Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2021: Quá an toàn, thiếu sự phân hóa

01/04/2021 - 20:29

PNO - Nhiều giáo viên cho rằng đề thi minh họa vừa được công bố quá dễ dãi, thiếu sự phân hóa, chưa xứng tầm là đề thi mang tính quốc gia.

Khuya 31/3, Bộ GD-ĐT đã công bố đề tham khảo một số môn thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Đành rằng đề thi với mục đích đầu tiên là kiểm tra, đánh giá và xét tốt nghiệp cho cùng lúc nhiều đối tượng học sinh (HS). Nhưng với mức độ an toàn của đề thi, nhất là trong bối cảnh, nhiều trường ĐH, CĐ vẫn dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển thì đề thi thiếu sự phân hóa, dễ dãi, chưa xứng tầm của một đề thi mang tính quốc gia.

Đề quá an toàn

Nhận xét về các đề tham khảo, nhiều giáo viên (GV) tại TPHCM cho rằng, đề thi không gây bất ngờ về mức độ câu hỏi khó, dễ. So với cấu trúc đề thi những năm gần đây cũng không thay đổi. “Nếu như vậy, chẳng thà Bộ không nên đợi đến thời gian gần kỳ thi mới công bố đề minh họa, mà thẳng thắn ngay từ đầu để các trường phổ thông chủ động kế hoạch ôn tập”- GV một trường THPT tại quận 3 cho biết.

Nhận xét về đề môn toán, GV Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) cho rằng, về độ khó của đề thi, nằm ở khoảng giữa của năm 2020 và 2019 nghĩa là dễ hơn đề năm 2019 nhưng khó hơn đề năm 2020. Trong đó, chương trình lớp 11 chiếm khoảng 10%, còn lại nằm trong chương trình lớp 12. Về độ phân hóa: 38 câu đầu ở mức nhận biết và thông hiểu, từ câu 39 trở đi có độ phân hóa, 5 câu cuối ở mức vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tốt và kinh nghiệm mới xử lý nhanh được. Học sinh học lực trung bình có thể dễ dàng đạt 7 điểm, học sinh khá đạt 8 dễ dàng.

Theo thầy Hoàng Sơn Hải, hiệu trưởng nhà trường, góc độ chuyên môn từ người dạy toán, đề thi tham khảo an toàn, ổn định. Chính vì vậy, đòi hỏi một ý hay hoặc sáng tạo ở đề thi dạng này thì rất khó.

Đề thi minh họa được đánh giá quá an toàn, khó phân loại cho nhiệm vụ tuyển sinh
Đề thi minh họa được đánh giá quá an toàn, khó phân loại cho nhiệm vụ xét tuyển vào đại học

Trong khi đó, ở môn ngữ Văn, cô Hồ Ái Linh, GV Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú) cho rằng, đề minh họa môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021, nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020.

Cụ thể, vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần đọc hiểu (3,0 điểm), phần làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đây là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học sinh.

Phần Đọc hiểu, vẫn là 4 câu hỏi với 4 mức độ. Câu 1: Xác định thể thơ (nhận biết). Câu 2: Thông hiểu nhận biết dựa vào nội dung ngữ liệu. Câu 3,4: Có tính vận dụng cao hơn, học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng, suy nghĩ của mình lí giải về góc nhìn, suy nghĩ, tình cảm của bản thân với vấn đề được nêu trong đoạn thơ. Nội dung đoạn thơ ngoài ngữ liệu, cập nhật tình hình miền Trung và những sự kiện gần gũi với con người.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT.

Câu nghị luận văn học vẫn nằm trong khung chương trình ôn thi 12 như các năm trước. Đề thi có phạm vi ngữ liệu, yêu cầu đề rõ ràng. Đặc biệt so với năm 2020, đề thi có thêm câu hỏi vận dụng để phân hoá học sinh. Giáo viên sẽ dễ dàng chủ động ôn tập.

Khó khăn trong xét tuyển

Một đề thi không thể gánh quá nhiều mục đích, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng, đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT vừa công bố dường như chỉ để hài lòng dư luận, làm tròn vai là một đề thi mang tính ổn định. Còn tầm vóc của một đề thi trong bối cảnh hiện nay vẫn là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thì đề thi chưa với tới.

Đề thi cần phân hóa để lựa chọn đúng người học vào đại học
Đề thi cần phân hóa để lựa chọn đúng người học vào đại học

Thầy Trần Trung Trực, GV Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho rằng, các đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố phù hợp với yêu cầu tốt nghiệp. Học sinh với học lực trung bình có thể đạt 6-6,5 điểm. Học sinh khá có thể đạt 7-7,5 điểm. Học sinh giỏi làm đúng sức sẽ đạt cao hơn. Do là đề xét tốt nghiệp nên độ phân hoá không nhiều, các trường tốp đầu sẽ khó khăn hơn trong việc tuyển sinh.

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong cả nước đạt 98,34%, cao hơn 4% so với năm 2019. Mỗi năm tỷ lệ tốt nghiệp càng tăng nhưng cũng theo lý giải của Bộ, việc vẫn giữ kỳ thi này là thực hiện theo Luật giáo dục. Trong khi đó, Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, khẳng định nên xem nhẹ kỳ thi ở giai đoạn này và tiến tới bỏ hẳn, không tổ chức ở tầm quốc gia mà chỉ nên như một dấu mốc công nhận HS đã hoàn thành một cấp học. Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thì các trường sẽ tự biết cách sàng lọc nguồn tuyển. Các địa phương sẽ cạnh tranh nhau về uy tín và chất lượng giáo dục.

Quỳnh Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI