PNO - Mai này, khi đại dịch COVID-19 đã là quá khứ, chắc chắn chúng ta sẽ mãi nhớ từng sát cánh bên nhau, siết chặt tay nhau thế nào, và lực lượng tuyến đầu đã chiến đấu khốc liệt ra sao…
Dãy phòng cấp cứu cho bệnh nhân nặng của Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 12 những ngày cuối năm vắng lặng. Phủ trên các ô cửa kính là lớp bụi mỏng. Ngoài bãi đậu, chiếc xe cứu thương mang dáng vẻ “thất nghiệp”. Hơn một tháng qua, tiếng còi báo nơi đây không còn vang lên. Tất cả như chưa từng có trận chiến sinh tử nào diễn ra.
Vực dậy người, vực dậy mình
Cho đến ngày xuất viện, điều dưỡng Nguyễn Duy Sơn (công tác tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cũng không biết mình bị lây từ khâu nào. Là một trong những nhân viên y tế đầu tiên viết đơn tình nguyện đi chống dịch, có mặt ở Bệnh viện Dã chiến số 12 ngay khi Bệnh viện Da liễu vừa tiếp nhận bệnh nhân, anh hết đi tiêm vắc-xin, lấy mẫu xét nghiệm lại làm công tác chăm sóc bệnh nhân, vào Khoa Cấp cứu… Chuyện gì đến cũng đến, anh trở thành F0.
F0 xuất viện được tặng quần áo, dép mới trước khi các chuyến xe miễn phí đưa về tận nhà |
Cầm tờ giấy xét nghiệm với kết quả dương tính, anh xin được… ăn ngủ cùng bệnh nhân khác để tiện chăm sóc, cấp cứu ca trở nặng. Ngày thứ chín mắc bệnh, anh suy hô hấp, thở ô-xy. “Như có một tảng đá lớn đè trên ngực, dù cố gắng đến mấy cũng rất khó để thở. Mình vẫn tỉnh táo, nhận diện được mọi điều xung quanh, chỉ không có cách nào để thở”, anh Sơn nhớ lại.
Cũng chính lúc này, mẹ và em gái anh được chuyển đến. Sau hơn bốn tháng chống dịch, chưa một lần về nhà, anh không ngờ lại đoàn tụ mẹ và em trong tình huống này. “Tôi giấu cả nhà mình là F0, nhưng khi thấy tôi không mặc đồ bảo hộ khi ra thăm, mẹ tôi liền biết. Bà ôm tôi, khóc rất nhiều”, anh kể.
Anh rơi vào trận suy kiệt sau đó. Các đồng nghiệp của anh lao vào cấp cứu, đưa hơi thở anh trở lại. Có thể vì bên kia cánh cửa là mẹ anh đang chờ, cộng với bình ô-xy cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, nên bốn ngày sau, anh qua nguy kịch, phục hồi. Thêm vài ngày, mẹ và em gái anh có kết quả âm tính. “Đó là món quà lớn nhất trong cuộc đời tôi”, anh mỉm cười.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch bệnh |
Trở về khi Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 2 dần hết F0, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cũng quay về với các thao tác hằng ngày của mình trước đó: khám cho bệnh nhi, dặn dò mẹ của bé cách chăm sóc, theo dõi bé… Nhịp sống bình thường đã quay trở lại, nhưng chị chưa bao giờ quên được sự khốc liệt của cuộc chiến mà chị vừa dự phần. Đó không chỉ là lúc số lượng F0 cứ tăng lên mỗi ngày (có lúc Bệnh viện Dã chiến số 2 điều trị đến 2.500 F0) mà còn là lúc các nhân viên y tế lần lượt dương tính, lực lượng vốn đã mỏng giờ gần như bị xé rách.
Là nhân viên ngành y, chị thừa biết các tình huống có thể mang đến nguy cơ lây nhiễm cho chính mình. Thế nhưng, chị cũng là một người phụ nữ. Lần đó, không thể kiềm lòng trước mất mát quá lớn của một bé gái, chị ôm bé vỗ về, bé giãy giụa trong nỗi đau đớn, và chị thành F0! Đang trên đường đi tiếp nhận bệnh nhân, chị nhận cuộc gọi đến: “Linh ơi, Linh dương tính rồi!”. Giấu người nhà, thay vì phải di chuyển đến khu điều trị, kết thúc sớm công tác, chị quyết định kéo vali vào khu cách ly. Chị muốn tiếp tục là người điều trị. “Chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng cô đơn và lạnh lắm. Khi đó, tôi hiểu được vì sao bệnh nhân của mình sợ hãi, lo lắng, giận dữ… đến thế. Dù phía sau cánh cửa là đồng đội, tôi vẫn có một nỗi sợ vô hình trên đoạn đường ấy”, bác sĩ Phương Linh chia sẻ.
Bệnh nhi khỏe lại, bác sĩ có thêm một bông hoa mùa xuân |
Bên trong phòng cách ly, chị vừa tự chăm sóc mình vừa liên tục hỗ trợ đồng nghiệp phía ngoài. Chị tư vấn cho các F0 đang điều trị tại nhà, quay clip hướng dẫn, chia sẻ thông tin dịch bệnh trong nhiều cơn ho và những trận sốt. Một lần, nghe giọng của chị khác thường, các đồng nghiệp buộc chị phải quay clip đo nồng độ ô-xy gửi ra. Chỉ số xuống thấp, mọi người ngay lập tức chuẩn bị thuốc truyền, bình ô-xy… nhưng bác sĩ Phương Linh từ chối: “Em ổn mà, chỉ cần nằm sấp là thở được rồi, để dành ô-xy cho bệnh nhân”.
May mắn, chị ổn thật, hơn 10 ngày vật vã, chị âm tính, trở lại với công việc. Bệnh viện dã chiến tạm ổn, chị được rút về Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược, tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhi có người thân là F0.
Khác với bác sĩ Phương Linh, bác sĩ Diệu Vy - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương - chỉ có ba ngày để “ra trận” sau khi nhận lệnh điều động. Trong ba ngày đó, chị vừa phải chuyển bệnh nhân mắc bệnh thông thường đến nơi khác điều trị, vừa ngổn ngang với suy nghĩ mẹ già chưa biết nhờ ai chăm sóc. “Thấy tôi khó xử, mẹ nói, con ở nhà thì chỉ chăm sóc cho mẹ, nhưng con là bác sĩ, nếu con đi sẽ cứu được nhiều người. Tôi gọi điện thoại nhờ người bà con đến ở cùng mẹ, rồi soạn đồ đi”, bác sĩ Vy kể.
Hậu phương gửi các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch những phần cơm chan chứa yêu thương và biết ơn |
Hơn một tháng giằng co với thần chết để giành lại từng bệnh nhân, trong một lần vội vã tìm sự sống cho cụ ông F0 đột nhiên suy hô hấp, ngưng tim, khi cụ có sinh hiệu trở lại cũng là lúc bác sĩ Vy phát hiện đồ bảo hộ của mình chẳng may bị hở. Vài ngày sau, tan ca trực, chị cảm thấy đôi chân lạnh run, yếu đi. Tối đó, kết quả test dương tính, rồi các triệu chứng rầm rộ ùa đến. Chị nhập viện, phải thở máy.
Đã có lúc tưởng chừng phải đầu hàng, bác sĩ Vy từng viết lại đôi dòng cho người thân, chuẩn bị tình huống xấu nhất cho mình, nhưng hình ảnh của mẹ luôn thôi thúc chị phải chiến đấu. “Nằm trên giường bệnh, tôi thật sự không cam tâm. Tôi đã để mẹ ở nhà một mình, bệnh nhân chưa qua nguy hiểm, đồng nghiệp thì đang gồng gánh phần việc của tôi. Tôi bắt buộc mình phải thở, cố gắng thở…”, nữ bác sĩ nhớ lại cái ngày chỉ có sống hoặc chết, không kịp có “giá như”.
Ngày ấy, họ có sợ hãi, nhưng trên nỗi sợ hãi đó là âm thanh thôi thúc tự bên trong, nhắc họ phải vực dậy, vì ngoài kia bệnh nhân đang cần mình…
Và chúng ta đã siết tay nhau…
Cuộc chiến vừa đi qua nào chỉ khốc liệt với lực lượng tuyến đầu. Suốt mấy tháng trời ròng rã, số đêm chợp mắt đủ giấc chỉ đếm trên đầu ngón tay của thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nơi hậu phương vững chắc cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Bất cứ điều gì tiền tuyến cần, anh cùng hơn 30 nhân viên của mình đều cố gắng đáp ứng. “Từng bữa ăn, nước uống cho nhân viên; dinh dưỡng, sữa, tã, quần áo, xe đưa rước… cho bệnh nhân, chúng tôi bằng mọi giá phải có”, anh nói. Chữ “mọi giá” đó là sức khỏe, là những ngày nhịn đói, những lần lao ra đường tìm kiếm, kết nối dù đang là buổi đêm…
Trong hơn 30 người đó, lần lượt xuất hiện F0. Thế nhưng, không ai nghĩ cho mình, tất cả đều tình nguyện ở lại phục vụ bệnh nhân, làm hàng ngàn công việc không tên khác. Người không mắc bệnh lại gồng sức gấp đôi, vì hơn ai hết họ hiểu, nếu hậu phương không vững, tuyến đầu sẽ lung lay.
“Chúng tôi may mắn và biết ơn hàng trăm ân nhân, nhà tài trợ đã luôn bên cạnh, nhất là thời điểm giãn cách xã hội. Dịch bệnh cho chúng tôi hiểu sâu sắc triết lý nhân sinh, rằng không phải cứ có tiền là được. Những ngày đó, may mà có sự đồng lòng, đoàn kết của mọi người. Có nơi mọi người tình nguyện thổi lửa nấu cơm, có nơi gom góp nhu yếu phẩm, có chỗ hỗ trợ xe, may đồ cho người bệnh… Chúng tôi chỉ là người đan kết, gom lại từng ngọn lửa ấm áp ấy”, anh Hiển xúc động chia sẻ.
Những ngày này, anh Hiển “rút quân” dần để tiếp tục thổi lửa cho “bếp ăn yêu thương” tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kịp mang đến đĩa cơm ngon, tô canh nóng cho người bệnh. Sau bếp ăn này, anh lại dồn tâm huyết để lo nơi ở cho bệnh nhân cùng thân nhân người bệnh.
Kéo tấm rèm cửa sổ, thạc sĩ Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhìn ra hàng cây thay lá mới, ngắm những chồi non. Anh suy tư sau ngụm trà: “Ngớt bệnh nhân rồi, tôi và mọi người đang lập danh sách trẻ em, người lớn tuổi neo đơn tại địa phương sau trận dịch COVID-19. Chúng tôi sẽ đến nhà thăm khám cho mọi người, cũng như chia sẻ phần nào mất mát với các em nhỏ”.
Anh nói, cuộc chiến vẫn còn dài, không chỉ với nhân viên y tế mà với bất kỳ ai. Ngày mai, chúng ta lại tiếp tục siết tay nhau, tạo nên sức mạnh vững chắc trước những khó khăn. “Thật trân quý anh em đồng nghiệp đã chiến đấu đầy quyết tâm, nể trọng bệnh nhân không từ bỏ và biết ơn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay để phòng Công tác xã hội trở thành hậu phương vững chắc cho năm bệnh viện, khu cách ly trên địa bàn”.
Anh Châu mở sổ tay, dịch đang được kiểm soát, anh có nhiều thời gian hơn để đi tìm người thân cho các bệnh nhân tạm thời không biết mình là ai. Anh gọi điện thoại cho những người quen mà người bệnh nhớ… mài mại, hy vọng sớm tìm được gia đình cho họ, để tết này, ai cũng được về nhà sum vầy.
Phạm An
Chia sẻ bài viết: |
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính toàn quốc gia có 9,3 triệu ca nhiễm cúm...
Các thành phần trong cà phê nấm - món thức uống đang gây sốt - được cho là mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe.
Kombucha là một trong những sản phẩm sức khỏe đang rất được ưa chuộng, vậy thực sự nó có tác dụng gì với sức khỏe?
Ngày 18/1, GS.TS.BS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - đã đến thăm, chúc tết y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Sau cơn đau đầu dữ dội, đột ngột, bé 15 tuổi nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu...
Ngày 17/1, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhi từ người cho chết não.
Phương pháp phẫu thuật lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) cho bệnh nhân bị ung thư phổi với vết mổ chỉ 2cm, hạn chế tối đa xâm lấn.
Ăn chất xơ trong rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, chúng ta có thể cung cấp nguyên liệu thô cho vi khuẩn đường ruột sản xuất a xít béo chuỗi ngắn.
Chiều 16/1, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hội đồng Úc về Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe - ACHSI...
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn bị về việc tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp tết Ất Tỵ 2025.
Tết Nguyên đán đã rất gần, ai cũng muốn trở về với gia đình để đón mùa xuân ấm áp. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân phải ở lại TPHCM để điều trị.
Sau khi chơi vật tay với bạn, nam thanh niên 24 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng biến dạng cánh tay do gãy xương.
Vài ngày sau khi xuất hiện, nốt mụn đỏ chuyển màu đen, lan rộng và gây hoại tử ngực.
Sáng nay, đường hoa xuân tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM khai mạc, mang tới không khí mùa xuân vui tươi, ấm áp cho các y, bác sĩ và bệnh nhân.
Tại triển lãm CES® 2025 - triển lãm điện tử tiêu dùng lớn hàng đầu thế giới - Tập đoàn L'Oréal đã ra mắt L’Oréal Cell BioPrint...
Cần lưu ý việc thay đổi tư thế đột ngột khi lau chùi, di chuyển đồ đạc, cúi quá lâu làm huyết áp tăng vọt, gây chóng mặt, thậm chí té ngã.
Tết luôn là dịp đoàn viên, mỗi người trở về với tình thân gia đình, giá trị thiêng liêng nhất trong cuộc sống...
Nhằm gắn kết tình thân, từ ngày 13/1 - 3/2/2025, FPT Long Châu đồng hành mang những phần quà ý nghĩa từ “combo hiếu thảo” trao gửi đến cha mẹ, ông bà...