Phóng viên: Thưa ông, vai trò của người thầy ngày xưa với ngày nay có gì thay đổi?
Ông Nguyễn Văn Ngai: Việt Nam ảnh hưởng bởi Nho giáo nên thời xưa, người ta rất coi trọng vai trò người thầy, thậm chí coi thầy còn hơn cha mẹ. Tôn trọng người thầy không chỉ riêng người học mà còn cả xã hội nói chung, đặc biệt là phụ huynh có con em theo học thầy. Để có được sự tôn trọng đó, đòi hỏi người thầy ngày xưa phải đúng nghĩa “thầy ra thầy”, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết sâu rộng, có uy tín trong xã hội.
Thời nay, chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội. Chúng ta đổi mới nội dung chương trình, cụ thể hóa việc sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo để người thầy truyền đạt kiến thức cho học sinh theo từng cấp học, lớp học. Học trò ngoài học từ thầy thì còn học từ các nguồn thông tin khác. Thậm chí, ở một số lĩnh vực, các em còn nắm bắt nhanh hơn thầy cô. Vậy nên, người ta quan niệm thầy là một nghề trong xã hội, sống phải có nghề cũng như bao nghề khác, không còn có vai trò quan trọng như xưa. Mặt khác, hình ảnh người thầy ít đi phần cao quý có thể do xu thế xã hội, cũng có thể do một số người thầy không còn đúng nghĩa là người thầy nữa.
Nhưng dù chương trình có hay, sách giáo khoa có tốt mà đội ngũ thầy cô giáo chưa được tốt, chưa chuẩn bị kĩ thì không thể truyền tải cái hay từ sách đến người học được. Nói như vậy để thấy rằng, dù ở thời kỳ nào thì vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng.
|
Chân dung nhà giáo Nguyễn Văn Ngai |
* Vậy, cách mà học trò đón tết thầy xưa và nay có thay đổi không thưa ông?
- Người xưa quan niệm, mùng Một là tết cha hay họ hàng nhà nội, mùng Hai là tết mẹ hay họ hàng nhà ngoại và mùng Ba là tết thầy - những người truyền thụ kiến thức, thông qua đó giáo dục về mặt nhân cách, đạo đức. Ngày xưa, học sinh đến chúc tết thầy với lòng chân thành, biết ơn là chủ yếu. Những em nhỏ tuổi có thể được cha mẹ đưa đi, ngoài hỏi thăm sức khỏe thì có thể mang theo vài món quà quê như gạo nếp, hoa quả, thịt gà…
Ngày nay, mùng Ba tết thầy không phải không còn mà là khác xưa nhiều. Hiếm trường hợp phụ huynh đưa con đến chúc tết thầy cô mà chủ yếu là các cháu đi cá nhân, hoặc từng nhóm. Các em ở vùng nông thôn còn giữ nếp này nhiều hơn khu vực thị thành. Đặc biệt, có một bộ phận phụ huynh đến thăm thầy cô với mục đích riêng là mong thầy cô chiếu cố con em mình. Trong trường hợp này, bản thân người thầy phải tự soi rọi mình để sống có trách nhiệm hơn, làm tốt hơn nhiệm vụ.
* Theo ông, thầy cô giáo nên làm sao để giữ vững sơ tâm của mình trước những điều tiêu cực?
Người thầy phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Ngành nghề nào cũng có cái quý, nhưng có những việc nghề giáo không làm được dù luật không cấm như nhậu nhẹt bê tha, lố lăng trong lời ăn tiếng nói. Sư phạm ngày xưa có môn luân lý trắc nghiệp, giáo dục người thầy đạo đức nghề giáo để trở thành khuôn mẫu mà người học hướng theo.
Giống như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, thầy phải xứng đáng ra thầy, nếu không thì đừng đòi hỏi học trò tôn kính. Học trò đạt được thành công thì ngoài là niềm vui của gia đình, còn là niềm vinh hạnh của người thầy. Học trò có điều không tốt, ngoài chịu hình phạt, áp lực từ dư luận và gia đình, bản thân người thầy cũng có trách nhiệm. Trò và thầy có mối liên kết, ràng buộc cần thiết, vui trước những thành quả của học trò và nhận một phần trách nhiệm khi học trò sai. Do đó, người thầy phải luôn hết lòng, hết tâm trong quá trình dạy học.
Nếu cảm thấy chế độ chính sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu đời sống, thầy cô phải có tiếng nói để cấp trên nghiên cứu giải quyết, chứ không vì thế mà thiếu trách nhiệm trong việc làm thầy. Đừng bao giờ có suy nghĩ lương bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, hãy đặt mình trong vai trò của phụ huynh để thấy được mong mỏi, kỳ vọng của họ mà cố gắng làm tốt.
|
Nhà giáo phải không ngừng tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với tình yêu của học trò |
* Trước nhiều biến chuyển của xã hội, chúng ta nên làm sao để duy trì truyền thống tôn sư trọng đạo?
Muốn duy trì truyền thống tốt đẹp này, người thầy phải tu chỉnh, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để người học tôn kính.
Về xã hội, việc tôn vinh nhà giáo mang lại lợi ích cho xã hội nói chung và con em mình nói riêng, thầy được trân trọng sẽ hết lòng hết sức cho học trò.
Lãnh đạo các cấp cũng cần quan tâm hơn đến nhà giáo, điển hình như việc nghiên cứu Luật Nhà giáo. Bởi ngoài việc có những chế độ chính sách liên quan thì cần có những ràng buộc nhất định với người làm thầy. Về lâu dài, hy vọng mức độ tôn sư trọng đạo có thể không như xưa nhưng vẫn được duy trì, tiếp diễn ở một mức độ nào đó.
* Năm mới đến, thầy đặt kỳ vọng gì cho nền giáo dục Việt Nam, nhất là khi đây là năm cuối cùng học sinh khối 12 thi chương trình cũ và chương trình mới cũng được triển khai ở những khối cuối cùng?
Trong xu thế hiện nay, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới đều phải có sự đổi mới giáo dục, thích ứng với sự phát triển chung xã hội trong từng giai đoạn. Ngành giáo dục hiện đang thể hiện sự cố gắng trong việc chỉnh sửa chương trình, phương pháp dạy và học, chú trọng phát huy vai trò chủ động, tích cực của người học. Tuy nhiên, việc biên soạn sách giáo khoa hay chuẩn bị đội ngũ vẫn cần phải tăng cường thêm.
Trên tinh thần đó, chúng ta cần nhìn lại quá trình thực hiện đổi mới vừa qua, phát huy mặt tích cực, khắc phục dần những hạn chế và những cái chưa đạt được. Trước hết là phải làm cho người thầy giáo hiểu được ý nghĩa của đổi mới trong dạy học, thi cử. Bởi từ tư tưởng lãnh đạo cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo đến từng địa phương, thầy cô là cả một quá trình. Tâm lý người dạy lâu năm thấy đổi mới thì ngại, nhưng nếu hiểu được đổi mới mang lại nhiều lợi ích thì họ sẽ sẵn sàng nỗ lực. Khi đồng lòng, đồng lực thì đổi mới sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Trang Thư