Để sầu riêng không “lạc bước” thành sầu chung

28/05/2024 - 06:38

PNO - Sầu riêng đang lên ngôi thành loại trái cây “vua”. Việt Nam cùng với Thái Lan, Indonesia nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới.

Phần lớn sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Trung Quốc
Phần lớn sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Trung Quốc

Diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam lớn nhanh như Phù Đổng, từ 17.600ha năm 2010 lên 71.381ha năm 2020 và hơn 151.000ha năm 2023. Trái sầu riêng Việt đang rộng cửa vào thị trường tỉ dân Trung Quốc và ngày càng có nhiều nước nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, giúp kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này liên tục tăng.

Sầu riêng Việt có lợi thế cạnh tranh trực tiếp với cường quốc xuất khẩu sầu riêng Thái Lan nhờ khoảng cách địa lý gần Trung Quốc hơn, có thể thu hoạch sầu riêng rải vụ trong 9-10 tháng/năm, người tiêu dùng Trung Quốc cũng thích ăn sầu riêng chín mềm chứ không thích kiểu cứng như người Thái.

Phấn khởi trước niềm vui được mùa, được giá, lãi cao, trong vài ba năm qua, nhiều nhà vườn ở nhiều vùng trong nước đã chặt bỏ cam, quýt, ổi, mít và các loài cây ăn trái khác để trồng sầu riêng, bất chấp các khuyến cáo “vui sầu riêng, lo sầu chung” như từng gặp với nhiều nông sản khác.

Đã xuất hiện tình trạng gian lận về mã vùng trồng. Nhiều lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã bị trả lại. Không chỉ thị trường Trung Quốc, trái sầu riêng cũng gặp khó khăn khi tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nếu không có biện pháp kiểm soát, quản lý tốt vùng trồng, khâu vận chuyển, bảo quản thì niềm vui sầu riêng lên ngôi dễ thành sầu chung cho nhà vườn và ngành hàng này.

Những hạn chế, yếu kém về quy mô sản xuất nhỏ, phân tán đã được khắc phục dần nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tiêu chuẩn cao. Không thể khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùn ứ nếu họ vẫn thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản.

Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch thực vật khắt khe, buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ. Tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những yêu cầu rất minh bạch về quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, ngưỡng hóa chất, kháng sinh sử dụng và giám sát rất chặt nguồn gốc vùng trồng. Ngoài ra, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trong nước cũng đặt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Việt Nam đang cần bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng khi lưu thông trên thị trường, trong đó có xuất khẩu. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó. Việc chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương - nhìn từ trái sầu riêng - phải càng nhanh càng tốt.

Hiện nay, quy hoạch vùng trồng đã có, đồng thời có cả đề án về phát triển công nghiệp chế biến, xác định thị trường xuất khẩu… nhưng các phần việc này cần được tích hợp lại. Không chỉ cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, cây giống, biện pháp canh tác… mà rất cần nâng cao chất lượng liên kết, hợp tác giữa nhà vườn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng được liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Phát triển ngành hàng sầu riêng tích hợp đa giá trị sẽ là hướng đi bền vững, đồng thời tăng được năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế đối với loại trái cây này.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI