Để phụ huynh yên tâm gửi trẻ vào trường mầm non

08/07/2024 - 06:28

PNO - Từ những năm 1920, Nhật Bản - quốc gia có nền giáo dục tiên tiến - đã thành lập thí điểm loại hình cơ sở giáo dục hoikusho tương tự như nhà trẻ ở nước ta, để cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ cho những gia đình có thu nhập thấp, giúp lao động nữ yên tâm vào nhà máy.

Sau đó, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh, mô hình gia đình nhiều thế hệ chuyển sang mô hình gia đình 2 thế hệ, hoikusho đã được mở rộng khắp nước, phục vụ mọi tầng lớp xã hội. Cuối năm 2023, Chính phủ Nhật Bản quyết định điều chỉnh chính sách xã hội. Theo đó, từ tháng 4/2025, mọi gia đình mới có thể gửi trẻ từ 6-24 tháng tuổi tới nhà trẻ, thay cho chính sách gửi trẻ 6-24 tháng tuổi khi cả cha và mẹ cùng đi làm.

Trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non phường 13, quận 10, TPHCM
Trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non phường 13, quận 10, TPHCM

Ở nước ta, từ năm 2009, ngành giáo dục đã cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Cuối năm 2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định, trường mầm non có nhiệm vụ tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3-6 tháng tuổi. Chính sách này tạo thuận lợi cho các gia đình trong việc chăm sóc con cái với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có TPHCM và TP Đà Nẵng triển khai việc giữ trẻ ít tháng tuổi ở các trường mầm non công lập.

Trong khi đó, các vụ bạo hành trẻ vẫn thường xảy ra ở các cơ sở trông giữ trẻ tự phát và không ít vụ khiến trẻ tử vong. Trẻ dưới 36 tháng, đặc biệt là trẻ 6-18 tháng lại quá nhỏ, chưa có khả năng tự vệ cũng như không biết nói với cha mẹ nếu bị đánh đập.

Nhìn lại những vụ việc thương tâm trong nhiều năm qua, có thể khẳng định, trông giữ trẻ tại gia là “mô hình” kém an toàn nhất (chưa kể đến yếu tố chăm sóc, giáo dục).

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tình trạng bạo hành trẻ, trong năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ bồi dưỡng về đạo đức nhà giáo cho hơn 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bằng tiền ngân sách. Thế nhưng, các chính sách tốt đẹp khó lòng “chạm” đến các nhóm giữ trẻ tự phát.

Để chính sách “trường mầm non có nhiệm vụ tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3-6 tháng tuổi” đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, ngành giáo dục cần tăng cường truyền thông để phụ huynh nắm thông tin; và để xã hội có cái nhìn đúng đắn về vai trò của giáo dục mầm non nói chung, vai trò của giáo viên nói riêng trong việc chăm nuôi trẻ. Đồng thời cần có chính sách riêng trong đào tạo giáo viên cũng như mức phụ cấp đối với giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần có những chính sách về đầu tư xây dựng phòng học đảm bảo an toàn, tiện ích đối với lứa tuổi này. Trước mắt, có thể kêu gọi nguồn xã hội hóa từ chính các hộ dân, các doanh nghiệp đóng trên trên địa bàn xã, phường; hoặc kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ những đồ dùng, vật dụng “đặc thù” của riêng lứa tuổi dưới 36 tháng. Chỉ khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, nhà trường mới tự tin về môi trường chăm sóc trẻ của đơn vị mình; các giáo viên mới yên tâm tập trung vào công việc chăm lo cho các cháu.

Xét cho cùng, khi chọn gửi con ở bất kỳ độ tuổi nào, điều mà phụ huynh quan tâm nhất vẫn là yếu tố an toàn. Khi thấy trẻ ở “lớp mầm non cho trẻ 6-18 tháng tuổi” được nuôi dạy tốt, chính phụ huynh sẽ là kênh truyền thông hiệu quả cho các trường mầm non và chính sách nhân văn trên.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI