Ngày càng thưa vắng
Từ cuộc vận động viết bút ký đề tài thương binh, liệt sĩ với chủ đề Đền ơn đáp nghĩa (do Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh, Liệt sĩ tổ chức), một cuộc tọa đàm vừa được tổ chức để tìm kiếm người viết và đặt hàng các nhà văn. Cùng thời gian phát động, sau ba tháng, cuộc thi viết Truyện ngắn hay trên tạp chí Văn nghệ 2022 đã nhận về hàng trăm tác phẩm. Trong khi đó, cuộc vận động viết Đền ơn đáp nghĩa chỉ thu được khoảng 30 bài. Sự chênh lệch số lượng tác phẩm ở hai đề tài, thể loại này một phần cho thấy sự thiếu vắng của lực lượng viết về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là những người viết trẻ.
Ngày 18/3 tới, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII (tên gọi trước đây là Cuộc vận động văn học tuổi 20) chính thức công bố các tác phẩm vào chung khảo. Giải thưởng lần này quy tụ nhiều cây bút trẻ đã nổi tiếng lẫn những gương mặt mới. Nhưng những người viết trẻ chọn những đề tài mang tính đương đại, tỏ bày những uẩn khúc của đời sống và tâm lý con người hiện nay, giải mã những vấn đề của thời đại bằng nghệ thuật và ngôn ngữ. Họ không chọn viết về chiến tranh cách mạng.
|
Các nhà văn sinh ra sau chiến tranh đã viết được những tác phẩm hay về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng vẫn còn rất ít |
Trước đó, từng có Nguyễn Kim Hòa với tác phẩm Cửa sổ phía đông, khai thác đề tài hậu chiến với nỗi ám ảnh về chiến tranh. Xa hơn, có Minh Moon với Hạt hòa bình (giải ba cuộc vận động Văn học Tuổi 20 lần V)… So với số lượng tác phẩm được các tác giả trẻ trình làng mỗi năm, tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng chỉ có thể là ít dấu chấm phá hiếm hoi trên bức tranh tổng thể sinh động và đa chiều của văn chương trẻ.
Đại tá - nhà văn Trần Thế Tuyển nói rằng, viết về đề tài người lính không chỉ có hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà còn có hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, về những liệt sĩ đã hy sinh trong thời bình, những người Mẹ Việt Nam anh hùng, những cựu chiến binh, thương binh và cả thế hệ được sinh ra sau chiến tranh… Với biên độ mở rộng về cả không gian, thời gian như vậy, không có giới hạn cho sáng tác của người cầm bút. “Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm văn chương hay phản ánh những giai đoạn ấy. Tôi cho rằng viết về những người lính, những người anh hùng bất tử cũng là trách nhiệm, là lương tâm của người cầm bút” - nhà văn Trần Thế Tuyển trăn trở.
Một thực tế không thể phủ nhận là ngày càng thưa vắng người trẻ tham gia đề tài chiến tranh cách mạng - ở tất cả các thể loại của văn chương. Phần lớn tác phẩm nổi bật về đề tài này là của những người trong cuộc - những người lính là nhà văn, hoặc cựu chiến binh viết nhật ký, hồi ký chiến trường, kể về đường hành quân hoặc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Không phải đến thời điểm này, nỗi lo “thế hệ kế thừa” mới được các nhà văn đi trước tâm tư bày tỏ. Nhưng sự mong đợi kỳ vọng của thế hệ trước và mạch nguồn cảm hứng sáng tác của thế hệ sau là hai con đường không giao nhau. Nhiều cây bút trẻ có cùng tâm tình rằng, viết về chiến tranh với họ luôn là thách thức, hoặc họ có nhiều đề tài, câu chuyện khác để quan tâm, khai thác.
“Hãy khoan sâu vào vỉa tầng còn khuất lấp”
Trên gò Trao Trảo thuộc ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, có một ngôi miếu thờ hương linh những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vào ngày 5/10/1973. Đêm ấy, bộ đội vượt sông từ Bến Cầu sang gò Trao Trảo thì bị giặc phát hiện. Một cuộc chiến không cân sức diễn ra và rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Sự kiện được nhà thơ Trần Nhã My kể lại bằng bài thơ hay và ám ảnh Chim Trao Trảo bay về: “Không biết các anh ở chốn nào trên bản đồ chữ S/ Tên các anh được viết bằng dấu chấm hỏi/ Những người lính trẻ cùng một ngày giỗ/ không biết ngày sinh/ tay anh ở gốc cây tràm/ chân ruộng lúa/ tâm hồn anh vút mãi trời cao…”. Tác phẩm từng được nhà thơ đọc tại một tọa đàm cũng bàn về việc nhà văn và đề tài chiến tranh cách mạng, cùng hoàn cảnh sáng tác mà chị chia sẻ có thể là một trong những kinh nghiệm quý giá cho người cầm bút. Đó là phải đi thực tế sáng tác.
Điều này cũng được nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nhắc đến tại tọa đàm chủ đề Đền ơn đáp nghĩa. Đại tá - nhà văn Trần Thế Tuyển lưu ý rằng Hội Nhà văn TP.HCM cũng như các nhà xuất bản cần đặt hàng sáng tác, hoặc tổ chức các cuộc vận động, thi viết và trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm hay về đề tài chiến tranh cách mạng. “Nhưng nếu không được đến những di tích lịch sử, những nơi chốn từng diễn ra các trận đánh ác liệt, không đi thực tế, thì bảo đặt hàng các nhà văn cũng khó mà viết được” - nhà văn Bùi Anh Tấn nói.
“Tôi làm công tác xuất bản mấy chục năm nay, đọc nhiều tác phẩm của người trẻ viết về chiến tranh sau thấy vẫn còn suôn sẻ quá. Nếu chỉ nghe một chiều mà viết thì có thể sẽ phiến diện, sẽ làm sai lệch lịch sử. Dấn thân vào khai thác đề tài này đòi hỏi anh phải tìm tòi, đào sâu nguồn tư liệu, hãy khoan thật sâu vào các vỉa tầng còn khuất lấp” - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhìn nhận.
Thực tại đặt người cầm bút trước rất nhiều thử thách trong sáng tạo, khai thác đề tài. Viết về lịch sử, chiến tranh, quá khứ, càng là một thử thách lớn, mà nói theo nhà văn Trầm Hương là “chúng ta không thể viết theo kiểu ăn xổi ở thì, nghe kể rồi viết”. Trong hành trình đó có khi là những chuyến một mình ngược xuôi tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, tự đi thực tế sáng tác… Vẫn còn rất nhiều câu chuyện, đề tài, nhân vật chờ được kể, nhưng cần nhà văn đào sâu tìm tòi, dấn thân, sáng tạo. Ngòi bút của thế hệ sinh ra sau chiến tranh có thể phóng chiếu những góc nhìn của người trẻ, làm mới đề tài được cho là cũ nhưng không phải ai cũng tìm cách bước vào.
Cầm Thi