Đề thi là 'gót chân Achilles' của các kỳ thi quốc gia?

28/06/2019 - 10:30

PNO - Kết thúc kỳ thi với năm bài thi bao gồm chín môn học, phần lớn đề thi được “khen” dễ hơn năm trước, đúng cấu trúc và bám sát chương trình lớp 12…

“Địa lý - có Atlat thí sinh sẽ cân cả vũ trụ”; “tiếng Anh sẽ có mưa điểm 10”; đề toán dễ; giáo dục công dân nằm trong tầm tay… là nhận định của phần đông thí sinh khi bước ra khỏi trường thi. Còn giới chuyên môn cho rằng, đề thi THPT quốc gia 2019 bám sát cấu trúc, kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có phần dễ hơn so với đề minh họa công bố trước đó và dễ hơn đề thi năm 2018.

Sẽ có “mưa điểm cao”?

Thực ra, chuyện đề năm nay dễ phần nào đã được dự đoán trước. Bởi nhiều giáo viên theo dõi các kỳ thi “2 trong 1” những năm gần đây đều thừa nhận Bộ GD-ĐT “không có lập trường” trong khâu ra đề. Năm này than đề khó, y như rằng sang năm đề sẽ dễ hơn và cứ lặp lại như vậy.  

De thi la 'got chan Achilles'  cua cac ky thi quoc gia?

Các thí sinh dự thi tổ hợp khoa học xã hội ra về vui vẻ vì đề thi dễ

Đề thi lẽ ra phải là thước đo chuẩn mực để đạt được mục tiêu của kỳ thi. Các nhà chuyên môn lý giải, đây cũng chính là nguyên nhân khiến đề thi của kỳ thi quốc gia chưa thể chuẩn bởi kỳ thi “ôm” đến hai mục tiêu có tiêu chí đánh giá khác nhau. Một là dùng để xét tốt nghiệp THPT nghĩa là phải đánh giá được người học có đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình THPT hay không. Hai là xét tuyển vào đại học, ý nghĩa này rộng hơn. 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nhận định: thế nên mới bất cập, chuẩn là đòi hỏi tối thiểu để đạt trình độ THPT, còn thi đại học thì phải khó hơn do khả năng đáp ứng quy mô học đại học của số đông nên phải lọc. Hai tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau. Người ta tin rằng gộp hai kỳ thi sẽ giảm áp lực và tiết kiệm, nhưng sai về logic đánh giá đo lường và tính mục đích. 

Giảm áp lực và tiết kiệm chi phí xã hội đều là mục đích tốt nhưng quan trọng hơn hết vẫn là hiệu quả và chất lượng của cuộc thi. 

Các mã đề trắc nghiệm vẫn còn vênh

Trong chín môn thi, chỉ có môn ngữ văn làm theo hình thức tự luận, các môn còn lại từ toán đến khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều là dạng đề trắc nghiệm. Sự thiếu chuẩn mực của đề thi còn nằm ở độ vênh giữa các mã đề khác nhau của các môn trắc nghiệm. 

Theo thầy Lê Đức Tài, Tổ trưởng Tổ Địa lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), đề thi địa lý nhẹ nhàng, không khó để đạt điểm trên trung bình. Đề năm nay bám sát với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT cho từ nội dung đến cấu trúc... Đề có 10% câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11, còn lại xuyên suốt trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi đảm bảo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Tuy nhiên, mã đề 315 nhẹ nhàng, các em ôn tập tốt phần kiến thức cơ bản, sử dụng tốt Atlat việc đạt điểm 6-7 là không khó.

Ngoài cấu trúc đề thi giống nhau thì dữ liệu đề thi cũng quan trọng không kém, nó ảnh hưởng đến độ khó - dễ của câu hỏi.

Đánh giá đề thi tiếng Anh, thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, nhận xét, đề thi tiếng Anh năm nay, về bố cục, cấu trúc hoàn toàn giống như đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố. Thứ hai, đề thi tương đối nhẹ, năm nay sẽ có nhiều thí sinh được điểm 10, mặc dù không phải là cơn mưa điểm 10 nhưng sẽ có nhiều. Tuy nhiên, nếu mã đề khác nhau, độ vênh giữa các đề sẽ không đồng đều. Ví dụ cũng là câu hỏi về kiểm tra từ vựng nhưng câu hỏi của mã đề này có thể ra từ vựng dễ nhưng mã đề khác sẽ có từ vựng khó hơn. Vẫn còn độ lệch chuẩn giữa các mã đề.

Sau khi nghe đa phần thí sinh than đề sử khó, cô Đoàn Thị Dung, giáo viên Trường THPT Tân Túc (TP.HCM) đọc qua nhiều mã đề khác nhau của môn. Theo cô Dung, mã đề 303 được đánh giá là dễ hơn so với các mã đề còn lại. Nếu em nào may mắn trúng mã đề này sẽ thấy nhẹ hơn. 

Vì sao kỳ thi mãi vẫn chưa 'chuẩn'?

Nguyên nhân hàng đầu là cơ quan thiết kế chính sách thi cử chưa nghiên cứu bài bản để xây dựng chính sách, chiến lược và kế hoạch thi cử dài hơi. Cục Khảo thí và Kiểm định (nay là Cục Quản lý chất lượng) được thành lập từ đầu những năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa có được “kho” các chuyên gia khảo thí và định hướng tổ chức một cơ quan khảo thí độc lập. Vì thế, những chính sách và kỹ thuật khảo thí độc lập vẫn còn bỏ ngỏ.

Phổ điểm kết quả thi trắc nghiệm cho thấy các đề thi chưa đảm bảo được yêu cầu của một đề trắc nghiệm. Các đề thi chưa được thử nghiệm, chuẩn hóa trên một phổ đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy của đề thi. Đề thi chưa chuẩn nên cơ quan quản lý cũng không biết (hoặc không thiết) dùng kết quả trắc nghiệm để phân tích chính sách phát triển giáo dục ở các vùng miền khác nhau.  

Để có một ngân hàng đề thi chuẩn cần thời gian từ 3 - 5 năm với đội ngũ chuyên gia khảo thí được đào tạo tốt, chứ không thể thử nghiệm chuẩn hóa đề trên quy mô hẹp, sau lại lấy đề đó ra thi chính thức, thì rất dễ bị lộ. 

Để tháo gỡ bài toán thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào đại học, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chính sách hình thành các trung tâm khảo thí độc lập. Trong bối cảnh dân số đông, xu hướng phân cấp cho địa phương và tự chủ giáo dục đại học, nên giao cho địa phương tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chuẩn.

Địa phương chịu trách nhiệm chính đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Còn trường đại học có thể lấy kết quả của kỳ thi ấy hoặc tổ chức riêng theo đề thi chuẩn và kết hợp với hình thức tuyển khác cho phù hợp ngành học. Hiện đang có khuynh hướng một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực. 

Việc đổi mới kỳ thi đại học phải có giải pháp kiểm soát chất lượng thi kiểm tra đánh giá ở trường đại học để sàng lọc có hiệu quả những thí sinh không đủ năng lực học tập, chuyển sang học nghề sớm hơn. Việc tuyển sinh của các trường nếu bị tác động bởi chuyện “cơm áo, gạo tiền” càng đẩy Bộ GD-ĐT đứng trước thách thức về đổi mới tuyển sinh và trách nhiệm chính trị của chất lượng nguồn nhân lực đại học. Vì thế, bộ cần đề xuất các sáng kiến mang tính đồng bộ và hệ thống về cơ chế đảm bảo môi trường giáo dục đại học trong sạch.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI