốn đọc của mình. Một số trường hiện nay đã đưa văn hóa đọc thành giờ ngoại khóa thường kỳ. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng theo tìm hiểu sơ bộ, đến năm cuối cấp thì hoạt động này thưa dần vì tất cả dồn vào thi cử.

Những người ra đề sẽ phản biện, vì đây là đề chuyên văn, HS say mê môn văn ắt có vốn đọc thỏa mãn đòi hỏi đưa ra. Đó là phản biện hợp lý nhưng việc cho rằng gia tăng vốn đọc là chuyện của HS, cũng là biểu hiện của việc thả lỏng trách nhiệm GV. Nếu HS đọc nhiều mà không có cơ hội chia sẻ, chuyện trò về những gì mình đọc, cũng sẽ có những bối rối, hoang mang.

Thứ hai, đề bài không chỉ bàn về chức năng văn học mà còn xoay quanh hai phạm trù có ý nghĩa triết học “tôi” - “kẻ khác”. Chúng ta không thật sự quan tâm đến việc dạy HS suy tư, coi triết học là thứ quá ngưỡng đối với HS phổ thông. Thiếu nền tảng, chất liệu và điều kiện để suy tư, vậy đề thi dù được xem là “hay” (từ quan điểm của thầy cô) liệu có là “đánh đố” với học trò nói chung?

Thứ ba, người ra đề luôn lập luận: khuyến khích HS thể hiện bản lĩnh, dám phản biện đề. Nhưng để phản biện đúng nghĩa, việc này nhất thiết phải được nuôi dưỡng ngay trong các giờ học. Chừng nào giờ dạy học vẫn còn là giờ diễn giảng miên man của GV, chừng nào HS học văn vẫn còn sợ nói khác ý kiến thầy cô sẽ bị điểm kém thì chừng đó không có phản biện. Sâu xa hơn, chừng nào dạy học văn vẫn cho rằng đọc tác phẩm là tâm tư, tình cảm của tác giả, rút ra bài học đạo đức, chính trị mà không nghĩ rằng tác phẩm của nhà văn là “không gian” cho sự suy tư và đối thoại của thầy và trò trong tư cách là những độc giả thì càng không thể có cái gọi là ý thức phản biện…

Nhìn rộng ra, những loay hoay trong việc ra đề, lập đáp án thi môn văn hiện nay nằm ở chỗ cần thay đổi triết lý dạy học văn. Để hình thành trải nghiệm văn học của HS, còn phải phát triển ở HS khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Điều này liên quan đến việc đem cái gì vào dạy cho HS, đem cái gì vào đề thi cho HS. Tôi rất băn khoăn khi những ngữ liệu đưa vào đề thi bây giờ khó có thể xem là những văn bản giàu tính thẩm mỹ (dù nó có thể giàu tính đạo đức). 

Có thể chủ quan nhưng tôi thường chạnh lòng khi nhớ đến, có những nghệ sĩ, nhà văn, dịch giả… cho rằng thời đi học, môn văn với họ là môn học chán nhất. Họ may mắn đã không phải học để thi môn văn với những bài có trong sách. Có thể họ cực đoan nhưng tôi tin sự bất mãn của họ đáng được lắng nghe. Tôi cũng tin là GV luôn có tinh thần cầu thị. Bằng chứng là GV rất hưởng ứng khi chia sẻ thông tin về những đề thi hay.

Chỉ có điều mọi thứ cần phải nghĩ xa hơn đề thi ở trước mặt. 

Trần Ngọc Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI