Đề thi tuyển sinh lớp Mười môn toán khó nhất trong vòng 5 năm

07/06/2024 - 12:09

PNO - Đề thi tuyển sinh lớp Mười môn toán ở TPHCM năm 2024 được các giáo viên đánh giá là khó nhất tính từ năm 2019.

Giáo viên bàng hoàng… vì đề quá khó

Cô Nguyễn Tiến Thùy, giáo viên toán Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết đề quá khó, đặc biệt khó so với mặt bằng chung của học sinh.

Các câu học sinh có thể lấy được điểm là bài 1, 2, 4 và bài 8 câu a. Các bài còn lại mang tính phân hóa năng lực học tập của học sinh, trong đó đa phần là vận dụng cao. Đặc biệt, đề có tới 3 bài (bài 3, 5, 6) học sinh sẽ mất điểm nhiều nhất. Đây cũng là các dạng toán thực tế.

Đề toán tuyển sinh 10 TP.HCM năm 2024 được giáo viên đánh giá là khó nhất trong vòng 5 năm qua
Đề toán được giáo viên đánh giá khó nhất trong 5 năm qua

Phổ điểm môn toán năm nay chỉ ở mức từ 4-5 điểm. Học sinh phải thực sự rất giỏi mới có thể đạt từ 7-8 điểm.

“Dạng toán thực tế trong đề quá mới với học sinh. Cụ thể, ở bài số 3 cho kết hợp giữa hình học với đại số, học sinh lực học trung bình sẽ không phân định được để viết biểu thức theo đúng yêu cầu của đề. Bài số 5 lại cho hình cầu nằm trong mô hình, làm cho học sinh cũng khó phân biệt được để tính bán kính. Bình thường thì tính thể tích, diện tích, tuy nhiên năm nay lại yêu cầu tính bán kinh. Bài 6 lại cho ở 2 dạng công thức, cho kết hợp giữa thời gian và quãng đường. Đây là những vấn đề khó với học sinh, khiến học sinh rối, không làm được” - cô Thùy phân tích.

Cô Thùy dự đoán, tỉ lệ học sinh dưới trung bình sẽ rất nhiều. Toán thực tế đã khó, đòi hỏi tư duy rồi, các dạng toán thực tế quá mới mẻ, gắn nhiều yêu cầu trong cùng một câu sẽ càng khiến học sinh gặp khó nhiều hơn.

“Đề chắc chắn cần đến sự phân hóa năng lực học sinh. Tuy nhiên, đề quá khó khiến học sinh, phụ huynh và cả giáo viên bàng hoàng. Đề năm nay được đánh giá là khó nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, từ năm 2019. Đề năm nay kết hợp nhiều thứ hơn cả so với những đề, dạng bài các em đã được làm quen, với thời gian làm bài 120 phút khiến học sinh bất ngờ, khó có thể làm được…” - cô Thùy nói.

Đề chưa phù hợp

Cô Phạm Thị Mộng Thường - tổ trưởng tổ toán Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) - đánh giá, đề thi quá khó, quá dài, mức độ kiến thức trong đề không phù hợp.

Cô phân tích, đề nghiêng về hình học quá nhiều, trong khi chương về hình học không gian lại phân phối không nhiều tiết trong chương trình. Như vậy là không phù hợp.

Trong đề, chỉ có bài hình học câu số 8 là dễ chịu nhất. Đề các năm trước yêu cầu vẽ tất cả các yếu tố và chứng minh, năm nay cho vẽ từng phần, từng yếu tố nhỏ, chứng minh từng phần. Với cách này, học sinh có thể vẽ hình và làm được từng phần, các em không bị rối.

Các câu khó nhất trong đề vẫn là dạng toán thực tế với nhiều yếu tố gây nhiễu, gây rối. Đề thi cũng quá dài, đòi hỏi học sinh tính nhiều yếu tố, điều này là không nên.

“Phân phối về hình học không gian quá nhiều so với phân phối chương trình, toán thực tế nhiều yếu tố gây nhiễu, đặt nhiều yêu cầu, đề quá dài… là những yếu tố chưa phù hợp với năng lực học sinh. Dù là đề thi tuyển sinh nhưng cũng không nhất thiết phải khó như vậy. Đề chỉ nên phân hóa ở mức điểm từ 8 trở lên, chứ không phải phân hóa ở phân khúc trên trung bình” - cô Thường nhận định.

Theo cô, nhiều năm trở lại đây, đề thi toán năm nay là khó nhất. Cô dự báo điểm toán sẽ rất “thảm”, tỉ lệ học sinh dưới trung bình sẽ rất cao, phổ điểm chỉ ở mức 4 đến dưới 5, chỉ học sinh giỏi mới có thể đạt từ 8 điểm trở lên.

“Đề này chỉ dưới 50% là mức độ nhận biết, thông hiểu; trên 50% là vận dụng, vận dụng cao”.

Q.Trung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI