Để sông Sài Gòn mang lại lợi ích kinh tế, tạo điểm nhấn

25/04/2023 - 05:56

PNO - Thời gian qua, vấn đề quy hoạch để phát triển bền vững sông Sài Gòn và những khu vực xung quanh được chính quyền TPHCM, các chuyên gia và người dân đặc biệt quan tâm. Nhân sự kiện đoàn chuyên gia Pháp vừa có chuyến khảo sát thực địa sông Sài Gòn nhằm giúp thành phố thực hiện vấn đề vừa nêu, các chuyên gia và người dân đã nêu lên nhiều ý kiến tâm huyết.

Phát triển dải đô thị ven sông Sài Gòn

Sau gần 40 năm đô thị hóa nhanh, quỹ đất đẹp của TPHCM đã dần cạn, nhưng dải đất ven sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố dài 80km, về cơ bản vẫn còn trong tình trạng tự nhiên. Nếu biết tổ chức tốt thì dải bờ sông này hoàn toàn trở thành dòng sông lịch sử - văn hóa - di sản và kinh tế, đóng góp vào sự phát triển và tạo hình ảnh của thành phố.

Cùng với việc quy hoạch sông Sài Gòn cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm và bảo tồn nguồn nước - ẢNH: S.V.
Cùng với việc quy hoạch sông Sài Gòn cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm và bảo tồn nguồn nước - Ảnh: S.V.

Sông Sài Gòn thực sự là món quà vô giá mà trời đất tặng cho chúng ta. Sông dài 256km, phần chảy qua địa phận TPHCM là 80km. Điểm đầu của sông Sài Gòn thuộc địa phận thành phố là rừng tự nhiên ở Củ Chi và điểm kết là rừng ngập nước Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới. Nhìn từ trên cao, sông Sài Gòn uốn lượn như một dải lụa mềm, nhiều chỗ bị bẻ cong tạo ra những doi đất lồi như ở Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm. 

Sông Sài Gòn đoạn hạ lưu chảy qua thành phố khá êm đềm. Bờ sông được tạo từ nền đất yếu, nhiều chỗ là đất mượn do phù sa bồi đắp, dễ lún sụt, nhiều mạch nước ngầm, túi nước, túi bùn bên dưới. Vì đặc tính của sông như thế nên khi tổ chức không gian và thiết kế dải đô thị có 4 điều tuyệt đối không được làm là: bê tông hóa bờ sông, phân lô bán nền, giao thông bộ nhanh và xây nhà cao tầng liên tục thành dãy tạo nên bức tường thành vây nhốt người dân sống bên trong, tách biệt với sông. Nếu làm khác đi là hủy diệt dòng sông và giết chết tiềm năng của nó. 

Về tổ chức không gian kiến trúc thì phương án tối ưu là hình thành dải đô thị “xanh - sông nước - sinh thái”. Giao thông chính ở đây là giao thông thủy. Nếu làm trục đường giao thông nhanh từ 6 làn xe kéo dài gần 70km bằng bê tông hay nhựa nóng dành cho các loại xe tải, xe siêu trường siêu trọng thì sẽ dẫn đến lún sụt, việc làm kè cứng suốt tuyến sẽ làm cho thay đổi dòng chảy, gây ra xói mòn. Giao thông thủy sử dụng cano, thuyền, tàu bus, tàu sông, cần thiết có thể có một vài đoạn giao thông bộ nhưng chỉ 2 làn xe là đủ. Như thế dọc sông Sài Gòn sẽ có các âu thuyền, bến dành cho việc lên xuống hành khách và hàng hóa, mỗi bến sẽ trở thành các điểm nút đô thị kết hợp giao thông với kinh doanh, thương mại, du lịch… 

Theo các chuyên gia, TPHCM có thể  hình thành dải đô thị “xanh - sông nước - sinh thái” ven sông Sài Gòn - ẢNH: S.V.
Theo các chuyên gia, TPHCM có thể hình thành dải đô thị “xanh - sông nước - sinh thái” ven sông Sài Gòn - Ảnh: S.V.

Về hình thái xây dựng dải đô thị này không phải là nhà cao tầng, nhà phố hình ống, cửa hàng mặt tiền (shophouse) chạy liền mạch theo trục đường mút tầm mắt từ Tân Cảng đến Củ Chi mà được thiết kế ngắt quãng, xen kẽ giữa nhà dân, công trình công ích (công sở, siêu thị, trường học), công viên, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa. Màu chủ đạo của dải đô thị là màu xanh của cây lá và mặt nước. Dải đô thị này không mỏng như dải đô thị cặp phố thường thấy khắp đất nước mà phải dày hơn, có chiều sâu do kết nối với các vườn cây, làng nghề, làng rau trái, khu dân cư bên trong của Hóc Môn, Củ Chi tạo ra dải đô thị sinh thái và văn hóa.

Sức sống của nó không phải chỉ là “đường phố” sôi động mà còn là sự bình yên của tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), nếu biết làm du lịch văn hóa sông nước, các homestay trong các nhà vườn Nam Bộ gần sông thì sẽ thu hút được khách du lịch nước ngoài. Không gian kiến trúc của nó là thấp bên ngoài mặt sông và cao dần vào bên trong để đón gió sông, tuyệt đối không có nhà cao tầng lừng lững sát sông như khu vực Ba Son, Tân Cảng. Dải đất chạy cặp sông chủ yếu là không gian công cộng để làm công viên sinh thái, vườn hoa, vườn đi dạo, không làm bờ kè cứng, có các quán cà phê, nhà hàng thấp tầng, xây dựng không kiên cố, một số chỗ làm âu thuyền, bến lên xuống của tàu thuyền khách, kết hợp với chợ truyền thống bờ sông. Cần làm mới những điểm thu hút du khách, bởi 80km sông Sài Gòn có nhiều chỗ còn hoang sơ và tự nhiên cho nên phải cấy vào đó những công trình thu hút khách du lịch, chẳng hạn như công viên chuyên đề, bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, vườn tượng, vườn ẩm thực, khu nông nghiệp sinh thái cho khách trải nghiệm cùng nông dân.  

Mặc dù các di sản lịch sử và kiến trúc ở hai bên bờ sông Sài Gòn có khá nhiều nhưng phân bổ không đều và có phần tản mát. Tập trung nhiều nhất là khúc bờ sông thuộc quận 1, một phần quận 4 và Bình Thạnh. Bao gồm bến cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ Thủ Ngữ, trụ sở Hải Quan, khách sạn Riverside, khách sạn Majestic, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, công viên bờ sông, cầu Sài Gòn. Tất cả công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược. Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình miếu, nhà đặc trưng Nam Bộ, và đặc biệt là các làng ghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái, làng đan lát, làng bánh tráng… 

Do vậy, sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa - lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông và kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất thì nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân. Du lịch sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hán (Seoul), sông Mát-xcơ-va mang lại hàng tỉ USD mỗi năm. Hy vọng chúng ta sẽ có “Kỳ tích dòng sông Sài Gòn” vào năm 2040. 

Phải giữ ổn định chất lượng nước sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn là nguồn sống của hàng chục triệu người dân TPHCM. Do đó, khi quy hoạch, nó cần phải giữ được hệ sinh thái vốn có và giữ ổn định chất lượng nguồn nước. Hiện nay, chúng ta đang xử lý ô nhiễm cục bộ ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng cách đẩy ra sông Sài Gòn để pha loãng. Về lâu dài, giải pháp này sẽ làm giảm chất lượng nước sông. Cho nên, nước thải kênh rạch trong nội thành cần phải được xử lý trước khi đẩy ra sông. 

Ngoài ra, TPHCM cũng cần xử lý triệt để các công trình lấn sông giúp tạo mỹ quan, đảm bảo an toàn đường thủy và cải thiện chất lượng nguồn nước sông. Cùng với đó, cần rà soát, xử lý triệt để các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm nước sông Sài Gòn và phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn thực hiện việc này. Tôi tin rằng, chỉ có giữ ổn định chất lượng nước thì sông Sài Gòn mới phát triển bền vững và trở thành điểm nhấn của thành phố.

Giáo sư Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường)

Mong chờ đại lộ ven sông

Nhà tôi ở xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn). Hằng ngày tôi phải vào trung tâm thành phố để dạy học. Kẹt xe, khói bụi khiến tôi ngao ngán. Nhiều năm trước, khi nghe thành phố sẽ làm đại lộ ven sông Sài Gòn dài 64km từ quận 1 đến huyện Củ Chi, tôi rất mừng. Bởi lẽ, khi có đại lộ này, người dân ở Hóc Môn, Củ Chi vào trung tâm thành phố sẽ thuận lợi hơn, đồng thời khu vực dân cư ven sông Sài Gòn cũng sẽ sung túc, hiện đại hơn.

Hiện nay, khu vực ven sông Sài Gòn đất đai vẫn chưa khai thác, giao thông chưa thuận lợi. Nếu có đại lộ ven sông, khoảng 15.000ha đất chạy dọc theo sông sẽ được khai thác hiệu quả. Khi có đường cũng sẽ dễ dàng phát triển các khu đô thị hiện đại ven sông Sài Gòn. Việc làm một đại lộ ven sông cũng sẽ góp phần bảo vệ hành lang bờ sông. 

Ông Nguyễn Đình Vũ (giáo viên)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI