Để thành phố thêm nhiều điểm đến xanh

26/03/2018 - 10:25

PNO - Từ 19g - 22g ngày 24/3, hơn 5.000 thanh thiếu niên và người dân TP.HCM đã đổ về sân 4A Phạm Ngọc Thạch (Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố) để tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2018.

De thanh pho them nhieu diem den xanh
Các bạn trẻ tham gia làm sạch môi trường

Tại chương trình, có lúc cả mặt sân không một ánh đèn nhưng vẫn cứ bừng sáng bởi hàng ngàn ngọn nến lấp lánh. Cả thành phố, nhiều cơ quan, công sở, tụ điểm vui chơi... đã hưởng ứng, đồng loạt tắt đèn trong giờ trái đất (từ 20g30 giờ Việt Nam). 

Từ chuyển động xanh

Các hoạt động của chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã bắt đầu khởi động từ hơn một tháng trước. Để chuẩn bị cho sự kiện đầy ý nghĩa này, ngày 17/3 vừa qua, hàng trăm thanh niên, công nhân, tình nguyện viên đã cùng ra quân thực hiện dự án “Điểm đến xanh”- vớt rác, làm sạch dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM hỗ trợ thực hiện tại khu vực cầu tàu Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận.

Dự án “Điểm đến xanh” đã thu hút hơn 500 tình nguyện viên tham gia, được chiến dịch Giờ trái đất thế giới chọn vào top dự án tiêu biểu của 200 quốc gia và giới thiệu trên toàn cầu trong năm 2018. 

“Điểm đến xanh” chính thức khởi động từ năm 2016 đã cùng phối hợp với lực lượng công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thực hiện việc vớt rác trên kênh rạch, tập trung chủ yếu trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé.

Đến năm 2017, dự án được mở rộng hơn khi có sự tham gia của đông đảo du khách quốc tế và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam với thông điệp gửi tới cộng đồng: bảo vệ môi trường đơn giản chỉ là không xả rác xuống kênh rạch, chung tay góp phần làm xanh, sạch dòng kênh. 

De thanh pho them nhieu diem den xanh
Các tình nguyện viên hoạt động hưởng ứng giờ trái đất

Đây là một trong chuỗi hệ thống dự án được triển khai nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan những điểm xanh hoặc đã được xanh hóa trở lại trên địa bàn thành phố, kết hợp vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian “hồi sinh”, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đang bị đe dọa ô nhiễm trở lại. Dọc tuyến kênh, hiện mỗi ngày có đến 10 tấn rác và lục bình được vớt lên.

Vì vậy, dự án ra đời còn nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh, khách vãng lai nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không đổ rác xuống kênh, không câu cá trên kênh... để giữ màu xanh lâu dài cho kênh rạch.

Đến giờ trái đất

Ngay khi những hoạt động của dự án "Điểm đến xanh" khép lại, thì nhóm Chuyển động xanh (khởi động từ ngày 10/3) với hàng ngàn bạn trẻ vẫn tiếp tục được duy trì suốt hai tuần lễ, để kêu gọi người dân thành phố tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... 

Chiến dịch Giờ trái đất 2018 với chủ đề Connect to Earth cũng là lần thứ 10 Việt Nam tham gia hưởng ứng. Buổi lễ có sự góp mặt của hơn 2.000 tình nguyện viên, đại diện các doanh nghiệp xanh. Bên cạnh các hoạt động truyền thống tại TP.HCM, chiến dịch nhận được sự ủng hộ đông đảo từ các tỉnh, thành khác. Một lượng lớn tình nguyện viên online đã giúp chương trình lan tỏa đến khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước và kết nối với gần 200 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động với sự khởi đầu là các câu lạc bộ, đội nhóm môi trường riêng lẻ, tổ chức hưởng ứng chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đến nay hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất tại Việt Nam đã lớn mạnh cả về quy mô cũng như sức ảnh hưởng trong cả nước.

Đại sứ chiến dịch, ca sĩ - diễn viên Isaac chia sẻ: “Isaac rất lấy làm vinh hạnh khi có thể hai năm liên tiếp trở thành đại sứ của Giờ trái đất Việt Nam. Năm ngoái còn nhiều lạ lẫm nhưng năm nay thì háo hức mong chờ để được gặp gỡ và cháy hết mình với các bạn tình nguyện viên khiến Isaac thấy mình như được sống lại thời sinh viên của mình - cái thời mà chưa có nhiều hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như bây giờ, nên Isaac càng thấy mình đang làm điều có ích cho cộng đồng”. 

Chiến dịch Giờ trái đất 2018 có sự đồng hành của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, nhãn hàng Comfort, Công ty TNHH Philips Việt Nam,  Công ty cổ phần B.O.O Thủ Đức (TDW), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, một trong những đơn vị tham gia đồng hành hỗ trợ nhiều năm cho chiến dịch -  nhấn mạnh, hoạt động của chiến dịch đã từng bước tạo nên cộng đồng những người yêu môi trường và bảo vệ môi trường lớn nhất Việt Nam.

Việc công ty đồng hành cùng chiến dịch cũng mong muốn đóng góp vai trò nhất định vào việc chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, góp phần vào mục tiêu phát triển chung của thành phố là nhanh và bền vững.

Những công trình  tiết kiệm  năng lượng

Đó là công trình “Nguồn sáng an toàn, văn minh tiết kiệm vì an sinh xã hội” - thực hiện sửa chữa, cải tạo lại hệ thống điện cho 100 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo;......

Đó là công trình “Nguồn sáng an toàn, văn minh tiết kiệm vì an sinh xã hội” - thực hiện sửa chữa, cải tạo lại hệ thống điện cho 100 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; công trình “Chung cư văn minh, sạch đẹp, an toàn”- cải tạo hệ thống điện hành lang, bó gọn dây cáp điện, cáp thông tin, thay thế đèn chiếu sáng tại các chung cư; công trình “Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm” - cải tạo hệ thống lưới điện, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, đảm bảo mỹ quan, an toàn điện cho người dân tại 3 tuyến hẻm ở Q.Gò Vấp và Q.9; công trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm” -  tuyên truyền tập huấn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm cho học sinh tại 10 điểm trường trên địa bàn thành phố.

Là những công trình do đoàn viên thanh niên, kỹ sư, nhân viên của Tổng công ty điện Điện lực TP.HCM cùng các tình nguyện viên và đông đảo người dân cùng thực hiện.

TP.HCM tìm giải pháp cho phân loại rác tại nguồn

Trong ba ngày 21-23/3, đoàn công tác Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có cuộc khảo sát về công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại Q.12, huyện Hóc Môn và Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. 

Theo kế hoạch, ngoài 3 đơn vị trên, đoàn (gồm thành viên Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM và đại diện các sở, ngành, đoàn thể…) sẽ khảo sát tại các quận 2, 5, 12; huyện Hóc Môn và Sở Tài nguyên - Môi trường từ ngày 21/2 đến 27/3 để nắm bắt thực tế công tác phân loại rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố... 

Được biết, sau hai năm triển khai thí điểm tại 6 quận, huyện, chương trình đã lan tỏa nhanh. Tuy nhiên, thực tế việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn, như ý thức người dân chưa cao, chưa có sự thống nhất. Khâu phân loại và xử lý rác thải chưa có sự đồng bộ. Lực lượng lấy rác dân lập hiện còn hạn chế về năng lực, từ con người đến phương tiện thu gom...

Bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, đoàn tiếp thu toàn bộ kiến nghị, ghi nhận những khó khăn của người dân cùng các đơn vị hữu quan để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và tìm ra giải pháp hiệu quả để nhân rộng chương trình, để mỗi người dân thành phố cùng có ý thức, thói quen, chung tay phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Nghi Anh

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI