Để rác thải không là gánh nặng môi trường

03/08/2023 - 06:08

PNO - Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rác đang là một gánh nặng của chính quyền, làm giảm chất lượng môi trường sống của người dân.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp phát triển theo chiều rộng đã tạo ra rác thải ngày càng nhiều hơn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các cụm công nghiệp, khu dân cư mọc lên rất nhiều trong khi cơ sở hạ tầng lại thiếu đồng bộ, không có khu xử lý rác thải tập trung. Rác đang là một gánh nặng của chính quyền, làm giảm chất lượng môi trường sống của người dân. 

Nhóm dự án “Vì sông Mekong không rác” phối hợp cùng quận đoàn Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, đã tổ chức ra quân vệ sinh trên chợ nổi Cái Răng
Nhóm dự án “Vì sông Mekong không rác” phối hợp cùng quận đoàn Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, đã tổ chức ra quân vệ sinh trên chợ nổi Cái Răng

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 14.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, tương đương 5 triệu tấn/năm, nhưng chỉ thu gom đạt khoảng 40%. Tỉ lệ rác thải độc hại được thu gom và xử lý đúng quy định còn thấp, ước tính chưa tới 10% lượng bao, gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Toàn vùng cũng chưa có nhà máy xử lý rác thải y tế. 

Một số tỉnh trong vùng đã có nhà máy xử lý rác, nhưng vẫn nảy sinh nhiều vấn đề, như tình trạng thừa rác, tình trạng bãi rác lộ thiên, điểm tập trung rác gây ô nhiễm môi trường, hoặc nhà máy phải ngưng hoạt động do thiếu hệ thống phân loại, thu gom rác, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhưng rác vẫn chồng rác. 

Việc giải quyết các vấn đề môi trường vốn không phụ thuộc vào ranh giới hành chính tỉnh. Nhưng trên thực tế, mỗi tỉnh tự lo kêu gọi, đầu tư cho riêng mình, thiếu sự phối hợp liên tỉnh. Đây là lĩnh vực đầu tư kém hấp dẫn, khó thu hút dự án, trong khi nguồn lực địa phương lại hạn hẹp. Do đó, rác thải vẫn tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách. Ngay cả khi đã có quy hoạch xử lý rác thải theo tiểu vùng thì việc triển khai thực hiện cũng chậm, bộc lộ nhiều bất cập. 

Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định vốn đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách là một nguồn ưu tiên. Phải chăng thời gian qua, các địa phương đã phó thác cho chủ trương xã hội hóa, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân? Thực tiễn cho thấy, không thể thả nổi cho tư nhân đầu tư một lĩnh vực mang tính cấp thiết về môi trường và phát triển bền vững. 

Việc xây dựng các khu xử lý rác thải vùng, liên tỉnh theo quy hoạch cũng cần được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách của cấp trung ương, trên cơ sở hài hòa chi phí và lợi ích giữa các bên, chứ không thể phó mặc cho các địa phương tự lo. Xử lý rác thải, đảm bảo môi trường phải là một trong những nội dung của liên kết vùng, phối hợp liên tỉnh trong thời gian tới.

Việc phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối và các nguồn năng lượng sạch của vùng gắn với sản xuất sạch hơn, cần được lồng ghép vấn đề xử lý rác và bảo vệ môi trường. Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là xanh hóa sản xuất, lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. 

Để giảm áp lực cho vấn đề xử lý rác thải nói riêng và môi trường nói chung, cần lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu, trong đó có yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, cũng như xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng xanh. 

Xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ của ngành xây dựng hay tài nguyên và môi trường mà cần được tiếp cận đa ngành, phối hợp liên ngành, liên tỉnh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã nêu yêu cầu “xây dựng và ban hành Luật Tái chế, coi chất thải trong nước là tài nguyên”. 

Con đường đưa rác thải của vùng đồng bằng sông Cửu Long từ gánh nặng môi trường trở thành tài nguyên của xã hội cần nhiều nỗ lực liên tỉnh, liên vùng, đa ngành và các giải pháp đồng bộ hơn nữa. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI