Để tân binh yên tâm lên đường nhập ngũ

14/02/2025 - 06:20

PNO - Ngày 13/2, lễ giao nhận quân năm 2025 đã diễn ra trên toàn quốc. Tại TPHCM, để tân binh yên tâm, tự tin lên đường thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước, những ngày qua, các cấp Hội LHPN TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm động viên tân binh và gia đình.

Giúp gia đình tân binh vơi đi gánh nặng

Đưa tay phủi những bụi tóc trên gương mặt cháu trai là tân binh Nguyễn Tấn Sang, bà Bùi Thị Hằng - 66 tuổi, ngụ phường 1, quận 4 - buột miệng: “Cháu ngoại tui nhìn gọn gàng, đẹp trai quá!”. Rồi bà đưa bộ quân phục đang ôm trong tay giục cháu tắm rửa thay quần áo mới.

Nghỉ chợ 2 ngày, bà Hằng thấy lòng như lửa đốt. Nhưng ở hội trại ai cũng có mẹ có cha, có người thân đi cùng, còn cháu bà từ nhỏ đã thiệt thòi, nên bà đành bấm bụng. Cha mẹ chia tay nên Sang được bà Hằng nuôi nấng từ bé. Cảm thấy sự có mặt của mình chưa đủ khỏa lấp nỗi thiếu hụt của cháu nên trước ngày tập trung bà gọi điện báo tin cho bên nội. Từ Thanh Hóa, bà nội lặn lội đón xe vào để tiễn cháu lên đường. Nhìn cháu có nội, có ngoại bên cạnh, bà Hằng luôn miệng cười, nhưng đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước.

Tân binh Nguyễn Tấn Sang xúc động khi có bà ngoại (bìa phải) và bà nội (bìa trái) trong hội trại tòng quân - ẢNH: THU LÊ
Tân binh Nguyễn Tấn Sang xúc động khi có bà ngoại (bìa phải) và bà nội (bìa trái) trong hội trại tòng quân - ẢNH: THU LÊ

Hiện tại, hộ bà Hằng thuộc diện cận nghèo, bà bán cá, bán bông ở chợ để lo cho 3 đứa cháu là Sang và 2 đứa khác mới 6 tuổi và 12 tuổi. Căn nhà tạm bợ của bà nằm nửa trên nửa dưới bờ kênh Tẻ, lúc nào nước cũng ngấp nghé.

Biết rõ hoàn cảnh khó khăn của bà Hằng và cũng để Sang yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước, tháng 12/2024 vừa qua, Hội LHPN phường 1, quận 4 đã giới thiệu bà vay ngân hàng chính sách 100 triệu đồng nhằm sửa sang nhà cửa và có thêm vốn buôn bán, làm ăn. Vay được số tiền lớn, bà Hằng nâng sàn nhà lên cao, lợp mái mới và bao vách mới để chỗ tránh mưa tránh nắng được tươm tất, cháu yên tâm. Số tiền còn lại, bà lấy thêm hàng cho bữa chợ thêm xôm tụ, kiếm thêm vài đồng.

18 tuổi mới xa bà ngoại lần đầu tiên, trăn trở lớn nhất của cậu tân binh trẻ là “thương bà ngoại vẫn còn quá nhiều cơ cực ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi”. Đêm nằm, thằng cháu cứ thủ thỉ: “Con đi mà lo cho ngoại quá. Con sợ ở nhà ngoại buồn rồi bệnh đau không có ai”. Bà Hằng xua tay bảo cháu cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ, ở nhà bà “cân” được hết. Sự lạc quan của bà ngoại giúp Sang tạm an lòng.

“Một tay nuôi cháu từ nhỏ nên nó đi tui cũng buồn lắm chứ. Nhưng để cháu thấy mình buồn thì sao nó đi cho yên được, nên tui phải vui để động viên cháu. Nó là đứa cháu hiền, ngoan. Mong rằng sau 2 năm rèn luyện, môi trường quân đội sẽ giúp nó trưởng thành. Chừng nó về, tui nhờ địa phương hỗ trợ nó học cái nghề để nuôi sống bản thân” - bà Hằng bộc bạch.

Trước ngày con trai Phạm Minh Chí - 19 tuổi - lên đường nhập ngũ, chị Nguyễn Thị Anh Thư - 44 tuổi, phường 10, quận Tân Bình - vội dọn dẹp quán bún, quay về chuẩn bị tư trang, vật dụng cần thiết cho con. Nghĩ về những tháng ngày không có con bên cạnh, trái tim chị Thư lại đau nhói. Chị lén vào một góc nhà để khóc mà không dám cho con thấy, sợ con nặng lòng.

Tân binh lựa chọn những món quà lưu niệm tại gian hàng quà lưu niệm do Hội LHPN quận Bình Tân tổ chức - ẢNH: MẪN NHI
Tân binh lựa chọn những món quà lưu niệm tại gian hàng quà lưu niệm do Hội LHPN quận Bình Tân tổ chức - ẢNH: MẪN NHI

Năm 2021, chồng mất, một mình chị Thư phải gánh vác mọi việc để nuôi 2 con tuổi ăn học. Mỗi ngày, ngoài việc chạy xe giao hàng, thời gian rảnh, Chí ra quán giúp mẹ bưng bê, rửa bát, rồi đưa đón em đi học. Chí tâm sự: “Khi nhận giấy báo nhập ngũ, em rất lo, vì chưa bao giờ xa mẹ. Em gái còn nhỏ nên em sợ mẹ vất vả. Mẹ cũng thường xuyên đau ốm”.

Để Chí yên tâm, Hội LHPN phường 10 đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình em hằng tháng 10kg gạo trong 2 năm, cho đến khi Chí hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, hội còn thường xuyên lui tới chăm lo cho mẹ và em của Chí, kịp thời hỗ trợ khi gia đình khó khăn. Lời hứa đó giúp Chí vững tâm. Em cho biết sẽ tập trung rèn luyện, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên - Chủ tịch Hội LHPN phường 10, quận Tân Bình - chia sẻ, trong 39 thanh niên nhập ngũ của phường, hoàn cảnh của Chí đặc biệt khó khăn. Để động viên Chí cũng như các tân binh yên tâm lên đường, hội đã triển khai mô hình “Hũ gạo hậu phương” nhằm hỗ trợ về vật chất và thể hiện sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng.

Hoạt động này được duy trì suốt nhiều năm qua, nhằm hỗ trợ những gia đình có con em lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số và những hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều hoạt động chăm lo cho tân binh

Thực hiện tốt công tác hậu cần, hội LHPN các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tổ chức nhiều hoạt động tại hội trại tòng quân để chăm lo và hỗ trợ tân binh. Ngoài việc thăm hỏi, động viên, chăm lo bữa ăn tại hội trại, hội phụ nữ còn tổ chức các gian hàng tặng quà lưu niệm, cắt tóc, chỉnh trang y phục cho tân binh...

Chiều 12/2, khuôn viên Trường đại học Bách khoa (quận 10) tràn ngập không khí phấn khởi của ngày hội tòng quân. Tại gian hàng chỉnh sửa quân trang, chị Nguyễn Thị Mộng Đẹp - hội viên Hội LHPN quận 10 - cặm cụi khâu lại những chiếc nút áo, lên lai từng chiếc quần sao cho vừa vặn với từng chiến sĩ.

Với sự tận tâm, nhiệt tình, vui vẻ của chị Đẹp, gian hàng trở thành điểm dừng chân để hoàn thiện trang phục và cảm nhận sự ấm áp từ hậu phương của các chiến sĩ trẻ. Dù luôn tay luôn chân nhưng chị Đẹp vẫn cười vui. Chị khoe: “Từ chiều đến giờ, tôi đã sửa hơn chục chiếc quần. Giúp các em có bộ quân phục gọn gàng, chỉn chu trước ngày nhập ngũ thì mệt chút cũng không sao, ngồi đến tối cũng được”.

Nhìn bộ quân phục vừa vặn trên người, tân binh Hồ Minh Phúc không giấu nổi niềm vui: “Sáng nay em mới nhận bộ quân phục, chưa kịp tìm chỗ sửa thì có chị Đẹp giúp đỡ. Trong bộ quân phục chỉn chu, em thấy tự tin hơn, như được tiếp thêm động lực cho hành trình phía trước”.

Chị Đẹp đã nhờ các bạn dân quân đưa chiếc máy may từ nhà đến hội trại. Đây là năm thứ hai chị tham gia hoạt động này. Với chị, các tân binh như con, như cháu trong nhà, chị muốn góp chút công sức xem như để động viên các bạn.

Tại quận 4, ngoài việc hỗ trợ trang phục, tổ chức cắt tóc, may sửa quân phục cho tân binh, Hội LHPN quận còn tổ chức hội thi “Bữa cơm gia đình và chiến sĩ”. 11 mâm cơm do các thành viên gia đình và chiến sĩ đại diện 11 đơn vị thực hiện đã mang đến cho 137 tân binh một bữa ăn thật nhiều kỷ niệm trước lúc lên đường. Bà Đỗ Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN quận 4 - chia sẻ, qua bữa cơm, hội muốn các chiến sĩ cảm nhận được những tình cảm, niềm tin từ hậu phương để luôn nhắc nhở mình rèn luyện tốt.

TPHCM dành 27 tỉ đồng hỗ trợ tân binh

Theo Bộ Tư lệnh TPHCM, năm 2025 thành phố tổ chức lễ giao nhận quân cho 4.987 công dân, trong đó có 4.000 chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự và 987 chỉ tiêu nghĩa vụ công an. TPHCM là địa phương có chỉ tiêu giao quân cao nhất cả nước.

Tổng số lệnh gọi công dân nhập ngũ đã trao là 4.197 với 4.003 công dân được trao lệnh chính thức (4.000 nam, 3 nữ), 194 dự phòng. Điểm nổi bật của đợt tuyển quân năm nay là có 2.049 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ (chiếm 51,19% so với chỉ tiêu).

TPHCM đã dành 27 tỉ đồng để chăm lo chế độ chính sách cho thanh niên nhập ngũ cũng như hỗ trợ các gia đình khó khăn có công dân nhập ngũ.

Thu Lê - Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI