Để Tết thật sự “vui như Tết”

24/01/2017 - 06:30

PNO - Người ta thường bảo: “Vui như Tết” nhưng thực tế, Tết đến không phải ai cũng vui trọn vẹn, thậm chí nhiều người còn cảm thấy sợ.

Nhất là phụ nữ, bởi thường đây là lúc họ phải thực hiện bổn phận “tề gia nội trợ” của mình với đủ thứ việc không tên.

De Tet that su “vui nhu Tet”
 

Giáp Tết, chị em đã xôn xao chuyện Tết năm nay “ăn gì” “mặc gì” “đi chơi đâu”, lại còn chuyện lo Tết cho bên nội, bên ngoại, sắm sửa cho con, dọn dẹp nhà cửa, cân đo đong đếm chi tiêu. Trong Tết thì lo mâm cúng gia tiên, tiếp đãi khách khứa, lo chồng nhậu nhiều sinh bệnh. Nếu chưa có nhà riêng hoặc xa quê, cứ đến Tết, vợ chồng lại lục đục chuyện năm nay ăn Tết bên nội hay bên ngoại. Thế nên, gần đây, một số người lên “gân” đòi “ bỏ Tết cổ truyền” với nhiều lý do và được không ít người ủng hộ.

Có lẽ, những “nỗi khổ” cá nhân đó là một trong những lý do mà nhiều người đòi “tước bỏ” một truyền thống lâu đời của dân tộc. Theo tôi, Tết chẳng có lỗi gì cả, phải chăng vấn đề nằm ở chỗ cách chúng ta đón Tết. Thay vì cứ “gồng mình” chịu trận, tại sao chị em không mạnh dạn thay đổi quan điểm và cách đón Tết để Tết thực sự chỉ mang lại niềm vui và sự đoàn viên sum vầy.

Những năm còn ở cùng ba mẹ, tôi thực sự cũng rất “ngán” Tết, tất bật lu bu từ giáp Tết đến ra Tết với đủ thứ việc. Nhưng mẹ tôi còn vất vả hơn nhiều, cả mấy ngày Tết chẳng bao giờ ra khỏi nhà. Với quan niệm xưa, Tết trong nhà phải đủ đầy nên dù không dư giả tiền bạc nhưng mẹ vẫn cố gắng mua sắm đầy đủ và lo tròn nghĩa vụ chăm lo Tết cho anh em họ hàng. Trong Tết cái gì cũng thừa, ăn không hết phải đổ đi, ra Tết thì túng thiếu. Vì vậy, gần Tết là mẹ lo lắng đến mất ăn mất ngủ chuyện xoay xở tiền bạc để lo Tết.

Các nghi lễ cúng bái trong nhà vẫn giữ nguyên từ thời ông bà cố, mỗi ngày cúng ba lần suốt từ mồng một đến mồng ba. Bởi vậy, hầu như mẹ và chị em tôi chỉ lo nấu cúng, dọn xuống, lại chuẩn bị tiếp cho kịp “cữ” cúng trưa và buổi chiều lại xoay vòng như vậy. Bởi thế, mà đến Tết tôi chẳng biết đến “vui Tết đón Xuân” là gì vì suốt ngày cắm mặt vào chuyện bếp núc.

Cái Tết đầu tiên sau khi lập gia đình tôi cũng khá vất vả vì nhà chồng tôi vẫn giữ nguyên nếp cũ như ở nhà bố mẹ. Sau này, khi có nhà riêng, chồng tôi đề nghị nên đón Tết đơn giản, đừng lãng phí. Bởi vậy, vợ chồng tôi đón Tết “nhàn tênh” mà rất tiết kiệm. Đối với chúng tôi, kỳ nghỉ Tết chỉ như những ngày cuối tuần, có điều kéo dài hơn. Tôi chỉ mua sắm những thứ cần thiết cho việc cúng gia tiên, ít mứt, bánh, rượu, hạt dưa để dọn khách trong những ngày tết.

Trong khi nhà nào cũng đua nhau mua hoa, cây cảnh tết đặt tiền, nhà tôi chỉ có một chậu mai nhỏ do chồng tôi trồng, do biết cách chăm sóc nên cây luôn nở hoa đúng dịp tết rất đẹp. Việc mua sắm quần áo mới cho cả nhà thì tôi vẫn làm đều đặn hàng tháng nên tránh được tình trạng, cuối năm chọn không ra cái phù hợp mà giá cả lại đắt. Những món đồ khô dùng để nhậu, tôi tìm hiểu công thức rồi làm thủng thẳng trước Tết – lúc nguyên liệu chưa tăng giá. Dọn dẹp nhà cửa cũng không phải là gánh nặng vì chúng tôi tranh thủ làm vào những ngày cuối tuần lúc gần Tết. Nhà tôi không có tình trạng cứ gần Tết là mua sắm đồ dùng đắt tiền mà chỉ mua vào lúc phù hợp. Bởi vậy, tôi vẫn thắc mắc, người ta đua nhau mua những vật dụng đắt tiền “đón Tết” để làm gì.

Vào những ngày Tết, chúng tôi cũng có lịch trình sẵn cho việc “du Xuân” phù hợp. Có thể nói, đến khi lấy chồng, tôi mới biết thế nào là không khí xuân khi cùng chồng đi xem pháo hoa vào đêm giao thừa. Ở nhà, chúng tôi đặt sẵn đồ lễ lên bàn thờ sau khi về chỉ cần thắp hương vì chỉ cúng chay nên khá đơn giản. Còn nhớ, lúc chưa cưới, có năm vì lo mâm cúng giao thừa mà đến giao thừa tôi còn chưa kịp tắm rửa.

Vì đã có sự thống nhất nên vợ chồng tôi ít khi cãi vả về chuyện ăn Tết nhà nào. Mồng một, chúng tôi về nhà nội chúc Tết, mồng hai sang nhà ngoại, mồng ba và mồng bốn ở nhà tiếp khách và đi thăm nhà bạn bè, người quen, mồng năm nghỉ ngơi dọn dẹp để mồng sáu đi làm. Năm nào, kỳ nghỉ Tết kéo dài, chúng tôi còn dành vài ngày cuối để đến thư giãn ở một địa điểm du lịch không quá xa. Với cách đón Tết khá đơn giản, đối  với tôi, những ngày Tết không còn là gánh nặng mà thật sự rất vui và thoải mái.

Do điều kiện cuộc sống nên tôi có thể lựa chọn cách đón Tết như vậy cùng sự đồng thuận của chồng. Nhưng tôi nghĩ, bất cứ ai cũng có thể “chọn” một cách đón Tết phù hợp nếu thực sự thay đổi cách nghĩ. Và quan trọng đừng quá “nâng cao quan điểm” Tết thì phải thế này, phải thế kia. Hãy nên xem Tết như một dịp để nghỉ ngơi, thắt chặt tình thân, nhìn lại một năm cũ và khởi đầu cho những kế hoạch mới. Và quan trọng hơn, cần thay đổi những gì đã cũ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại để mọi người đều cảm thấy thật sự là “vui như Tết”.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI