Đề tài COVID-19: Viết “nóng hổi” hay cần một độ lùi?

12/11/2021 - 08:06

PNO - Hiện thực về dịch COVID-19 đẫm chất liệu, đầy nỗi đau về thân phận con người. Nhưng những người cầm bút sẽ viết gì cho văn chương khi họ đang giữ vai trò là “thư ký của thời đại” mình?

Nhìn lại văn chương thời dịch bệnh

Suốt gần hai năm dịch bệnh, đã có một số tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại được ra đời: Những ngày cách ly (tiểu thuyết, Bùi Quang Thắng), Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (nhật ký y tá, Iris Lê), Mắc kẹt - 122+ ngày mắc kẹt ở Mỹ vì COVID-19 (ghi chép của Phương Thu Thủy), Tình người cách ly (tạp văn, Từ Nguyên Thạch), Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (nhiều tác giả)… Gần nhất là 120 ngày mây thì thầm với gió của nhà văn Nuage Rose - Hồng Vân.

Mảng sách ảnh và sách tranh có Sài Gòn COVID-19 (Trần Thế Phong), Con đã về nhà - I’m Home (Tăng Quang).

Có thể nói, đó là những tựa sách ra mắt kịp thời, “nóng hổi” ngay trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra. Phần lớn là những ghi chép mang tính thời sự về COVID-19 trong và ngoài nước, chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân của các tác giả.

Một số tác phẩm văn chương đã ra mắt trong thời gian dịch bệnh
Một số tác phẩm văn chương đã ra mắt trong thời gian dịch bệnh

Hiện thực trong nhiều câu chuyện là “hiện thực trải nghiệm” mà nếu người viết không thật sự trải qua, có thể họ sẽ không thể viết. Nhưng văn chương đòi hỏi nhiều hơn thế. “Đề tài về COVID-19 không chỉ là dịch bệnh mà còn là đề tài về thân phận con người”, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - gợi mở. Đây cũng chính là điều còn rất thiếu trong nhiều tác phẩm viết về dịch bệnh thời gian qua.

Thời điểm dịch bệnh căng thẳng đỉnh điểm ở Vũ Hán, tác phẩm Nhật ký virus của nhà văn Trung Quốc Phương Phương ngay lập tức làm rúng động thế giới khi tác giả dám nói lên sự thật từ bên trong tâm dịch. “Nhật ký virus ra đời tại thời điểm thế giới chưa thể hiểu hết về dịch bệnh, không biết những gì đang diễn ra ở Vũ Hán, cho nên tác phẩm gây chú ý là đúng. Nhưng sau khi TP.HCM trải qua những ngày căng thẳng với COVID-19, giờ đây đọc lại những trang viết của nhà văn Phương Phương, tôi thấy cũng... bình thường, mọi việc không có gì ghê gớm cả”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn nhận.

Nhật ký virus trở thành một tác phẩm mang tính thời sự ở thời điểm nó ra đời. Những trang viết của người cầm bút viết về những điều mà mọi người quan tâm ngay thời điểm diễn ra sự kiện luôn thu hút người đọc. Qua một độ lùi thời gian, sách về dịch bệnh cũng sẽ trở thành những tác phẩm ghi chép hiện thực, góp phần vào kho tư liệu gìn giữ cho mai sau. Nhưng thẳng thắn nhìn lại những tác phẩm đề tài dịch bệnh đã phát hành, có thể nói là chưa đủ cho một hiện thực đẫm chất liệu.

Nhà văn Trầm Hương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - gọi dịch bệnh lần này là “một cuộc diễn tập lịch sử” của con người trong thế kỷ này, và đặt vấn đề: nhà văn sẽ viết gì? Những số phận bị dồn đuổi, những hy sinh và nỗi đau đến tận cùng, sự tử tế và tình người, đoàn kết và sức mạnh dân tộc… là những trăn trở của nhiều nhà văn khi chia sẻ tại tọa đàm Nhà văn viết gì thời COVID-19? (vừa diễn ra trong khuôn khổ Trại sáng tác Hội Nhà văn TP.HCM tại Tuy Hòa, Phú Yên).

“Văn chương suy cho cùng là thân phận con người" 

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhìn nhận: “COVID-19 là thời sự, cái để lại cho văn chương là thân phận con người”. “Thân phận con người” là giá trị cốt lõi cho tác phẩm văn chương mọi thời đại. Tiểu thuyết là thể loại có đủ sức thể hiện chiều sâu của thân phận và những giá trị soi chiếu thời đại. Nhưng nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, trong dịch bệnh này, tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi nói chung “không theo kịp” việc sáng tác theo đề tài thời sự. Chỉ có thơ là mang tính “xung kích” hơn cả.

Hàng ngàn bài thơ đã được sáng tác và chia sẻ trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức mới đây cũng là một điểm nhấn cho thi ca thời dịch bệnh. Còn các thể loại khác của văn học, nói cho cùng vẫn cần một độ lùi thời gian để nhìn lại, suy ngẫm, và quan trọng là tìm được cách thể hiện. Nếu viết vội, sáng tác có thể là một “sản phẩm nâng cấp văn học từ báo chí” theo góc nhìn của nhà văn - nhà báo Nguyễn Hòa Bình.

“Ở một số buôn làng thuộc tỉnh Phú Yên, khi phát hiện các ca dương tính, lực lượng phòng, chống dịch buộc phải cách ly F0. Sinh hoạt của đồng bào dân tộc lâu nay vốn mang tính cộng đồng, đại gia đình ở cùng nhau trong một nhà mà giờ bị đưa đi cách ly, họ rất sợ hãi. Nhìn những em bé ngơ ngác khi bị tách ra khỏi cộng đồng thân thuộc, tôi đau lòng rơi nước mắt. Rồi trái tim như thắt lại khi nhìn thấy người dân về đến tỉnh nhà, họ bật khóc và nói rằng “con đã về được với đất mẹ, với quê hương”. Thật sự đau xót!” - nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên - chia sẻ.

Đó là một phần rất nhỏ cho cảm nhận khi nhà văn hiện diện ở đó cùng đồng bào. Còn biết bao điều đẹp đẽ và cả đau xót trên dải đất hình chữ S suốt thời gian dịch bệnh mà sự “dấn thân” của nhà văn là điều bất khả. Người cầm bút chỉ có thể viết từ góc nhìn bên ngoài, bằng những “cảm nhận thấm thía nỗi đau đến tận cùng” mà nhà văn Bích Ngân kỳ vọng, đó có thể là những trang viết lay động lòng người.

Tọa đàm Nhà văn viết gì thời COVID-19? trao đổi tâm tư của đoàn nhà văn đến từ TP.HCM và đại diện các nhà văn ở Phú Yên. Qua đó đã cho thấy những góc nhìn mở, biết bao trăn trở về đề tài đang “nóng hổi” này. “Văn chương, suy cho cùng là thân phận con người” - câu nói thể hiện quan điểm chung của nhiều nhà văn một lần nữa được nhắc nhớ người cầm bút khi sáng tác về đề tài dịch bệnh. Trong bi thương và mất mát của con người vì dịch bệnh, nhà văn có thể nhìn thấy được những gì, sẽ viết như thế nào? Viết sách in ngay hay cần một độ lùi thời gian để thấm thía và tìm cách thể hiện đủ chiều sâu và giá trị? Câu trả lời thuộc về lựa chọn và bản lĩnh của mỗi người cầm bút. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI