PNO - Giữa cái nắng đổ lửa ở TPHCM, chợt dịu mát cả cơn khát lẫn tâm hồn khi nhìn bình trà đá miễn phí hồn nhiên ở những góc đường. Khi cơn mưa đổ xuống lại cảm thấy ấm áp khi các chủ quán hiếu khách bên đường mời vào trú mưa, không ăn uống gì cũng được!
Người dân TPHCM luôn tốt bụng, thân thiện, nghĩa tình. Càng khó khăn, tính cách này càng hiện lên mạnh mẽ. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, không cần đợi ai kêu gọi, người dân đã tự nguyện bỏ công sức, thời gian, tiền bạc giúp đỡ đồng bào hoạn nạn. Thành phố xuất hiện những ATM gạo, cửa hàng thực phẩm 0 đồng, chuyến xe tự nguyện…
Nhưng bên cạnh những nét đẹp trong tâm hồn ấy, TPHCM cũng không thiếu những hình ảnh chưa đẹp, nhất là cách ứng xử nơi công cộng và thái độ hành xử với môi trường. Trung tâm kinh tế, văn hóa đứng đầu cả nước hằng ngày vẫn có vật nuôi thả rong, phóng uế, xả rác bừa bãi, cãi vã ồn ào, không có thói quen xếp hàng, “loa kẹo kéo” mặc sức tấn công khu dân cư…
Bình trà đá miễn phí, cây ATM gạo... là những nét tử tế thường nhật của người dân TPHCM, nhưng nếu văn hóa ứng xử là thước đo trình độ văn minh đô thị thì nghĩa tình, thân thiện dường như chưa đủ - Ảnh: Quốc Ngọc
Theo báo cáo sơ kết thực hiện đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” của UBND quận 1 - bộ mặt thành phố - vẫn còn tệ nạn xã hội ở một số khu vực, thái độ cán bộ thiếu tôn trọng nhân dân nơi công sở, tình trạng kẹt xe, khạc nhổ ngoài đường, hành vi khiếm nhã nơi công viên. Ý thức của một bộ phận dân chúng, đặc biệt lứa tuổi thanh niên, về giữ gìn vệ sinh, ứng xử văn minh nơi công cộng chưa cao. Vẫn xảy ra hiện tượng chèo kéo khách du lịch, tranh mua giành bán, lang thang ăn xin trên đường phố.
Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TPHCM) cho rằng, có ba yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hành vi văn minh đô thị của người dân là điều kiện vật chất đầy đủ (ví dụ bố trí đủ thùng rác, có nơi đậu xe thông thoáng…), các quy định chế tài thực hiện hành vi và truyền thống văn hóa dân tộc. Nhưng đây là những điều kiện khách quan, đáng chú ý hơn phải kể đến hai yếu tố chủ quan luôn quyết định rất rõ hành vi của công chúng, nhất là người trẻ. Đó là nhận thức về văn minh đô thị và ý thức tự giác. Nhưng theo tiến sĩ Trang, việc hình thành và kích thích thực hiện hành vi văn minh đô thị của một cộng đồng là một quá trình không thể nóng vội, không thể đốt cháy giai đoạn. Để quá trình đó diễn ra một cách có phương hướng, có lộ trình, có tính hệ thống, đòi hỏi phải có sự tác động một cách có chủ đích và đồng bộ của nhiều chủ thể.
Nhiều người vẫn còn hành vi kém văn minh như xả rác, vẽ bậy - Ảnh: P.H.
“Quá trình không thể nóng vội” đi từ nhận thức, đến ý thức để rồi quyết định hành vi bao giờ cũng cần hình mẫu. Nghiên cứu quản lý hành chính năm 2017 cho thấy, sự gương mẫu của người đi trước là yếu tố xếp thứ tư ảnh hưởng đến hành vi văn minh đô thị của thanh niên TPHCM. Từ thực tiễn, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã định hướng hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bên cạnh quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, các chương trình văn hóa - nghệ thuật phong phú.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không gì khác hơn là hình thành chuẩn mực văn hóa. Trong đó, văn hóa công vụ nên được ưu tiên hàng đầu bởi nó không những giúp rút ngắn quá trình hình thành thói quen văn minh, mà còn quyết định tính ổn định chính trị - xã hội.
Từ cuối năm 2019, đề án văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, khi giao tiếp với dân, cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện “4 xin” - xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn” - luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Thế nhưng các chế tài đi kèm trước những đánh giá, phản hồi của người dân thì chưa được sử dụng như là “phương thuốc” hữu hiệu nhằm tạo ra sự minh bạch cho nền hành chính công.
TPHCM cũng đã từng có đề xuất xây dựng “nụ cười công chức”. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM), cán bộ cơ sở như cảnh sát giao thông, công an khu vực, cán bộ phường, tổ dân phố là những “điểm chạm” trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân. Nhưng ở những nơi văn hóa ứng xử cần hết sức nhạy cảm này lại đang là khâu yếu hiện nay. Nhiều nơi, cán bộ cấp phường ít tiếp xúc với dân nên nhiều chủ trương, chính sách từ trên không “ngấm” xuống được. “Xây dựng văn hóa ứng xử giữa chính quyền và người dân chính là thực hiện tốt hai chức năng cơ bản, một là kiến tạo, hai là trấn áp các hành động phá hoại. Như vậy văn hóa ứng xử đâu phải chỉ cần nụ cười công chức, mà quan trọng hơn là năng lực và trách nhiệm của công chức với nhân dân” - ông Nguyên nêu quan điểm.
Mời tham gia diễn đàn: “Văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay”
Thưa quý bạn đọc,
Số báo ra ngày 25/7, Báo Phụ Nữ TPHCM đã đăng bài viết Cần học Bác về tầm nhìn, sự cởi mở và tư duy hiện đại. Bài viết khép lại loạt chuyên đề “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - nội lực để phát triển”, đồng thời lại mở ra nỗi trăn trở là phải làm thế nào để mỗi người dân thành phố học tập Bác, lan tỏa văn hóa, nhất là những giá trị mà Bác đã tiếp thu từ văn hóa nhân loại, dân tộc, để vận dụng vào việc xây dựng con người Việt Nam tiên tiến, đất nước Việt Nam hiện đại, văn minh.
Từ số này, Báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn “Văn hóa, văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay” để bạn đọc cùng đóng góp ý kiến cho việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bài viết đóng góp cho diễn đàn xin gửi về email: toasoan@baophunu.org.vn. Xin ghi rõ tên, số điện thoại và email tác giả để tòa soạn tiện liên hệ. Bài viết dài tối đa 800 từ, khuyến khích có thêm hình ảnh và clip minh họa.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.