Sự cộng hưởng của niềm tự hào dân tộc
Giữa những bộ phim giải trí mùa tết Giáp Thìn, sự xuất hiện và gây “sốt” phòng vé của phim Đào, phở và piano là một hiện tượng “bất ngờ thú vị”. Theo Box Office Việt Nam - trang web tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu các phòng chiếu bóng toàn quốc - tính đến nay, doanh thu của Đào, phở và piano đã hơn 16 tỉ đồng.
|
Câu hò đất mẹ - vở cải lương về 2 nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Ninh Lộc |
Trong sự thành công về mặt doanh thu của phim, phải kể đến hiệu ứng truyền thông từ khán giả. Khách quan mà nói, Đào, phở và piano thu hút công chúng nhờ vào yếu tố viral (lan truyền nhanh trên mạng xã hội) hơn là chất lượng nghệ thuật. Khán giả vẫn nhìn thấy những điểm yếu của phim như nặng tính minh họa, trang phục chưa chuẩn, kỹ xảo còn lạc hậu… nhưng vẫn đón nhận nồng nhiệt bởi trong sâu xa, họ luôn có niềm tự hào dân tộc, yêu thích cái đẹp.
Khi được những bàn tay “có nghề” đưa lên màn ảnh hay sân khấu, các nhân vật lịch sử, giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam thường để lại cảm xúc mạnh nơi khán giả bởi chất anh hùng ca, chất bi tráng. Đầu năm 2024, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang công diễn vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định. Nhờ được dàn dựng hấp dẫn, tiết tấu nhanh, nghệ sĩ ca diễn tốt, tác phẩm đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Trong các liên hoan, hội diễn sân khấu gần đây, những vở diễn khai thác đề tài lịch sử, cuộc đấu tranh cách mạng đã nhận được đánh giá cao của ban giám khảo và đặc biệt là công chúng, như Tả quân Lê Văn Duyệt, Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, Câu hò đất mẹ, Bão táp một vương triều, Ngày ấy họ đều còn trẻ…
Ở địa hạt văn chương, những năm gần đây, đề tài lịch sử dân tộc được khai thác mạnh với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang. Có thể kể, Thần thuyết của người Chim (Văn Lê), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải) và gần đây nhất là Từ Dụ Thái hậu, Công chúa Đồng Xuân (Trần Thùy Mai), Vũ tịch, Hồ dương, Thiên hạ chi vương (Trường An)…
Ở lĩnh vực ca nhạc, các ca khúc cách mạng (nhạc đỏ) vẫn là một dòng chảy bền bỉ, vẫn được công chúng đón nhận, thể hiện qua hàng chục, hàng trăm clip triệu view trên YouTube, qua việc ngày càng có nhiều ca sĩ thành danh nhờ dòng nhạc này và nhiều ca sĩ ăn khách ở dòng nhạc trẻ cũng chuyển sang hát nhạc đỏ… Chỉ tiếc là, những ca khúc mới của dòng nhạc này khá hiếm hoi, và số ca khúc mới được công chúng yêu thích lại càng quá hiếm.
Nguồn chất liệu và cảm hứng vô tận
|
Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Ánh trăng và người đưa đò thầm lặng vào tháng 11/2023 tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh TPHCM, huyện Củ Chi, TPHCM - Ảnh do ban tổ chức chương trình cung cấp |
Lịch sử có chính sử, dã sử, huyền sử; mỗi nhân vật lịch sử đều có số phận, thân phận, tính cách riêng; mỗi giai đoạn hay sự kiện lịch sử đều có thể được soi chiếu, tái hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để văn nghệ sĩ hiện tại khai thác, dù nhân vật hay giai đoạn ấy đã từng lên phim, vào truyện của các văn nghệ sĩ lớp trước.
Năm 2022, tờ The Washington Post (Mỹ) đã đưa tiểu thuyết The Bronze Drum (Trống đồng, viết về Hai Bà Trưng) của nhà văn Mỹ gốc Việt Phong Nguyễn - sinh năm 1978, giáo sư tại Đại học Missouri - vào danh sách 12 tác phẩm cần đọc để đi hết mùa hè. Mới đây, cuốn sách này đã được Omega+ cho ra mắt độc giả Việt với bản dịch của dịch giả Đăng Thư.
Trước đó, cách đây 7-8 năm, các cây bút trong nước như Dũng Phan, Đặng Hằng cũng tạo được tiếng vang lần lượt qua tác phẩm Sử Việt - 12 khúc tráng ca (12 câu chuyện dựng nước, giữ nước thời phong kiến) và tiểu thuyết Nhân gian nằm nghiêng (viết về Triều Trần). Với Đào, phở và piano mới đây, đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng đã kể câu chuyện kháng chiến theo góc nhìn lãng mạn sử thi.
Đề tài lịch sử luôn có sức hấp dẫn cả với người sáng tác lẫn người thưởng thức tác phẩm. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên mặt bằng chung của đời sống văn học, nghệ thuật, tác phẩm hay về đề tài này hiện nay không nhiều; nhiều tác phẩm được “làm vội” để tham gia liên hoan, kỷ niệm các ngày lễ lớn…
Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà nhận xét: “Những câu chuyện sử được kể trên sân khấu cải lương lâu nay phần lớn là về các sự kiện, nhân vật sử quen thuộc. Còn rất nhiều nhân vật hay, trong những bối cảnh lịch sử nhất định vẫn chưa được các tác giả khai thác”.
Theo ông, để có tác phẩm về đề tài lịch sử hấp dẫn, cần xây dựng được hình tượng nhân vật điển hình, khai thác dữ liệu mới và có góc nhìn mới, phả hơi thở của cuộc sống hiện đại vào tác phẩm. Sự thiếu sáng tạo hay “định hướng tuyên truyền” của tác giả đều làm giảm sức hút của tác phẩm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - chia sẻ: “Theo tôi, để tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử, cuộc đấu tranh cách mạng thu hút, cần đảm bảo 2 yếu tố: tôn trọng lịch sử và cách kể mới mẻ, hấp dẫn. Bộ phim, vở diễn sân khấu thời đại 4.0 phải nhanh, gọn, trực quan sinh động chứ không kể rề rà như lâu nay. Gần đây, tôi thích vở cải lương Câu hò đất mẹ (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang). Hiếm có vở cải lương nào được dàn dựng gọn gàng, súc tích mà vẫn giàu cảm xúc như thế. Kể chuyện ngắn gọn cũng là một cách làm mới, đòi hỏi người sáng tác, dàn dựng phải chọn lọc chi tiết, lát cắt thật đắt cho tác phẩm”.
|
Ca sĩ trẻ Miha (tên thật Mỹ Hảo) trong tiết mục Đất nước lời ru, nằm trong tập 1 của Dấu ấn Việt - chương trình truyền hình ca nhạc truyền thống cách mạng - Ảnh do ban tổ chức chương trình cung cấp |
Theo bà, cần có góc nhìn mới, cách thể hiện mới cho những nhân vật, câu chuyện lịch sử quen thuộc. Những bản rap về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Trần Hưng Đạo… của rapper Mạnh Hakyno được nhiều bạn trẻ yêu thích là nhờ lời gãy gọn, súc tích và lối thể hiện phá cách. Mới đây, bộ phim Đào, phở và piano mang đến sự lãng mạn hiếm thấy cho dòng phim cách mạng. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Đáng tiếc là chất điện ảnh còn thiếu, góc quay vẫn cũ. Còn bộ phim Đất rừng phương Nam trước đó thì ngược lại, có mới ở cách kể chuyện, cảnh quay đẹp nhưng lại thiếu chỉn chu về nội dung, sai lệch một số yếu tố lịch sử, văn hóa.
“Văn học, nghệ thuật Việt Nam có chất liệu tuyệt vời là những sự kiện, nhân vật lịch sử rất hay, tiếc rằng cách kể vẫn còn theo lối mòn, nhàm chán. Để thu hút, trước hết, phải đổi mới trong cách thể hiện. Điều này đòi hỏi người sáng tác lẫn nhà quản lý phải cùng đổi mới tư duy, sáng tạo, cởi mở hơn, thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau hơn” - bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm nói.
Nhóm phóng viên