Để quy định không “gãy gánh giữa đường”

31/07/2024 - 06:08

PNO - Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam, cũng là thủ phạm chính gây ra tình trạng khói bụi và ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn của Việt Nam.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2013, cả nước có 37 triệu xe máy lưu hành thì sau 10 năm, con số này đã tăng lên gần 75 triệu chiếc. Riêng TPHCM có hơn 8,2 triệu xe máy trong tổng số 9,2 triệu phương tiện giao thông.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TPHCM năm 2021, phát thải từ đường bộ là nguồn phát thải giao thông chủ yếu, chiếm khoảng 90%. Nguồn phát thải từ xe máy đóng góp khoảng 75% lượng phát thải bụi mịn PM2.5, cao hơn rất nhiều so với các nguồn còn lại.

Việc kiểm soát khí thải xe máy không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện
Việc kiểm soát khí thải xe máy không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện

Trong khi thế giới đang hướng đến tiêu chuẩn khí thải Euro 6 thì ở Việt Nam, đa số ô tô chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 hoặc Euro 5 (chất lượng khí thải được xử lý khá tốt), còn xe máy chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 hoặc Euro 3 - tiêu chuẩn được thế giới áp dụng từ cách đây 24-28 năm. Quy định kiểm tra định kỳ khí thải của Việt Nam hiện nay chỉ áp dụng với ô tô còn xe máy thì không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù xe đã có tuổi đời hàng chục năm, đã cũ nát, xả khói đen ngòm.

Việc kiểm soát khí thải đối với xe máy là yêu cầu bắt buộc, tất yếu trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng và Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng xuống mức 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26, diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021).

Ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, An toàn giao thông có hiệu lực, trong đó quy định xe máy, mô tô phải kiểm định khí thải định kỳ. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xây dựng một lộ trình đủ dài để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải đạt chuẩn và từng bước thay đổi nhận thức trong đại bộ phận dân chúng.

Cả nước chỉ có khoảng 6 triệu chiếc ô tô nhưng việc đăng kiểm thời gian qua đã cho thấy lắm bất cập, các trạm đăng kiểm thường xuyên quá tải và cũng đã xảy ra tiêu cực trên diện rộng. Với năng lực kiểm định như hiện nay, thật khó kiểm soát khí thải toàn bộ 75 triệu xe máy ngay một lúc. Do đó, trong thời gian đầu, chỉ nên kiểm định khí thải với những xe đã quá cũ, quá “ẹ” bởi đây mới là những phương tiện phát thải lớn nhất.

Để kiểm soát khí thải xe máy một cách khoa học, cần nâng tiêu chuẩn khí thải (ít nhất là theo tiêu chuẩn Euro 4) đối với xe máy sản xuất trong nước và nhập khẩu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng dữ liệu thông tin, phân loại và quy định kiểm định khí thải với xe máy theo thời gian sử dụng, chẳng hạn chỉ kiểm định định kỳ đối với xe từ 5-15 năm, miễn kiểm định đối với xe sử dụng dưới 5 năm; kiên quyết thu hồi, tiêu hủy hoặc xử lý xe sử dụng quá 15 năm và không đạt tiêu chuẩn khí thải, quá cũ.

Song song đó, cần hoàn thiện hạ tầng và nhân sự để việc kiểm định định kỳ diễn ra nhanh chóng, tiện lợi với chi phí hợp lý. Cần tính đến các chính sách hỗ trợ người nghèo đổi xe máy cũ nát sang xe mới, có các chương trình trợ giá để khuyến khích người dân đổi từ xe xăng sang xe điện.

Trong tương lai, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có việc tích hợp biển số xe vào mã định danh sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý phương tiện chặt chẽ, đưa ra các chính sách hiệu quả, khả thi.

Việc kiểm soát khí thải xe máy không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện, từ đó tiết kiệm nhiên liệu, đảm bảo an toàn khi lưu thông. Nhưng nếu không có cách làm bài bản, khoa học, quy định đưa ra sẽ không khả thi và “gãy gánh giữa đường” giống như quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy trước đây.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI