Để sớm chấm dứt bệnh lao

20/04/2024 - 06:27

PNO - Là một trong những căn bệnh cổ xưa nhất của nhân loại nhưng đến nay, lao vẫn khó bị đánh bại cho dù cả thế giới rất quyết tâm và cùng cam kết chấm dứt bệnh này vào năm 2030.

Ở Việt Nam, mỗi năm, bệnh lao cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người, gần gấp đôi số người chết trung bình hằng năm do tai nạn giao thông trong 10 năm qua (7.000 người/năm). Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất toàn cầu.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2023, số người mắc lao tăng 2% so với năm 2022 và tăng 32% so với năm 2021. Tỉ lệ bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo ở nước ta chỉ đạt 60%, nghĩa là còn tới 40% chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Nghĩa là số người mắc bệnh lao chưa được chữa trị còn nhiều và nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng còn cao.

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hệ thống phòng, chống bệnh lao. Sau những tháng ngày căng mình chống chọi đại dịch, gần như toàn bộ ngành y tế thấm mệt khiến mặt trận phòng, chống lao có phần bị lơi lỏng.

Một thách thức lớn khác khiến số ca nhiễm, mắc bệnh lao tăng và nằm ở mức cao chính là nhận thức chưa cao của người dân về căn bệnh này. Không ít người vẫn tự ti, mặc cảm khi nghi ngờ hoặc biết mình mắc bệnh lao bởi cho rằng đây là căn bệnh ghê gớm, nan y. Vì vậy, họ chối bỏ bệnh hoặc buông xuôi khiến bệnh có cơ hội lây lan, len lỏi sâu trong cộng đồng.

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống lao, đặt mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh lao vào năm 2030. Những năm qua, ngành y tế cũng chú trọng khi xây dựng hệ thống phòng, chống lao từ trung ương tới địa phương, áp dụng nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong phòng, trị, từng bước kiểm soát bệnh lao và lao kháng thuốc.

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 167/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó yêu cầu Bộ Y tế dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị tăng cường phòng, chống bệnh lao, đồng thời để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn mới, trong đó huy động sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đoàn thể bên cạnh ngành y tế.

Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ với cách làm hoàn toàn đúng với khuyến nghị của WHO cho mọi quốc gia, đó là “tiếp cận dựa trên cộng đồng”. Tuy nhiên, để đẩy lùi những căn bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, chỉ có quyết tâm của hệ thống chính trị là chưa đủ mà còn phải có những bước đi phù hợp và nhất thiết phải có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn dân.

Về tổng thể, ngành y tế và hệ thống chính quyền cần đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, trang thiết bị để khám tầm soát, phát hiện sớm và kịp thời điều trị dứt điểm các ca mắc lao trong cộng đồng, trong đó tập trung vào những địa phương trọng điểm, có số ca mắc lao cao; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của toàn dân về bệnh lao và cách phòng, chống; tăng cường các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế...

Về phần mình, người dân cần đưa trẻ đi chích ngừa lao, chủ động khám tầm soát lao. Khi có biểu hiện ho, sốt, sụt cân, cần đến bệnh viện khám, điều trị. Người bệnh cần có ý thức phòng ngừa lây nhiễm lao cho người thân, cho cộng đồng; người chăm sóc bệnh nhân cũng cần có ý thức cao về phòng ngừa lây nhiễm.

Mỗi gia đình cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; mỗi cá nhân cần quan tâm tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe, đồng thời hạn chế những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia và tuyệt đối không vướng vào tệ nạn xã hội.

Chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay (24/3) của ngành y tế Việt Nam là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Hy vọng không đợi đến năm 2030, Việt Nam vẫn có thể tự hào tuyên bố với thế giới rằng “Đúng! Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt bệnh lao”.

Tâm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI