Để sân khấu TPHCM không nằm ngoài những “cuộc chơi xa”

27/06/2024 - 12:03

PNO - Việc Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 diễn ra ở TP Thái Nguyên không có sự tham gia của những sân khấu đang hoạt động năng nổ tại TPHCM là điều thực sự đáng tiếc.

Diễn ra tại TP Thái Nguyên từ ngày 11 đến 23/6, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên từ 19 đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, biểu diễn 23 vở diễn đa dạng đề tài.

Một điều nghịch lý là làng kịch TPHCM vốn sôi động nhất nước gần như nằm ngoài cuộc chơi. Lần đầu tiên, một hội diễn toàn quốc chỉ có 2 đơn vị dự thi là Sân khấu Trịnh Kim Chi và Công ty giải trí Hero Film mà cả 2 đều không hoạt động thường xuyên.

Sân khấu Trịnh Kim Chi nỗ lực vượt đường xa đưa vở kịch cách mạng Hai người mẹ
Sân khấu Trịnh Kim Chi nỗ lực vượt đường xa đưa vở kịch Hai người mẹđến Thái Nguyên dự liên hoan và đạt huy chương bạc - Ảnh: Sân khấu Trịnh Kim Chi.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Khánh Hồng cũng nỗ lực rất nhiều
Đạo diễn trẻ Nguyễn Khánh Hồng cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa vở kịch thể nghiệm Tiếng thơ vang vọng đất trời đến liên hoan lần này - Ảnh: Vĩnh Thuận.

Trong khi đó, sân khấu kịch TPHCM lại đang “nở nồi” trở lại. Sau mùa diễn tết nhộn nhịp bậc nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây với gần 30 vở diễn từ hơn 10 sân khấu – tăng gấp đôi so với năm trước, sân khấu kịch TPHCM vẫn duy trì được các điểm diễn sáng đèn đó đến nay, gồm: Nhà hát Kịch IDECAF, Nhà hát Thanh Niên, Kịch 5B, Sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Thế giới Trẻ, Trương Hùng Minh, Thiên Đăng, Quốc Thảo, Xóm kịch.

“Trước đây, chỉ có 5 sân khấu, chúng tôi bán hết vé, nay có 10 sân khấu, khán giả vẫn kín rạp. Tôi cho rằng, sân khấu kịch TPHCM đang phát triển ổn định, nhất là khi các nơi đều có hướng đi riêng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả hiện nay” – bà An Thi, quản lý Sân khấu Thế giới Trẻ nhận định.

Tuy nhiên, với chủ yếu các sân khấu xã hội hóa tự thu tự chi thì quá khó để đưa tác phẩm đi xa, nhất là khi chi phí vận chuyển đang tăng cao như hiện nay. Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trịnh Kim Chi cho biết thực sự rất vất vả và tốn kém khi đưa vở Hai người mẹ đến Thái Nguyên dự liên hoan đợt này.

Không dễ để đưa một tác phẩm sân khấu với gần 20 con người đi xa.
Không dễ để đưa một tác phẩm sân khấu với gần 20 con người đi xa.

Cũng vấn đề khó đủ kinh phí đi xa mà Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần đầu tiên tổ chức tại TP Hải Phòng vào tháng 5 vừa qua, cũng chỉ 2 đơn vị TPHCM đến được liên hoan. Các thương hiệu sân khấu thiếu nhi nổi bật của TPHCM đều vắng bóng.

Dĩ nhiên, không thể kỳ liên hoan, hội diễn nào cũng phải tổ chức tại TPHCM nhưng cũng cần giải pháp để sân khấu TPHCM hay bất cứ đơn vị nào cũng không phải nằm ngoài những “cuộc chơi xa”.

NSND Trịnh Kim Chi mong rằng, ban tổ chức sẽ có phần kinh phí hỗ trợ nào đó đối với các đơn vị phải đi đường xa. “Không cần nhiều đâu nhưng cũng thể hiện sự quan tâm, động viên để các đơn vị, nhất là sân khấu xã hội hóa có thêm động lực vượt đường dài. Không tham gia được các dịp hội nghề thực sự là thiệt thòi với sân khấu và nghệ sĩ” – NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên có quy hoạch tầm xa cho các liên hoan, tính toán thời gian và địa điểm ít nhất 2 kỳ liên hoan để các đơn vị chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, kể cả tích góp chi phí đi lại.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 tại Hải Phòng
Sân khấu Sen Việt của đạo diễn Nguyên Đạt đã chuẩn bị hơn 1 năm để có thể đến với Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 tại Hải Phòng.

NSND Trần Ngọc Giàu từng gợi ý việc tổ chức liên hoan theo kiểu “đăng cai World Cup, Euro hay Seagames”. Nghĩa là, kết thúc kỳ liên hoan này là trao quyền đăng cai tiếp theo cho địa phương khác.

Như vậy, trong thời gian giữa 2 kỳ liên hoan, địa phương sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất biểu diễn, dịch vụ để đón tiếp các đoàn và khán giả. Các đơn vị cũng chủ động tính toán kinh phí di chuyển từ sớm, cả quy mô dàn dựng phù hợp cơ sở biểu diễn của địa phương đăng cai.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, cách làm này vừa đảm bảo đưa nghệ thuật đến với công chúng cả nước, vừa sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuẩn bị tốt nhất để đến với các liên hoan chuyên nghiệp.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI