Luật pháp quy định, khi ly hôn vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa chia, về nguyên tắc là chia đôi cho vợ và chồng (có tính đến một số yếu tố).
Thực tế, chẳng bà vợ nào cam lòng chia đôi vì cho là ông chồng không xứng đáng nhận được quá nhiều như thế. Nếu chồng ngoại tình thì càng không thể để đôi “gian phu dâm phụ” ấy hả hê hưởng thụ phân nửa khối tài sản do vợ chồng khổ công tạo lập sau bao năm chung sống. Kịch bản chung trước thềm ly hôn thường là: chồng cố tình gây căng thẳng, bạo hành để vợ chịu không nổi mà sớm ký đơn, trong khi vợ tìm mọi cách ép chồng “để tài sản lại cho con”.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Thà mang "tiếng ác"
Dù theo pháp luật, khi vợ chồng ly hôn, con cái không được chia phần tài sản nhưng lợi dụng thời điểm chồng nôn nóng giải quyết dứt điểm cho nhanh chóng, các bà vợ thường “thả kèo”: “Anh muốn đi thì cứ đi, tôi sẵn sàng chấp nhận, miễn anh làm giấy tờ để lại nhà cho con” hay “Nếu anh thỏa thuận tài sản chung chia đều bốn phần: anh, tôi và hai con thì tôi sẽ ký đơn ngay!”…
Phép tính của các bà vợ cốt để “ba nó” ra đi tay trắng hoặc mang đi được một phần nhỏ - một phần ba, một phần tư thay vì phân nửa khối tài sản như luật định. Nếu được như thế, không chỉ các bà vợ hạn chế được thất thoát tài sản mà còn biết đâu với “vốn điều lệ” bèo như thế, kẻ thứ ba sẽ thất vọng, mất đi động lực lôi kéo chồng mình, biết đâu ông chồng sẽ chán ngán tình đời, thức tỉnh quay đầu!
Các bà vợ đoan chắc mình sẽ giành được quyền trực tiếp nuôi con vì các con thường không chọn theo người cha lầm lỗi, người cha ham bờ bến mới cũng chẳng thiết tha gì tình phụ tử. Vì thế, phần chia cho con vẫn nằm trong tay mẹ.
Suốt hai năm trời chồng chị Kim Yến (39 tuổi, bán trái cây ở Q.5, TP.HCM) đi sớm về khuya, tiền bạc khuất tất nhưng dù đã bắt tại trận chồng ngoại tình, anh đòi ly hôn, chị vẫn không chấp nhận. Chị viện lý do con còn quá nhỏ, đâu thể nói bỏ là bỏ. Nói là vậy nhưng người nhà hiểu rõ ý đồ phía sau việc “con còn quá nhỏ” của chị là chị định đợi hai năm nữa, con gái đủ 18 tuổi, sẽ thuyết phục anh sang tên nhà cho con rồi mới chấp thuận ly hôn.
Sợ chồng không đồng ý, nên trước mắt chị cứ lờ tịt chuyện chia tay, chia tài sản. Qua tư vấn, biết con dưới 18 tuổi vẫn có thể đứng tên sở hữu nhà, chị khéo léo đề nghị vợ chồng để lại căn nhà cho con. Anh vừa nghe đã nhảy dựng: “Để nhà lại cho con thì tui ở đâu? Cái nhà này chủ yếu là do tui tạo dựng, đáng lẽ tui phải hưởng trọn”.
Chị đốp chát: “Của chồng công vợ, anh hưởng trọn mà được à? Anh là người phản bội vợ con, nếu để tòa chia tài sản, tòa sẽ trừ nặng vì phần lỗi đó. Lại còn án phí cao ngất. Anh đáng mặt đàn ông thì để nhà lại cho con. Tui với anh cùng mất để cho con được, đâu chỉ mình anh hy sinh”. Hai bên mặc cả dằng dai, cuối cùng chồng chị đành chịu thua vì muốn ly hôn gấp để cưới “chạy bầu” cho cô nhân tình.
Ngày vợ chồng ra công chứng để nhà cho con, rồi anh cuống cuồng chạy đến tòa nộp đơn ly hôn, chị Yến lắc đầu, trào nước mắt nói với cô bạn đi cùng: “Ba nó mê muội đến thế thì nếu chia đôi tài sản, chắc gì ông ấy giữ được để sau này cho con hưởng. Đến tiền cấp dưỡng nuôi con tôi còn chẳng mong, mà nếu có, cũng chỉ đến 18 tuổi. Chặng đường đại học của con thì sao? Nếu lúc đó tôi không còn sức khỏe để làm việc lo cho con thì con cũng có thể cho thuê nhà lấy tiền đóng học phí. Dù chịu tiếng xấu, tiếng ác, tôi vẫn quyết tâm giành nhà cho con, vì chính tương lai của con”.
Tiên liệu những phát sinh
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: “Việc để lại tài sản cho con về luật pháp là không hề vướng. Dưới 18 tuổi, người con vẫn được đứng tên sở hữu bất động sản, tiền mặt… (có người đại diện hợp pháp).
Tuy nhiên, các cặp vợ chồng nên cân nhắc, bởi không phải cứ cho con đứng tên là có thể giải quyết triệt để vấn đề tài sản, mà trái lại sẽ phát sinh nhiều rắc rối”. Cụ thể, nếu cha/mẹ là đại diện hợp pháp của con âm thầm xúi giục con bán nhà hoặc rút tiền tiết kiệm và chủ động đại diện giao dịch thì sao?
Khi biết chuyện, người kia không thể can thiệp kịp. Khi đó, cam kết để lại tài sản cho con bị bán đứng mà số tiền ấy cũng chưa hẳn đã đáp ứng nhu cầu thực sự của con. Mâu thuẫn ngấm ngầm từ cuộc hôn nhân đổ vỡ càng nặng nề hơn bởi hành động dắt mũi con qua mặt vợ/chồng cũ.