Để thầy cô vững tâm làm tròn sứ mệnh

19/11/2022 - 08:05

PNO - Khi khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu máy tính có thay thế được người thầy?

 

chúng ta tin tưởng rằng, người thầy sẽ luôn được tạo điều kiện tốt nhất để vững tâm với nghề
Chúng ta tin tưởng rằng, người thầy sẽ luôn được tạo điều kiện tốt nhất để vững tâm với nghề

Câu trả lời là “không”, bởi máy tính không có cảm xúc, máy tính không thể nắm rõ hoàn cảnh, tâm tính của từng người để có ứng xử đúng, khuyến khích tinh thần học tập, khơi gợi sự ham hiểu biết, óc sáng tạo ở học trò… như người thầy đích thực. 

Nói đâu xa, năm học trước, do dịch bệnh căng thẳng, nhiều địa phương phải cho học sinh học trực tuyến trong cả học kỳ I. Dù thầy và trò đều hết sức cố gắng nhưng chất lượng học tập giảm sút hẳn so với khi vào lớp học trực tiếp. Không có sự kèm cặp trực tiếp, sự động viên kịp thời của thầy cô, trò không thể học tốt.

Do đó, vai trò của người thầy vẫn luôn quan trọng. Xã hội luôn cần đến đội ngũ giáo viên. Sự đổi mới giáo dục cũng phải tính đến và bắt đầu từ đội ngũ này. Như quốc gia Phần Lan đã đổi mới giáo dục thành công nhiều lần bởi trước khi đổi mới, họ đã đầu tư cho các trường và các khoa sư phạm để có sẵn đội ngũ giáo viên chất lượng, đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới.

Dạy học là một nghề có yêu cầu cao, đòi hỏi người làm nghề có hiểu biết sâu về chuyên môn, hiểu biết rộng về xã hội, có kỹ năng truyền đạt, hướng dẫn. Hơn nữa, họ phải có hiểu biết về tâm lý, có tấm lòng để bao dung và nghiêm khắc đúng lúc. 

Qua 2 năm đại dịch, sự vất vả, cực nhọc của nghề giáo càng lộ rõ và kết quả là không ít giáo viên phải bỏ nghề. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022, cứ 100 giáo viên thì có 1 người bỏ việc.

Tuy vậy, cần nhìn nhận từ góc độ tích cực rằng, trong 100 người làm nghề giáo, vẫn có 99 người bám trụ với nghề dù eo hẹp về thu nhập, lại phải chịu nhiều áp lực. Hầu hết thầy cô là tấm gương tâm huyết với nghề, sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy mà các cuộc vinh danh không thể phản ánh hết thực tế.

Người thầy bao đời đã tiếp thêm động lực cho học trò trên con đường thu nạp kiến thức, kỹ năng. Thế nhưng, chính người thầy cũng cần tiếp thêm động lực trên con đường làm nghề của mình. Lương giáo viên thấp là thực trạng tồn tại hàng chục năm qua dù giáo dục luôn được xác định là quốc sách hàng đầu. Đây là điều cần sớm được cải thiện.

Ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Mới đây, khi nói về các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (thiếu 100.000 người trên cả nước), tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) - cho biết, cơ quan này đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo. Một trong các giải pháp là xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, thực hiện chính sách tiền lương mới.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 116, quy định: từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm được hỗ trợ toàn bộ học phí và 3,63 triệu đồng/người/tháng để trả chi phí sinh hoạt.

Đó là những tín hiệu vui cho những người chọn theo nghề giáo. 
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và xã hội, với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng, người thầy sẽ luôn được tạo điều kiện tốt nhất để vững tâm với nghề, làm tròn chức trách của nhà sư phạm. Từ đó, đào tạo ra các thế hệ công dân có kiến thức, đạo đức và kỹ năng để đóng góp nhiều nhất cho sự giàu mạnh và phát triển của đất nước.

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI