Từ hơn 6g sáng, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn ngang quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, hàng chục công nhân của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM hối hả giong xuồng đi vớt rác.
Làm nhanh kịp tết
Chúng tôi chạy một vòng quanh các quận Tân Bình, Bình Tân, Q.12 ra huyện Hóc Môn, về Củ Chi rồi quay ngược về thành phố, đâu đâu cũng thấy hình ảnh công nhân vệ sinh, bộ đội, thanh niên tình nguyện, hội viên phụ nữ ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường. Trên đường Liêu Bình Hương ngang xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, hàng trăm bộ đội và thanh niên tình nguyện dọn cỏ, gom rác. Nhìn hình ảnh đó, nhiều chị em sinh sống ven đường cũng chung tay dọn dẹp khu vực trước nhà. Người sửa khóm hoa, người nhặt nhạnh rác trong các chậu kiểng…
Trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn ngang công ty Pouyuen, khác hẳn ngày thường, sau 8g, các thùng rác hai bên vệ đường được dẹp gọn, những tán cây lòa xòa cũng được cắt tỉa. Ở tuyến Kinh Dương Vương, ngang bến xe Miền Tây, nhiều nữ công nhân của Chi nhánh Môi trường đô thị Chợ Lớn lau chùi các thùng rác hai ngăn…
Tại Quốc lộ 22, hàng trăm ụ rác lớn nhỏ trải dài từ cầu An Hạ đến ngã ba Hồng Châu của huyện Hóc môn. Dừng chân ghé ngang một ụ rác to đang được các anh công nhân gom lại hỏi thăm thì chúng tôi được biết, các công nhân thuộc công ty Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn đang tổng vệ sinh để chào năm mới.
|
Cùng nhiều công nhân vệ sinh, ngày 29/12, đội vệ sinh thuộc Công ty dịch vụ công ích huyện Hóc Môn ra quân tổng vệ sinh tuyến quốc lộ 22 từ cầu An Hạ đến ngã tư An Sương |
Hễ quét, gom là thấy rác!
Khí trời thành phố hôm nay se lạnh, nhưng trên trán các anh công nhân Citenco lấm tấm mồ hôi. Mà không mồ hôi nhễ nhại sao được khi bên dưới cây sào nặng trĩu của nhóm công nhân là… nguyên cái ghế sofa dài gần 2m. Phải ba chiếc xuồng chụm lại mới có thể trục vớt dị vật rác khổng lồ này lên được bờ kênh. Những người tập thể dục ven bờ kênh cùng đứng xem thở dài ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Hồng - một người dân ở P.2, Q.Phú Nhuận cho biết: “Sáng nào các công nhân cũng vớt rác trên kênh, mà hễ vớt là có rác.
Không chỉ dưới lòng kênh, ngay trung tâm thành phố, những con đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Trần Quốc Thảo đến Hai Bà Trưng), đường Bà Huyện Thanh Quan, đoạn giữa Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thị Minh Khai... chỗ nào có cỏ là có rác!
Trước cổng Trung tâm anh ngữ Hội Việt Mỹ và Bệnh viện Từ Dũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trong buổi sáng, rác cũng tràn xuống đường và còn bốc mùi nồng nặc…
Rác thôi chưa đáng sợ. Nhiều đoạn đường còn bị tấn công bởi nước bẩn. Đoạn đường Cây Điệp - P.Đa Kao, Q.1 ngắn ngủn, chưa quá 1km, nhưng hầu như ngày nào nước bẩn từ công trình xây dựng và một, hai hộ dân cứ vô tư tràn ra giữa lòng đường. Ô tô, xe cộ qua lại nhiều lúc bắn nước tung tóe trúng áo quần các em học sinh từ các trường tiểu học, THCS quanh đó.
Năm mới rồi, đừng xả rác và để rác đúng nơi được không?
Câu hỏi của một vị trưởng ấp ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi với các công nhân nhà trọ trong buổi sinh hoạt cuối năm làm mọi người có mặt hôm ấy đều bật cười. Cười bởi ông hỏi thật thà quá. Nhưng cười xong ngẫm lại lo âu. Nếu mọi người vẫn thói quen cũ, xả, vứt rác khắp nơi thì không bao giờ thành phố xanh, sạch được.
Nhiều người kiến nghị thành phố mạnh tay phạt nguội để dân biết mà “chừa cái tật bạ đâu quăng rác đó”. Công tác truyền thông được thành phố đẩy mạnh, nhưng truyền thông suông, không xử phạt, nêu gương thì không thể nào ngăn được hành vi xả rác.
Tháng 12 vừa qua, tổng kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Báo cáo cho biết, bước đầu thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật như: vận động được hơn 1,3 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi (đạt 50% số hộ dân toàn thành phố); xóa được 656/733 điểm đen về ô nhiễm rác thải; lắp đặt được 33.676 thùng rác công cộng ở nhiều tuyến đường; tổng số camera an ninh kết hợp với giám sát về chất, lượng vệ sinh môi trường đô thị hiện có lên đến 21.900 cái.
Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra thường xuyên và đáng báo động tại các khu dân cư, kênh rạch, công trường xây dựng và trên đường phố. Tình trạng này xuất phát từ ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân chưa chuyển biến. Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Vấn nạn này cần phải xóa bỏ!”.
Giải pháp của thành phố là sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi. Thành phố cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó, thành phố sẽ nghiên cứu các giải pháp xử phạt làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Đặc biệt sẽ nghiên cứu đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM: trước khi các “hành lang pháp lý” được siết mạnh, các quy định pháp luật được thực thi, thì sự tự giác, tự nguyện của mỗi người là vô cùng cần thiết. Việc mỗi người dân chung tay cùng lực lượng công nhân vệ sinh tổng vệ sinh môi trường, làm đẹp nơi công cộng chào năm mới là hình ảnh rất đẹp. Nhưng việc mỗi người cùng ý thức và tham gia phân loại rác tại nguồn, để rác đúng nơi quy định mới chính là điều mà chúng ta mong mỏi và cũng chính là hành động đẹp nhất chào năm mới, chung tay xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Hạnh Chi